Tiền lương làm thêm giờ được áp dụng thế nào?

Người lao động làm thêm giờ, thời gian làm thêm được tính ra sao, làm thêm vào ngày nghỉ có được tính nhiều hơn ngày thường? Đây đang là những thắc mắc của người lao động.

Buổi Đối thoại – Giao lưu trực tuyến – Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 23/4 có sự tham gia của hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

Các chuyên gia trả lời nhiều câu hỏi của người lao động về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: LĐTĐ.

Đoàn viên công đoàn và người lao động đã gửi tới các chuyên gia nhiều câu hỏi về nội dung an toàn vệ sinh lao động, những ngành nghề được phụ cấp độc hại, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, tiền lương làm thêm ngày nghỉ lễ, Tết đóng bảo hiểm xã hội... Chị Nguyễn Minh Thúy đến từ Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ đã hỏi chuyên gia về việc khi người lao động nghỉ phép năm không hết có được cộng dồn sang năm sau? Với câu hỏi này, Luật sư Đặng Văn Thành – Đoàn Luật sư TP Hà Nội phản hồi: Theo quy định, người lao động được quyền bảo lưu số ngày nghỉ phép năm nhưng phải có sự thỏa thuận của người sử dụng lao động. Người lao động có thể thỏa thuận với chủ sử dụng lao động về vấn đề nghỉ hàng năm để có thể nghỉ phép năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Người lao động thắc mắc về chính sách tiền lương. Ảnh: LĐTĐ.

Cho nên, nếu trong năm người lao động vẫn chưa nghỉ hết số ngày phép thì có thể thực hiện thỏa thuận với DN để chuyển sang năm sau. Trường hợp DN đồng ý thì người lao động sẽ được nghỉ phép trong những ngày cộng dồn và hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

Với câu hỏi của anh Nguyễn Trọng Hình đến từ Công ty Thủy lợi Hà Nội về quy định và tiền lương làm thêm giờ, Luật sư Đặng Văn Thành phản hồi: Chủ sử dụng lao động được sử dụng người lao động để làm thêm giờ khi họ đồng ý. Thời gian làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ/1 ngày; không quá 40 giờ/1 tháng. Chủ sử dụng lao động phải bảo đảm thời gian làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/1 năm. Đối với người lao động làm việc trong ngành may mặc, giày da, thời gian làm thêm không quá 300 giờ/1 năm.

Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. Cụ thể, người lao động làm thêm giờ vào ngày thường, tiền lương ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ tết có hưởng lương, ít nhất bằng 300%. Như vậy, người lao động đi làm thêm ngày nghỉ lễ, Tết có hưởng lương cộng với tiền lương làm thêm giờ, tổng cộng bằng 400%.

Bộ luật Lao động đã quy định như vậy nên công ty nào không thực hiện là vi phạm pháp luật. Khi đó, người lao động có thể phản ánh đến Công đoàn cơ sở để được bảo vệ quyền lợi hoặc trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tien-luong-lam-them-gio-duoc-ap-dung-the-nao.html