Tiền Giang: Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Tiền Giang ghi nhận 2 trường hợp bệnh cúm gia cầm (CGC). Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC.

GHI NHẬN 2 TRƯỜNG HỢP MẮC BỆNH CGC

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, trường hợp bệnh CGC đầu tiên trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi gà tại xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây vào ngày 8-1-2024. Tổng đàn gà của hộ chăn nuôi này là 2.000 con. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N1 (ngày 9-1-2024), toàn bộ đàn gà đã được chính quyền địa phương tổ chức đốt hủy.

Tổ chức đốt hủy đàn gia cầm mắc bệnh CGC tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành.

Mới đây, theo Công văn 641 ngày 2-4-2024 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh về việc báo cáo ca bệnh cúm A/H9N2; Báo cáo số 1304 ngày 3-4-2024 của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang về trường hợp nhiễm cúm A/H9N2 trên người thuộc địa bàn xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành; Thông báo 24 ngày 4-4-2024 của Chi cục Thú y vùng VI về kết quả xét nghiệm vi rút CGC từ 7 mẫu thu được tại 2 điểm buôn bán gia cầm sống trên địa bàn ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, có 1 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1. Chính quyền địa phương đã tổ chức đốt hủy 121 con gia cầm gồm: Gà, bồ câu, ngỗng tại nơi có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1 ở huyện Châu Thành. Như vậy, đây là trường hợp phát hiện bệnh CGC thứ 2 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG

Thời gian qua, ngành Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát triển khá mạnh. Theo thống kê, đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có khoảng 16,1 triệu con (không kể chim cút). Để bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển ngành Chăn nuôi gia cầm tại địa phương, tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, để chủ động ngăn ngừa, kiểm soát bệnh CGC lây lan diện rộng, đặc biệt là lây truyền từ gia cầm sang người, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 1951 ngày 5-4-2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh CGC lây sang người. Sở NN&PTNT đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai quyết liệt một số nội dung về phòng, chống bệnh CGC.

Theo đó, UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác giám sát, theo dõi tình hình bệnh trên gia cầm qua nhiều kênh thông tin (chủ nuôi, thú y cơ sở, cửa hàng thuốc thú y, đại lý thức ăn...) nhằm phát hiện bệnh sớm, báo cáo nhanh và xử lý ổ dịch kịp thời. Một trong những nội dung quan trọng là thống kê lại tổng đàn gia cầm trên địa bàn quản lý, tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm cho đối tượng hỗ trợ vắc xin miễn phí (vịt, ngỗng của nông hộ) và vận động chủ nuôi ngoài diện hỗ trợ tự mua vắc xin để tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm trên địa bàn huyện, đảm bảo đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.

Các địa phương thành lập Đoàn công tác cấp huyện tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, thu gom và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân cảnh giác, chủ động phòng bệnh CGC; thường xuyên tổ chức xe cổ động để tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, người chăn nuôi phải nghiêm túc thực hiện “5 không” gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia cầm bệnh, chết; không giết mổ gia cầm bệnh, chết; không ăn thịt gia cầm bệnh, chết; không vứt xác gia cầm chết ra môi trường. Khi phát hiện có gia cầm bệnh, chết bất thường phải báo ngay cho thú y xã/huyện, chính quyền địa phương hoặc số điện thoại đường dây nóng 0273.3888.111 để được hỗ trợ của địa phương, cơ quan thú y và cơ quan y tế. Riêng đối với địa bàn có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N1 trên gia cầm, ngoài thực hiện các nội dung trên, cần phải tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng liên tục 3 ngày và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như đối với ổ dịch CGC.

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang (Sở NN&PTNT), để phòng, chống bệnh CGC, người chăn nuôi mua gia cầm giống trong tỉnh phải biết rõ nguồn gốc; ngoài tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật của cơ quan Thú y. Người chăn nuôi nên bố trí hố sát trùng trước cổng trại và trước các dãy chuồng để kiểm soát con người, động vật, xe cộ, vật tư chăn nuôi ra vào cơ sở. Trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi từ 1 - 2 lần/tuần.

Người chăn nuôi cần sử dụng loại vắc xin cúm theo hướng dẫn của cơ quan Thú y và thực hiện quy trình chủng ngừa theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Năm 2024, chủ nuôi cần sử dụng một số loại vắc xin phù hợp với vi rút cúm đang gây bệnh trên đàn gia cầm của tỉnh Tiền Giang, gồm các loại vắc xin CGC: Navet-Fluvac 2, Re-5, Re-6, K-New H5, H5 vô hoạt chủng D7 và rD8, H5 vô hoạt Medivac AI.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202404/tien-giang-trien-khai-cac-giai-phap-phong-chong-benh-cum-gia-cam-1007564/