Tiền Giang: Tập trung nguồn lực phòng, chống sạt lở

Theo đánh giá chung, trong những năm gầy đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn thường xuyên xảy ra, âm thầm tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng về cường độ lẫn phạm vi, mức độ ngày càng xảy ra nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.

Hằng năm, sạt lở thường xảy ra tại rất nhiều địa phương ở các huyện phía Tây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, khu vực thường xuyên bị sạt lở là cặp các tuyến sông, kênh, rạch làm ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, không đảm bảo ngăn mặn, triều cường bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Những sự cố sạt lở xảy ra trong những năm gần đây cho thấy mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm, khó lường. Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong khoảng 10 năm gần đây toàn tỉnh xảy ra 1.197 điểm với chiều dài khoảng hơn 117 km, kinh phí khắc phục hơn 2.403 tỷ đồng (Vốn Trung ương hỗ trợ 1.272 tỷ đồng), sạt lở thường xuyên xảy ra và tập trung nhiều ở các huyện phía Tây của tỉnh như: huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, thị xã Cai Lậy và TP. Mỹ Tho.

Thi công kè chống sạt lở ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Thi công kè chống sạt lở ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xảy ra trên có 88 điểm/khu vực sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài khoảng 37,73km (trong đó có hơn 12,755 km là tuyến giao thông nông thôn), hầu hết các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, không đảm bảo ngăn mặn, triều cường bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Công tác xử lý sạt lở trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh cơ bản khắc phục kịp thời để bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, Tiền Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông; hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại một số khu vực phân lưu, hợp lưu trên các đoạn sông chính, khu vực cửa sông có diễn biến sạt, bồi phức tạp cần chỉnh trị.

Bên cạnh đó là tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình phòng chống sạt lở tại địa phương, cập nhật cơ sở dữ liệu hiện có lên bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, giảm thiểu tác động làm tăng nguy cơ sạt lở, cơ bản đến năm 2025 các khu dân cư ven sông ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn, tập huấn các kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.

Đồng thời, Tiền Giang quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực ven sông, các công trình lấn sông, cản trở dòng chảy. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi ổn định an toàn.

Theo đánh giá chung, trong những năm gầy đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn thường xuyên xảy ra, âm thầm tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng về cường độ lẫn phạm vi, mức độ ngày càng xảy ra nghiêm trọng và nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên do quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp nên còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa xử lý được vì thiếu kinh phí. Ngoài ra, hiện nay tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, trong khoảng 10 năm gần đây bờ biển Tiền Giang xảy ra 23 điểm, tổng chiều dài hơn 11 km đã làm xâm thực gây mất hơn 700 ha rừng phòng hộ. Từ năm 2009 đến 2020, thực hiện chương trình củng cố nâng cấp đê biển (theo Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình củng cố nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đến năm 2020), tỉnh Tiền Giang kè bảo vệ mái đê biển Gò Công dài hơn 11 km, với tổng kinh phí thực hiện hơn 520 tỷ đồng.

Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và sự cố gắng nỗ lực của tỉnh, từ năm 2016 - 2021 tỉnh đầu tư xây dựng 18 dự án kè sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 11,3 km, tổng kinh phí hơn 509,6 tỷ đồng. (Trong đó: Trung ương hỗ trợ: 492 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng: 17,666 tỷ đồng).

Thi công kè chống sạt lở tại xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Thi công kè chống sạt lở tại xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Nguyên nhân sạt lở là do mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy đạp thẳng vào bờ lâu ngày tạo hàm ếch kết hợp thủy triều xuống thấp kèm theo những đợt mưa to đầu mùa và phương tiện thủy lưu thông qua lại với mật độ nhiều tạo sóng góp phần gây ra sạt lở. Bên cạnh đó, do nền đất yếu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều biển Đông đồng thời do tập quán của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng thường sinh sống ven sông, kênh, rạch từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông, kênh, rạch gia tăng phần lớn do hậu quả từ các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình thượng nguồn không tuân thủ quy hoạch; khai thác cát, sỏi quá mức trên sông; phát triển thủy điện ở thượng nguồn làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu; cải tạo cảnh quan, phát triển đất ven sông... cộng hưởng với vấn đề biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai và sụt lún nền đất...

Đối với bờ biển, do tác động của điều kiện tự nhiên bao gồm các yếu tố sóng, gió, mưa, dòng chảy tác động đến hạ tầng ven bờ biển (trong đó có tác động của biến đổi khí hậu). Nền đất yếu, chịu tác động mạnh mẽ của sóng do ảnh hưởng của gió mùa Đông, Đông Bắc.

Đồng thời, lượng phù sa bồi đắp các bãi biển suy kiệt dần làm cây rừng ngập mặn dần suy thoái kết hợp với tác động mạnh mẽ của sóng biển làm cho diện tích rừng phòng hộ của tỉnh bị xâm thực nhanh chóng và bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại huyện Gò Công Đông...

TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/tien-giang-tap-trung-nguon-luc-phong-chong-sat-lo-996965/