Tiền Giang: Tăng cường xử lý kinh doanh, vận chuyển, khai thác cát trái pháp luật

Thời gian qua, tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Chỉ tính riêng tháng 11-2023: lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện 3 vụ - 5 đối tượng khai thác cát trái phép; 20 vụ - 20 đối tượng mua bán, vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; tập trung là tuyến sông Tiền (xã Thới Sơn, phường Tân Long, TP. Mỹ Tho); sông Bảo Định (phường 4, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho); sông Năm Thôn (huyện Cai Lậy), sông cửa Tiểu (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây).

Trong 11 tháng năm 2023, lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện, xử lý 72 vụ 154 đối tượng khai thác cát trái phép (trong đó, khởi tố 7 vụ 8 bị can phạm tội khai thác cát trái phép) và 132 vụ 147 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển cát không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ; ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, gây dư luận trong nhân dân.

Để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng khai thác cát trái phép, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị các đoàn thể tỉnh:

- Tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, khoáng sản; tuyệt đối không tham gia bao che, tiếp tay hoặc can thiệp giải quyết không đúng quy định pháp luật các đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép. Tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, không lợi dụng mối quan hệ để hoạt động vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, tố giác đến cơ quan chức năng các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép, nhất là tại các “điểm nóng” về hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái pháp luật.

- Tổ chức rà soát, thống kê danh sách cán bộ, công chức, viên chức và người thân của cán bộ, công chức, viên chức có phương tiện thủy liên quan đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển, khai thác cát theo mẫu (đính kèm). Kết quả rà soát gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh) trước ngày 31-12-2023 để tổng hợp hợp, theo dõi.

2. Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang tăng cường đưa tin, bài tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về khoáng sản, các quy định về xử lý đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp nhằm nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại địa phương; nghiên cứu có nhiều tin, phóng sự... ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống khai thác cát trái phép và tin bài liên quan đối tượng vi phạm trong khai thác cát trái phép.

3. Sở Giao thông Vận tải phối hợp các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa theo quy định; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý những trường hợp không tuân thủ các quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, các phương tiện thủy có gắn các máy móc, thiết bị dùng để bơm, hút khoáng sản không đúng quy định.

4. Sở Xây dựng phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư dự án rà soát, đánh giá nhu cầu, cân đối nguồn vật liệu san lấp để phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước; yêu cầu các chủ đầu tư khi tiến hành ký kết hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi do nhà thầu cung cấp.

5. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn; triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm trấn áp mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái pháp luật. Tập trung nắm tình hình, bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiểm tra trên các tuyến, địa bàn phụ trách, nhất là ở những khu vực, “điểm nóng” về vi phạm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép; quá trình xử lý cần lưu ý đối với các trường hợp tái phạm, các trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì kiên quyết xử lý hình sự; đồng thời, tịch thu các phương tiện, thiết bị phục vụ khai thác cát trái phép theo quy định (kể cả việc xử lý các thiết bị tự lắp đặt để bơm hút cát).

- Báo cáo cấp ủy, chính quyền hoặc cơ quan chủ quản nếu có trường hợp cán bộ, công chức, viên chức can thiệp hoặc tham gia kinh doanh (kể cả người thân) các phương tiện khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông trái pháp luật.

6. Giao Công an tỉnh đôn đốc việc thực hiện nội dung công văn này, tổng hợp kết quả rà soát của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

P.V

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202312/tien-giang-tang-cuong-xu-ly-kinh-doanh-van-chuyen-khai-thac-cat-trai-phap-luat-998563/