Tiền Giang: Nhiều kỳ vọng ngành Giáo dục năm 2024

Năm 2024 được xác định là năm cuối cùng của chu trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Với những kết quả đạt được trong năm 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang tiếp tục có những giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh nhà vươn lên tầm cao mới. Trước thềm năm mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học tỉnh, thầy cô giáo và học sinh đã có chia sẻ về những giải pháp, mong mỏi, kỳ vọng trước những cơ hội, thách thức mới của ngành Giáo dục tỉnh nhà trong năm 2024.

* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT:

Quan tâm, chăm lo đội ngũ nhà giáo

Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đang triển khai công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong đó, tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với GDPT, mà cụ thể là triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, ngành GD-ĐT cần thực hiện nhiều yếu tố, nguồn lực khác nhau, trong đó đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn quan tâm, chăm lo kịp thời cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các kỹ năng chuyên môn, kiến thức mới đã kịp thời được phổ biến rộng rãi đến đông đảo giáo viên.

Trong năm 2024, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy. Theo đó, ngành sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1374 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo quy định; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Cùng với đó, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bố trí đủ giáo viên dạy môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT năm 2018; nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

* CÔ ĐỒNG THỊ BẠCH TUYẾT, CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC TỈNH TIỀN GIANG:

Không để học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể; sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, công tác khuyến học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có những kết quả phấn khởi.

Với quyết tâm không để bất cứ học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, đã có hàng ngàn suất học bổng, quà tặng… đã được trao cho các em học sinh vượt khó, học tốt, giúp các em vững bước đến trường.

Tiếp nối những thành công, trong năm 2024, với khí thế mới, mong rằng các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục chung tay chăm lo, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục đến trường.

* THẦY LÊ HOÀNG GIANG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TƯ THỤC ẤP BẮC:

Xây dựng môi trường học đường an toàn, hạnh phúc

Thời gian qua, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được ngành GD-ĐT, lãnh đạo các trường xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục.

Dựa vào điều kiện thực tế, Trường THPT Tư thục Ấp Bắc không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, mà còn đẩy mạnh nhiều hoạt động như tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; các diễn đàn đối thoại giữa Ban Giám hiệu với học sinh nhà trường để lắng nghe tâm tư tình cảm của học sinh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà học sinh đang gặp phải, giải quyết các tình huống linh hoạt, mềm dẻo và hài hòa. Hy vọng rằng, với những nỗ lực, các trường sẽ xây dựng tốt môi trường học đường an toàn, hạnh phúc.

* CÔ NGUYỄN THỊ YẾN DUYÊN, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT CHUYÊN TIỀN GIANG:

Phấn khởi khi thực hiện cải cách tiền lương

Năm 2024 là năm thực hiện cải cách tiền lương, trong đó vấn đề lương của giáo viên được các ngành, các cấp dự kiến sẽ tăng. Đây được xem là tín hiệu tích cực, rất vui mừng, phấn khởi không riêng gì với bản thân tôi mà là của rất nhiều đồng nghiệp khác. Việc thực hiện cải cách tiền lương góp phần động viên tinh thần chung cho giáo viên của cả nước, đặc biệt là các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, bởi điều kiện còn nhiều khó khăn.

Là một giáo viên đang công tác giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Tiền Giang, một trong những “cái nôi” đào tạo nguồn lực chất lượng cao của tỉnh, thời gian tới, tôi sẽ nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt công tác giáo dục kỹ năng, lối sống cho học sinh theo đúng định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh của Chương trình GDPT năm 2018.

* EM NGUYỄN NGỌC QUẾ HÂN, HỌC SINH LỚP 11, TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (TP. MỸ THO):

Mong tiếp cận nhiều kiến thức mới

Là một trong những lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình GDPT năm 2018 ở bậc THPT và vinh dự được học dưới mái Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có bề dày truyền thống “Dạy giỏi - học giỏi” của tỉnh Tiền Giang, bản thân em rất tự hào.

Em cũng như các bạn thấy rằng, Chương trình GDPT mới đã có nhiều điểm tích cực, lấy học sinh làm trung tâm cũng như có nhiều thay đổi trong công tác thi cử theo hướng nhẹ nhàng. Trong thời gian tới, em hy vọng được các thầy cô truyền dạy nhiều bài học quý giá, được thực hành, tiếp cận nhiều hơn với thực tế các kiến thức về lý thuyết.

ĐỖ PHI (lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202401/tien-giang-nhieu-ky-vong-nganh-giao-duc-nam-2024-1000060/