Tiền Giang không để người dân thiếu nước sạch sử dụng trong mùa khô

Trước tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, nhu cầu nước sinh hoạt tăng cao, tỉnh Tiền Giang nỗ lực đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành đến khảo sát, kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt, sản xuất phòng chống xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nghe người dân ở huyện Gò Công Đông trình bày về nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch (Ảnh: Minh Khôi)

Đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trò chuyện, trao đổi với người dân về việc bảo đảm nguồn nước sinh hoạt. Các hộ dân cho biết, nhờ chủ động trữ nước và chính quyền mở các vòi nước công cộng nên đến thời điểm này nước sinh hoạt cơ bản được đảm bảo.

Hiện tại, trên địa bàn toàn huyện Gò Công Đông, đã mở hơn 60 vòi cấp nước sinh hoạt miễn phí phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển, như: Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Phước Trung, Tân Hòa… kiên quyết không để ai phải thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng hà và đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - thông tin: Đến nay, 9/11 huyện, thành phố của tỉnh có đủ nước sinh hoạt, chỉ thiếu cục bộ ở một số xã thuộc huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông do ở cuối mạng lưới cấp nước, hoặc chưa được lắp đặt đường ống dẫn nước. “Tỉnh Tiền Giang đã mở khoảng 105 vòi nước, điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí cho người dân. Và tuyệt đối không để một ngày người dân không có nước sạch sử dụng" - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cam kết.

Người dân tại xã Tân Phước, Gò Công Đông mang can đi xin nước ngọt từ xe bồn trưa 5/4 (Ảnh: Hoàng Nam)

Chia sẻ về quyết định công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, người đứng đầu chính quyền Tiền Giang - cho biết: Tình hình chưa đến mức khẩn cấp tình hình chưa đến mức khẩn cấp, nhưng tỉnh công bố sớm để các sở, ngành, địa phương chuẩn bị trước phương án khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt vào các ao chứa nước. Qua đó, nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí; theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt phù hợp tình hình thực tế.

“Thời điểm này, huyện Tân Phú Đông có 3 ao trữ nước ngọt đã trữ được gần 101.000 m3 nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024. Dự kiến đủ dùng trong 30 ngày, tỉnh cũng đã chuẩn bị phương án để cung cấp ngay nguồn nước ngọt bổ sung trong trường hợp diễn biến hạn mặn còn phức tạp và có khả năng kéo dài” - ông Nguyễn Văn Vĩnh nói.

Sau khi khảo sát thực tế và nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, từ sớm, từ xa của tỉnh Tiền Giang trong bảo đảm đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân; kết hợp tăng công suất các nhà máy nước, cấp nước tập trung, huy động nguồn nước tại chỗ; cũng như thực hiện đúng theo quy hoạch thủy lợi để giải quyết đồng bộ, bài bản trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nước.

“Tiền Giang cần quy hoạch lại các điểm dân cư theo hướng tập trung để sử dụng hiệu quả hệ thống cấp nước. Đồng thời sớm chuẩn bị đầu tư đồng bộ hệ thống cấp nước cho huyện Gò Công Đông theo định hướng phát triển công nghiệp ở khu vực này; nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ các hộ dân” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Trước đó, khoảng hơn 10 ngày, nguồn nước tại các kênh, rạch nội đồng của các huyện phía Đông tiền Giang, nhất là trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã cạn kiệt. Đặc biệt, nắng nóng và hạn mặt đã khiến nguồn nước thô tại chỗ để sản xuất nước sinh hoạt cạn kiệt dẫn đến một số khu vực cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công thiếu nước.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã ký văn bản công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Đồng thời, đề ra các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả tình huống này nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tỉnh chủ trì, khẩn trương phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt, cấp nước vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tien-giang-khong-de-nguoi-dan-thieu-nuoc-sach-su-dung-trong-mua-kho-313367.html