Tiền Giang: Giáo dục giá trị truyền thống qua các hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp

Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Tiền Giang quan tâm, chú trọng.

Trường THCS Lê Ngọc Hân tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ” cho học sinh.

Trường THCS Lê Ngọc Hân tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ” cho học sinh.

Trong xu thế hiện nay, việc học tập trải nghiệm đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng và đã đem lại hiệu quả cao trong giáo dục. Học tập trải nghiệm rèn luyện cho học sinh nhiều phẩm chất, năng lực cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục.

Có thể thấy, việc giáo dục giá trị di tích lịch sử, văn hóa (DTLS-VH) Tiền Giang thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn là một trong những giải pháp lợi cả đôi đường, vừa tốt cho việc phát huy giá trị di sản, vừa khơi dậy, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ và bổ trợ hiệu quả cho hoạt động giáo dục, định hướng lý tưởng cho học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Vì vậy, giáo dục trải nghiệm tại các DTLS-VH là một cách tiếp cận mới để các em tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện nhân cách. Những bài học mà các em tự thu nhận được từ trải nghiệm thực tế chắc chắn sẽ đọng lại lâu bền, sâu sắc hơn.

Tỉnh Tiền Giang hiện có 186 DTLS-VH được xếp hạng, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 164 di tích cấp tỉnh. Các di tích gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử - văn hóa đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Đền thờ Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, Chùa Vĩnh Tràng, Đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành... Tiền Giang còn là cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương và là quê hương của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Tủ thờ Gò Công (TX. Gò Công), dệt chiếu Long Định, nón bàng buông (huyện Châu Thành)…

Thạc sĩ Phan Thị Khánh Đoan, giảng viên Bộ môn Du lịch, Khoa Kinh tế - Luật của Trường Đại học Tiền Giang cho biết: “Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương.

Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử.

Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp”.

Cùng với việc dạy văn hóa, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hằng năm, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa như cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử để tạo hứng thú học tập cho các em, từ đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nhất là vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như: Ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5), Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7)...

Qua mỗi lần tham quan, một số trường cho học sinh viết bài giới thiệu về lịch sử hình thành, biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực bởi thông qua đó giúp nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nhận thức được vị thế, những giá trị to lớn, giàu tính nhân văn của các DTLS-VH và cách mạng, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý các DTLS-VH, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của hệ thống các DTLS-VH và cách mạng. Nhiều địa phương chỉ đạo các đoàn thể, trường học tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích, nghĩa trang liệt sĩ…

Thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực đã tạo ra môi trường lành mạnh, giúp cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, xác định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng và ý thức được trách nhiệm của bản thân để phấn đấu trong học tập và rèn luyện, trưởng thành, phát huy tinh thần xung kích tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nội dung chương trình hướng đến trọng tâm là giáo dục về lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu, hoạt động trải nghiệm tại các DTLS-VH; phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo tồn và phát huy di sản...

Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn Tiền Giang rà soát, tổng hợp các điểm tham quan và điểm cung ứng dịch vụ trên địa bàn; tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các điểm tham quan và điểm cung ứng dịch vụ theo các nội dung: Cơ quan quản lý, khái quát sản phẩm, sức chứa cùng thời điểm, điều kiện về hạ tầng, các hoạt động có tiềm năng, phí vào cửa (chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên), thời gian di chuyển từ các trường đến điểm tham quan; dự kiến kết nối; đánh giá sản phẩm phù hợp với lứa tuổi.

NGUYỄN THÀNH LIÊM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202401/tien-giang-giao-duc-gia-tri-truyen-thong-qua-cac-hoat-dong-trai-nghiem-va-huong-nghiep-1000150/