Tiền Giang ghi nhận gần 7.000 ca đau mắt đỏ

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang cho biết, trong 1 tuần qua, số lượng người mắc bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ) đang tăng nhanh tại các địa phương trong tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt dịch xuất hiện trong trường học làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Bác sĩ Trần Việt Tuần, Giám đốc Bệnh viện Mắt hướng dẫn học sinh cách chăm sóc và bảo vệ mắt. Ảnh T.H

Cụ thể, trong tuần từ ngày 11 đến 17-9, toàn tỉnh ghi nhận 5.762 ca mắc đau mắt đỏ, nâng tổng số ca mắc ghi nhận đến ngày 17-9 trong toàn tỉnh là 6.927 ca.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, CDC tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn về việc tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ đến các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. CDC tỉnh yêu cầu tại các bệnh viện tổ chức hướng dẫn cách phòng chống, chăm sóc về bệnh đau mắt đỏ cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Phối hợp với các tổ mắt thuộc các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Đăng tải nội dung tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ lên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng bệnh đau mắt đỏ tập trung phổ biến trong trường học và cộng đồng.

CDC tỉnh Tiền Giang yêu cầu Trạm Y tế xã, phường phối hợp các trường học trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như bố trí xà phòng, sử dụng nước sạch để rửa tay và vệ sinh cá nhân. Hướng dẫn học sinh không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… nhất là với học sinh ở các lớp bán trú. Khi phát hiện học sinh có triệu chứng nghi bị bệnh đau mắt đỏ như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt… hướng dẫn đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tránh biến chứng nặng.

Trong trường hợp có ca bệnh trong lớp học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế, vật dụng của học sinh; cho học sinh nghỉ học để điều trị bệnh và tránh lây lan bệnh trong nhà trường; thông tin ca bệnh cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.

Đồng thời, Trung tâm Y tế phối hợp cùng Trạm Y tế và các trường học trên địa bàn theo dõi, giám sát tình hình bệnh đau mắt đỏ tại các trường học để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch khi có học sinh mắc bệnh. Giám sát chặt chẽ các trường hợp đau mắt đỏ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện báo cáo theo quy định. Tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về các biện pháp phòng tránh đau mắt đỏ. Tăng cường công tác kiểm soát, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

THANH HOÀNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202309/tien-giang-ghi-nhan-gan-7000-ca-dau-mat-do-990973/