Tiền Giang: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác Hồ về công tác Dân vận

Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2023) và 24 năm 'Ngày Dân vận của cả nước' (15-10-1999 - 15-10-2023) là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của ngành Dân vận.

Dân vận và công tác Dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

 Tác phẩm "Dân vận" đăng trên Báo Sự Thật ngày 15-10-1949

Tác phẩm "Dân vận" đăng trên Báo Sự Thật ngày 15-10-1949

Ngày 15-10- 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15-10-1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", là cẩm nang của công tác Dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác Dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Tháng 10-1999, Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 15-10-1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác Dân vận.

Trải qua 93 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác Dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác Dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Hệ thống dân vận các cấp đã chủ động, phối hợp tốt với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, tham gia tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới theo hướng gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân, tập trung cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn; hoạt động giám sát, phản biện xã hội có nhiều kết quả tích cực; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có nhiều chuyển biến.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã có sự gắn kết chặt chẽ, tạo sức lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

 Nhiều tuyến đường giao thông ở nông thôn tỉnh Tiền Giang được khởi công nhờ sự hiến đất, đóng góp của nhân dân. Ảnh: Phương Mai.

Nhiều tuyến đường giao thông ở nông thôn tỉnh Tiền Giang được khởi công nhờ sự hiến đất, đóng góp của nhân dân. Ảnh: Phương Mai.

Ở tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, các cấp ủy chỉ đạo sâu sát công tác Dân vận, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Đồng thời, củng cố, nâng chất các phong trào, các cuộc vận động theo hướng thiết thực, chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn công tác dân vận, quy chế dân chủ và công tác tôn giáo ở cơ sở; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Công tác dân vận của hệ thống chính quyền tập trung giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm; trọng tâm là công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với các cơ quan tham mưu cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Công tác phối hợp nắm tình hình và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc được quan tâm, duy trì ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt các chương trình liên tịch đã ký kết; tích cực vận động nhân dân phòng ngừa, đấu tranh, tấn công tội phạm, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Công tác dân vận của Lực lượng vũ trang được tăng cường, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Công tác tiếp dân, gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến phản ánh của công dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, hạn chế bức xúc của người dân; công tác cải cách hành chính được chú trọng, dân chủ ở cơ sở được phát huy, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gắn với chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; kỷ niệm các ngày lễ lớn; thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Ngoài ra, công tác Dân vận còn tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa; tích cực vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua xây dựng điển hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện chuyên đề thi đua Quy chế dân chủ ở cơ sở - Dân vận khéo - dân vận chính quyền, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” năm 2023. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Phát huy truyền thống vẻ vang 93 năm công tác Dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của nhân dân; gắn việc làm tốt công tác Dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho.

Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm, sáng tạo và khí thế mới, công tác Dân vận sẽ tiếp tục có bước tiến mới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh.

M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/tien-giang-day-manh-viec-hoc-tap-va-lam-theo-bac-ho-ve-cong-tac-dan-van-993010/