Tiền đạo gốc Brazil lạc lõng ở tuyển Malaysia

Guilherme De Paula là cầu thủ nhập tịch duy nhất của tuyển Malaysia ở AFF Cup 2020 nhưng anh đứng trước nguy cơ thất bại tại giải đấu này.

Về lý thuyết, cầu thủ nhập tịch phải có năng lực vượt trội cầu thủ bản địa. Nhờ đó, họ sẽ là niềm hy vọng lớn của đội bóng ở các giải đấu quan trọng. Điều này đúng với Mohamadou Sumareh. Cầu thủ chạy cánh gốc Gambia đã chơi ấn tượng ở AFF Cup 2018, giúp tuyển Malaysia giành ngôi á quân.

Còn De Paula khó làm được điều tương tự. Thậm chí, anh còn bị chỉ trích dữ dội.

De Paula không thể hiện được gì ở trận gặp Campuchia. Ảnh: Getty.

De Paula nhạt nhòa

De Paula có lợi thế lớn để có thể hòa nhập cùng dàn cầu thủ bản địa của tuyển Malaysia. Anh khoác áo Johor Darul Ta'zim, CLB đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho tuyển Malaysia ở cả vòng loại thứ hai World Cup 2022 lẫn AFF Cup 2020. Anh là đồng đội của các trụ cột như đội trưởng Aidil Zafuan, ngôi sao Safawi Rasid...

Tuy nhiên, De Paula chưa tạo ra sự gắn kết với các đồng đội để tỏa sáng ở tuyển Malaysia. Sau 8 trận, anh chỉ ghi 2 bàn, trong đó một bàn từ chấm phạt đền.

Tại AFF Cup 2020, De Paula được đá chính trong trận khai màn gặp Campuchia. Anh không thể hiện được quá nhiều, chỉ để lại một pha dứt điểm và một đường chuyền tạo cơ hội. Đó là những con số quá ít ỏi trong thế trận tốt của tuyển Malaysia. Họ tạo ra đến 17 pha dứt điểm về phía khung thành của Campuchia.

Đến trận gặp Lào, HLV Tan Cheng Hoe chỉ cho De Paula vào sân trong những phút cuối. Trong chiến thắng 4-0 của tuyển Malaysia, đóng góp của tiền đạo gốc Brazil này là con số 0.

Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, De Paula cũng gây thất vọng. Anh có bàn thắng vào lưới tuyển Việt Nam trên chấm phạt đền nhưng thi đấu nhạt nhòa dù nhận nhiều kỳ vọng.

Sau giải đấu đó, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) quyết định tạm dừng chính sách nhập tịch dù đã lên kế hoạch cho một số cầu thủ Nam Mỹ khác.

Dù vậy, De Paula vẫn được tin tưởng và có mặt ở AFF Cup 2020. Nhưng ở tuổi 35, giải đấu này vẫn là một thách thức không nhỏ cho tiền đạo gốc Brazil bởi các trận đấu diễn ra với mật độ khá dày.

De Paula cũng chơi kém ấn tượng ở vòng loại thứ hai World Cup 2022. Ảnh: Y Kiện.

Thế khó của De Paula

Dường như những màn trình diễn nhạt nhòa trên sân khiến De Paula không giữ được bình tĩnh. Ở trận gặp Campuchia, De Paula tỏ vẻ không hài lòng khi phải nhường chỗ cho Luqman Hakim ở phút 65. Anh trút giận bằng cách ném chai nước vào băng ghế dự bị. Không chỉ vậy, chân sút nhập tịch gốc Brazil còn bị chính các cổ động viên Malaysia có mặt tại sân Bishan la ó.

Sau đó, tiền đạo trẻ Akhyar Rashid đưa ra phát biểu nhạy cảm: "Thật tuyệt vời khi giành chiến thắng ở trận đấu có nhiều cầu thủ nội hơn trong đội hình xuất phát". Truyền thông Malaysia cho rằng nội bộ tuyển quốc gia nước này đang bất ổn.

De Paula có thể có vấn đề với đồng đội ở tuyển hoặc không. Nhưng chắc chắn anh không được lòng người hâm mộ Malaysia. Safee Sali, cựu tuyển thủ Malaysia từng vô địch AFF Cup 2010, cũng thừa nhận điều này.

Người hâm mộ Malaysia luôn mong các tuyển thủ chơi máu lửa, cống hiến hơn và thể hiện được tinh thần dân tộc. Trong khi đó, De Paula thể hiện một hình ảnh lười biếng trên sân.

Tại AFF Cup 2020, những con số về hỗ trợ phòng ngự của De Paula đều là 0. Đây là khác biệt to lớn của De Paula với người đồng đội Syafiq Ahmad. Syafiq là người tích cực hỗ trợ phòng ngự nhất tuyển Malaysia. Anh có 3 lần tắc bóng thành công (tỷ lệ 75%), 3 lần giải vây, 1 lần đánh chặn. Các cầu thủ trẻ như Luqman Hakim, Akhyar Rashid cũng tích cực phòng ngự.

Trước cuộc đối đầu tuyển Việt Nam, New Straits Time của Malaysia còn viết một bài phân tích, đưa ra những lý do HLV Tan Cheng Hoe không nên tiếp tục sử dụng De Paula.

Tờ báo này tin rằng tuyển Malaysia nên ra sân với toàn bộ cầu thủ nội. HLV Tan Cheng Hoe mới có 7 lần làm điều này sau 38 trận và cuộc đối đầu Lào là trận thứ hai ở một giải đấu chính thức. Trong 7 trận đó, tuyển Malaysia thắng 5, hòa 2.

Những kết quả tích cực đó cộng thêm yếu tố tinh thần như đề cập ở trên là lý do khiến News Straits Time tin rằng việc gạt De Paula ra khỏi đội hình sẽ giúp tuyển Malaysia chơi tốt hơn.

Ngoài ra, các cầu thủ trẻ như Luqman Hakim, Arif Aiman Hanapi và Mukhairi Ajmal Mahadi cần được trao nhiều cơ hội hơn để tích lũy kinh nghiệm.

Bộ ba này cũng được đánh giá chơi ấn tượng và xứng đáng được ra sân nhiều hơn. Họ được coi là tương lai của bóng đá Malaysia, cần nhanh chóng trưởng thành để hướng đến những giải đấu quan trọng hơn như vòng loại Asian Cup 2023.

Khi dư luận đang chĩa mũi tên về phía De Paula, HLV Tan Cheng Hoe cũng đã đứng ra để bảo vệ học trò. Ông chia sẻ: "Trước mắt, quan điểm của tôi là sử dụng cầu thủ tốt nhất cho trận đấu bất kể họ là cầu thủ bản địa hay nhập tịch". Bên cạnh đó, ông cũng phủ nhận việc tuyển Malaysia lục đục nội bộ.

Ở AFF Cup 2020, tuyển Malaysia vẫn được coi là một trong những ứng cử viên vô địch. Nhưng dù thầy trò HLV Tan Cheng Hoe có thành công hay không, De Paula chịu quá nhiều bất lợi để có thể tỏa sáng.

Ba năm trước, tuyển Malaysia giành ngôi á quân AFF Cup với Sumareh, cầu thủ nhập tịch duy nhất trong đội hình như De Paula hiện tại. Nhưng nên nhớ rằng, thời điểm đó, Sumareh rất sung mãn ở tuổi 24. Trong khi đó, De Paula đang nặng nề ở tuổi 35.

Cầu thủ nhập tịch Malaysia không được lòng người hâm mộ Safee Sali, cựu tuyển thủ Malaysia từng vô địch AFF Cup 2010, chia sẻ quan điểm với Zing về đội hình dự giải của đương kim á quân.

Nguyên Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tien-dao-goc-brazil-lac-long-o-tuyen-malaysia-post1282932.html