Tiêm vắc xin thủy đậu thế nào để tránh biến chứng?

Thời điểm này được xem là 'mùa' của thủy đậu do vi rút gây bệnh sinh sôi và phát tán nhanh chóng khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Tiêm vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 15 đến 22/3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 44 ca mắc thủy đậu, tăng 21 ca so với tuần trước. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 246 ca mắc thủy đậu, giảm 364 ca so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, theo CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc thủy đậu có thể tăng trong thời gian tới.

Bác sĩ Đàm Thị Thanh Tâm, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý, người đã từng mắc thủy đậu thường có miễn dịch bền vững với vi rút. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với nguồn lây bệnh mà không biết cách phòng tránh, miễn dịch cơ thể suy giảm, có thể mắc lại thủy đậu. Khi đó, người bệnh vẫn có thể lây bệnh cho những người khác. Vì vậy, tiêm vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Bác sỹ khám cho bệnh nhân mắc thủy đậu.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vắc xin phòng thủy đậu hiện tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn chưa mắc bệnh, gồm hai mũi, thời gian giữa hai lần tiêm tùy thuộc vào loại vắc xin và độ tuổi.

Vắc xin thủy đậu không được chỉ định tiêm trong thai kỳ. Để phòng bệnh khi mang thai và cung cấp miễn dịch bảo vệ trẻ, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần chủ động tiêm ngừa trước thai kỳ và ngừa thai ít nhất ba tháng trước khi có thai, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.

Các chuyên gia y tế cho biết Việt Nam chưa có vắc xin ngừa zona thần kinh nên vắc xin thủy đậu cũng được xem là cách phòng zona thần kinh duy nhất hiện có./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tiem-vac-xin-thuy-dau-the-nao-de-tranh-bien-chung-228696.htm