Tiêm vắc xin phòng dại không gây suy giảm trí nhớ

Đó là khẳng định của BSCKI. Hà Hải Việt - Phó trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trước quan điểm tiêm vắc xin phòng dại có thể gây suy giảm trí nhớ của một bộ phận người dân hiện nay.

Người dân tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh ngay sau khi bị chó thả rông cắn

Theo báo cáo của Chi cục chăn nuôi & Thú y tỉnh, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 75 ổ dịch dại trên chó. Năm 2022, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt 20,34%, trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong hai năm liên tiếp. Năm 2022, số người đi phòng vắc xin dại là 4.088 người. Có 1.174 người tiêm phòng dại trong hai tháng đầu năm 2023.

Về lo ngại tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ, BSCKI. Hà Hải Việt cho biết: Quan niệm của người dân không phải là không có cơ sở nhưng đó là với vắc xin thế hệ cũ và đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm.

Trước đây, các vắc xin sử dụng tiêm phòng dại là vắc xin thế hệ cũ được sản xuất từ não chuột nên độ tinh khiết không cao và tồn dư các tế bào từ não chuột làm tỷ lệ phản ứng bất thường cao trong đó ghi nhận các phản ứng bất lợi như sốc phản vệ, ảnh hưởng đến thần kinh…

Hiện nay, vắc xin phòng dại thế hệ mới không có tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vắc xin cũ. Cụ thể, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vắc xin phòng dại thế hệ mới được chiết xuất từ tế bào thận khỉ hoặc tế bào lưỡng bội người hoặc tế bào vero tinh khiết, đồng thời vi rút dại đã được bất hoạt với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng vắc xin tốt hơn không có những tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vắc xin cũ. Do đó, người dân hoàn toàn yên tâm và không phải lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin như mọi người đã quan niệm trước đây.

Cán bộ Phòng tiêm chủng vắc xin - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người dân bị chó thả rông cắn

Việc tiêm vắc xin phòng dại chính là cuộc chạy đua giữa vắc xin và vi rút, do đó để tránh tai biến do chó, mèo cắn, tốt nhất người dân nên đi tiêm phòng ngay, không phải chờ theo dõi chó, mèo và không phải lo ngại ảnh hưởng vắc xin đến hệ thần kinh như trước. Đặc biệt, nếu vị trí cắn ở chỗ nguy hiểm gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ…việc tiêm phòng cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Tại Việt Nam, hiện có 2 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và Abhayrab do Công ty Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất.

Theo bác sĩ Việt, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Theo thống kê của Phòng tiêm chủng vắc xin - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, đối với các trường hợp được tiêm vắc xin và huyết thanh sớm do bị chó, mèo dại cắn chưa ghi nhận ca tử vong.

Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiện, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y.

2. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

3. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.

4. Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.

5. Đến ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại khi bị súc vật cắn

Theo Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Ở nước ta, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/tiem-vac-xin-phong-dai-khong-gay-suy-giam-tri-nho/191806.htm