Tiềm năng về du lịch chờ khai thác

Đồng Nai là vùng đất có bề dày về văn hóa, từng được mệnh danh là văn hóa Đồng Nai, đại diện cho cả vùng văn hóa Nam bộ thời tiền sử. Văn hóa Đồng Nai gắn liền với những dòng sông, bởi từ thời xa xưa, người dân luôn bám theo những con sông, suối để mưu sinh.

Du khách trải nghiệm trò chơi sông nước tại Làng du lịch sinh thái Tre Việt (H.Nhơn Trạch)

Du khách trải nghiệm trò chơi sông nước tại Làng du lịch sinh thái Tre Việt (H.Nhơn Trạch)

Trong các cuộc di dân cũng như sinh hoạt thường ngày của người Đồng Nai xưa, đường sông là tuyến giao thông chính của người dân. Do đó, những dòng sông ở Đồng Nai không chỉ có vai trò về giá trị kinh tế, cảnh quan thiên nhiên mà còn là chứng tích gồng gánh giá trị về văn hóa khảo cổ học, là nơi cất giữ những di sản còn nằm dưới dòng sông, trong đó nổi bật nhất là sông Đồng Nai.

Về Đồng Nai nghe sông kể chuyện

Đồng Nai có hơn 200 km đường sông, với những cái tên như: sông Đồng Nai, Thị Vải, Đồng Tranh, Lòng Tàu… đi qua những vùng dân cư, đô thị và nhiều cù lao, đình, chùa ven sông, hoặc len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn và cùng hòa mình vào với Biển Đông. Mỗi con sông ở Đồng Nai đều mang bên mình những câu chuyện riêng, chẳng hạn như khi đến dòng sông Thị Vải, Lòng Tàu (H.Nhơn Trạch) sẽ được nghe những câu chuyện kể về chiến công oanh liệt của các chiến sĩ đặc công rừng Sác năm xưa.

Để phát huy hết tiềm năng phát triển du lịch đường sông, từ năm 2019 đến năm 2021, UBND tỉnh đã quy hoạch 9 tuyến du lịch đường sông trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2035. Đến nay những tuyến du lịch theo quy hoạch vẫn chưa được triển khai do vướng các quy định về thủ tục đất đai.

Ấn tượng nhất là khi đến TP.Biên Hòa, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về các lò gốm, nhà cổ, đình, chùa có từ hàng trăm năm nằm dọc hai bên bờ sông Đồng Nai - dòng sông nội địa dài nhất Việt Nam, thuộc các phường Tân Vạn, Hiệp Hòa, Bửu Hòa, Thống Nhất. Anh Nguyễn Thanh Chương (Q.6, TP.HCM) chia sẻ, khi còn là sinh viên, anh đã từng cùng bạn bè về vùng Tân Vạn của TP.Biên Hòa để tìm hiểu về nghề gốm truyền thống. Thời kỳ đó, tuy TP.Biên Hòa đang thực hiện chủ trương di dời các cơ sở gốm nhưng vẫn còn một số hộ gia đình giữ nghề với các công đoạn hoàn thiện sản phẩm nên anh có dịp nghe kể về nghề gốm nổi tiếng của vùng đất này. Dọc theo bờ sông khu vực P.Tân Vạn, anh Chương đã gặp khá nhiều đình, chùa, nơi đây vẫn được người dân thờ cúng chu đáo, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, thời tiền sử và sơ sử, sông Đồng Nai chính là con đường duy nhất mà người dân chọn lựa trong những chuyến di dân, men theo dòng sông vào Đồng Nai và khai khẩn xung quanh sông, tạo nên một dòng chảy văn hóa Việt. Sông Đồng Nai hiện có hàng ngàn tiêu bản gốm của cư dân làm việc bên sông. Hai bên dòng chảy có rất nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Nhà cổ Trần Ngọc Du, Đình thần Nguyễn Tri Phương, chùa Long Thiền, các chùa, đình, thành Biên Hòa… do đó sông Đồng Nai có nét đặc biệt là đôi bờ tả ngạn và hữu ngạn đều “gánh” các di tích lịch sử văn hóa. Với vai trò đó, sông Đồng Nai đã tạo nên một nền văn hóa đặc trưng Đồng Nai, với nhiều di tích, di vật khảo cổ như: di tích Bình Đa với bộ sưu tập đàn đá Bình Đa là bảo vật quốc gia, làng nghề khai thác đá Bửu Long, cù lao Phố…

Tiềm năng du lịch cần khai thác

Giàu giá trị lịch sử cùng với lợi thế về vị trí giữa các tỉnh Đông Nam bộ có tiềm lực kinh tế, hệ thống sông Đồng Nai cũng là lợi thế khai thác, phát triển du lịch đường sông. Từ nhiều năm nay, hệ thống sông Đồng Nai luôn được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, do còn vướng nhiều rào cản, nhất là những quy định về đất đai, môi trường nên dòng sông vẫn “ngủ yên” giữa những đô thị phát triển bậc nhất miền Đông.

Những năm qua, H.Nhơn Trạch là một trong số địa phương hiếm hoi đã khai thác được một phần lợi thế để phát triển du lịch đường sông với một số dự án đô thị, khu, điểm du lịch, như Khu du lịch (KDL) sinh thái Bò Cạp Vàng, Làng du lịch sinh thái Tre Việt, Khu đô thị Swan Bay…

Ông Nguyễn Phạm Minh Trí, Trưởng phòng Kinh doanh (Làng du lịch sinh thái Tre Việt) cho biết, Tre Việt là điểm dừng chân hấp dẫn đối với du khách thích những trò chơi trải nghiệm sông nước. Với vị trí nằm ven sông Soài Rạp, Tre Việt là điểm đến của du khách TP.HCM, Nhơn Trạch, đặc biệt, Tre Việt còn kết nối với các trường học, công ty du lịch lữ hành triển khai sản phẩm du lịch trải nghiệm sông nước, làm nông nghiệp đối với học sinh. Ngoài trải nghiệm các trò chơi cảm giác mạnh trên sông, du khách sẽ được trang bị những kỹ năng về sông nước và tham gia các trò chơi chèo thuyền thúng trên sông, đi xe đạp nước… Ngoài ra du khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã, như: bánh xèo, các món rau rừng, các món gà, cá nướng mang đậm phong vị miền sông nước..

Để khai thác hết thế mạnh du lịch đường sông của Đồng Nai, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho rằng, các doanh nghiệp, đơn vị khi xây dựng sản phẩm du lịch cần phải tạo nên những câu chuyện hấp dẫn, sinh động để thu hút du khách, đây là cái thiếu mà ngành Du lịch chưa biết cách khai thác, bởi theo ông Ân, hệ thống sông Đồng Nai, trong đó tiêu biểu là sông Đồng Nai là một tài nguyên về thiên nhiên, nhân văn độc đáo.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/tiem-nang-ve-du-lich-cho-khai-thac-3172396/