Tiêm kích Su-30 và Su-35 sử dụng công nghệ đỉnh cao từ máy bay Su-37 bị rơi

Tiêm kích Su-30 và Su-35 của Nga nổi lên như những phương tiện tiên phong trong ứng dụng công nghệ hàng không vũ trụ hiện đại. Có được điều này là nhờ chúng được thừa hưởng công nghệ từ chiếc máy bay thử nghiệm Su-37 đã bị rơi.

Nguyên mẫu tiêm kích Su-37 duy nhất được chế tạo đã không còn tồn tại sau năm 2002, do lỗi phần mềm dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng của chiếc chiến đấu cơ nói trên.

Ra đời từ bản thiết kế Su-27M, Su-37 có những đặc điểm khác biệt lớn: nó được trang bị động cơ AL-31FP có hệ thống điều khiển vectơ lực đẩy hai chiều.

Điều kỳ diệu về công nghệ này đã nâng cao đáng kể khả năng cơ động của Su-37. Máy bay có khả năng quay vòng với bán kính tối thiểu, thực hiện những động tác phức tạp ở tốc độ cực thấp và đạt góc tấn cực cao.

Không bỏ qua hỏa lực, Su-37 có thể chứa 8 tấn vũ khí phân bổ trên 12 điểm treo ở cánh và thân, bao gồm đầy đủ tên lửa, bom dẫn đường cho nhiệm vụ đối không và đối đất - đối hải.

Tiêm kích Su-37 cũng có thể mang theo các thùng chứa thiết bị trinh sát và hệ thống tác chiến vô tuyến điện tử tinh vi, thể hiện sức mạnh đa dạng và mạnh mẽ của nó.

Su-37 là loại máy bay đáng chú ý, đã được trưng bày tại nhiều triển lãm nhưng chưa bao giờ được bán ra nước ngoài, như tờ báo Mỹ National Interest (NI) đã nhấn mạnh. Đáng buồn là do một vụ tai nạn, việc phát triển Su-37 đã bị dừng lại vào năm 2002.

Tuy nhiên thú vị khi biết rằng Sukhoi không dừng lại ở đó. Điều đáng chú ý, như tờ NI mô tả, người Nga đã tiếp tục đưa ra một loạt cải tiến cho Su-27.

Những bản nâng cấp nổi bật bao gồm Su-30MKI và Su-35BM, tất cả đều tích hợp công nghệ tiên phong ứng dụng trên Su-37. Ấn phẩm NI tiết lộ, những cải tiến chính bao gồm động cơ vectơ lực đẩy, radar nâng cấp và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến.

Vector lực đẩy trong động cơ máy bay chiến đấu là một công nghệ mang tính cách mạng cho phép phi công kiểm soát hướng phụt của động cơ.

Khả năng điều khiển hướng lực đẩy này giúp tăng cường sức cơ động của máy bay, cho phép nó thực hiện những thao tác trên không phức tạp mà chỉ riêng các bề mặt điều khiển thông thường là không thể thực hiện nổi.

Công nghệ vectơ lực đẩy cũng cho phép máy bay cất cánh và hạ cánh ngắn hơn, cũng như khả năng bay lượn, leo lên và hạ xuống theo phương thẳng đứng.

Ngoài ra bằng cách tối ưu hóa hướng lực đẩy của động cơ, máy bay có thể duy trì quỹ đạo mong muốn với ít nỗ lực hơn, từ đó làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Sukhoi Su-37 được trang bị radar mảng pha quét thụ động N011M Bars, khí tài này là một bản nâng cấp đáng kể so với các radar tiền nhiệm, với khả năng theo dõi tới 15 mục tiêu và tấn công 4 đối tượng trong số đó cùng lúc.

Hệ thống điện tử hàng không của Su-37 cũng rất tiên tiến. Máy bay được trang bị hệ thống điều khiển fly-by-wire (bay bằng dây) kỹ thuật số, cho phép nâng cao khả năng cơ động và ổn định trong chuyến bay.

Tổ hợp điều khiển này rất quan trọng vì nó cho phép tiêm kích Su-37 thực hiện các thao tác phức tạp mà trước đây những máy bay chiến đấu khác không thể thực hiện được.

Một khía cạnh quan trọng khác của hệ thống điện tử hàng không trên Su-37 là thiết bị thông tin tích hợp, cung cấp cho phi công dữ liệu theo thời gian thực về tình trạng máy bay và môi trường xung quanh.

Hệ thống này được thiết kế để giảm khối lượng công việc của phi công cũng như nâng cao nhận thức về tình huống, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể của chiếc chiến đấu cơ.

Ngoài ra Su-37 còn được trang bị hệ thống chỉ định mục tiêu gắn trên mũ bảo hiểm. Điều này cho phép phi công nhắm vũ khí của máy bay chỉ bằng cách nhìn vào đối phương.

Hệ thống này rất quan trọng trong các tình huống cận chiến, trong đó việc thu thập và giao chiến với mục tiêu nhanh chóng có thể tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại.

Tóm lại, radar và hệ thống điện tử hàng không của Su-37 rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay.

Radar tiên tiến cho phép phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu, trong khi hệ thống điện tử hàng không phức tạp giúp phi công nâng cao khả năng kiểm soát và nhận thức tình huống. Như vậy Su-37 đã để lại di sản quý cho các thế hệ chiến đấu cơ kế cận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-su-30-va-su-35-su-dung-cong-nghe-dinh-cao-tu-may-bay-su-37-bi-roi-post563950.antd