Tiêm kích Su-27 vẫn là 'quái vật bầu trời' sau 40 năm

Sản xuất từ thập niên 1980 và cho đến nay nhiều phiên bản hiện đại hóa của tiêm kích Su-27 vẫn được tin dùng đã cho thấy sức sống trường tồn của dòng chiến đấu cơ này.

Sau 40 năm ra đời, dòng tiêm kích Su-27 Flanker vẫn đang giữ vai trò rất quan trọng trong thành phần tác chiến của Không quân Nga và chưa thể sớm thay thế trong tương lai.

Không quân Nga sử dụng tích cực Su-27 trong nhiệm vụ hộ tống và đánh chặn máy bay chiến đấu phương Tây, nó hiện diện từ khu vực Biển Baltic, Biển Barent cho tới Biển Đen...

Được phát triển vào Chiến tranh Lạnh bởi Phòng thiết kế Sukhoi và do Tập đoàn Irkut sản xuất, máy bay chiến đấu siêu cơ động hai động cơ là câu trả lời của Liên Xô trước các tiêm kích thế hệ thứ tư của Mỹ bao gồm F-14 Tomcat và F-15 Eagle.

Su-27 Flanker là tiêm kích chủ lực cuối cùng được đưa vào biên chế Không quân Liên Xô và nó được thiết kế để đánh bại chiến đấu cơ Mỹ ở Trung Âu nếu nổ ra xung đột NATO - Warsaw. Bên cạnh đó là nhiệm vụ tuần tra không phận Liên Xô chống lại máy bay ném bom Mỹ.

Su-27 chính thức hoạt động trong Không quân Liên Xô vào năm 1985, vai trò chính của nó là ngăn chặn các máy bay ném bom của Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ, bao gồm cả B-52 và B-1.

Ngoài ra Su-27 còn có thể bảo vệ oanh tạc cơ hạng nặng của Liên Xô bao gồm Tu-95 Bear, Tu-22M Backfire và Tu-160 Blackjack, nó cũng có thể triển khai chiến đấu trên lãnh thổ kẻ thù và cung cấp khả năng chế áp các sân bay của đối phương.

Su-27 thế hệ thứ tư được thiết kế với hai động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Saturn AL-31F, cung cấp lực đẩy gần 75,22 kN cho mỗi chiếc và lên tới 122,6 kN ở chế độ đốt sau.

Máy bay được phát triển như một "con quỷ tốc độ" thực sự, và nó có thể đạt tốc độ 2.500 km/h ở độ cao lớn hoặc 1.400 km/h trên mực nước biển. Chiếc Flanker có trần bay 19.000 m và tầm bay 3.530 km trên cao hoặc 1.340 km khi bám địa hình.

Máy bay được tích hợp pháo tự động 30 mm Gryazev-Shipunov GSh-30-1 và có 10 mấu cứng bên ngoài, cung cấp tải trọng vũ khí 4.430 kg, tương đối nhỏ so với kích thước khổng lồ của máy bay.

Su-27 có thể mang theo nhiều loại vũ khí hàng không, bao gồm rocket S-8KOM / BM / OM, S- 13T / OF hoặc S-25OFM-PU; cũng như tối đa 6 tên lửa không đối không R-27R / ER / T / ET / P / EP hoặc 4 R-73E AAM. Nó cũng có thể mang bom chùm RBK-250 hoặc RBK-500.

Ban đầu máy bay không được thiết kế với mục đích xuất khẩu, tuy nhiên việc sản xuất Su-27 đã tiếp tục trong những ngày cuối cùng của Liên Xô và nó được bán sang Trung Quốc, Ethiopia, Indonesia....

Các máy bay thời Liên Xô cũng vẫn phục vụ Không quân Nga, Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Uzbekistan, và Su-27 đã sống sót sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc để trở thành một trong những chiến đấu cơ xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Ở Nga , Su-27 là cơ sở để phát triển các biến thể tiên tiến bao gồm Su-30, Su-33 (phiên bản trên tàu sân bay có cánh gấp), Su-34 , Su-35 và Su-37.

Di sản của máy bay chiến đấu thời Chiến tranh Lạnh của Liên Xô tồn tại đến thế kỷ 21, nó được chế tạo theo giấy phép ở Trung Quốc với tên gọi J-11 (nhưng gây tranh cãi ), trong khi một biến thể khác - Su-30MKI đã được lắp ráp ở Ấn Độ.

Không chỉ có vậy, Ukraine cũng đang vận hành Su-27M1 - một phiên bản sửa đổi có hệ thống dẫn đường mới, radar tầm xa và tăng cường khả năng sử dụng các loại đạn không đối đất có điều khiển.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-su-27-van-la-quai-vat-bau-troi-sau-40-nam-post499128.antd