Tiêm kích Su-27 Nga đang trở thành 'nỗi ám ảnh' cho phương Tây

Mới đây Không quân Nga ra lệnh cho hai tiêm kích Su-27 xuất kích để ngăn chặn trinh sát cơ RC-135 của Anh cùng hai tiêm kích Typhoon bay hộ tống trên Biển Đen, buộc nhóm máy bay này quay đầu. Có vẻ như Su-27 của Nga đang là dòng máy bay gây ám ảnh cho phương Tây sau một số sự kiện gần đây.

Dù có máy bay Su-30SM và Su-35 tiên tiến hơn, nhưng dòng tiêm kích Su-27 vẫn đóng vai trò trụ cột trong Không quân Nga bởi số lượng lớn. Dòng chiến đấu cơ này thường được điều động ngăn chặn máy bay phương Tây.

"Các hệ thống kiểm soát không phận phát hiện ba mục tiêu trên Biển Đen tiếp cận biên giới Liên bang Nga. Hai tiêm kích Su-27 xuất kích để nhận dạng và ngăn chặn hành vi xâm phạm biên giới Nga", Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/6 thông báo.

Các phi công Su-27 phát hiện máy bay trinh sát và tác chiến điện tử RC-135 cùng hai tiêm kích Typhoon của Anh. Khi các tiêm kích Su-27 tiếp cận, nhóm máy bay Anh quay đầu và bay xa khỏi biên giới Nga.

"Các tiêm kích Nga trở về căn cứ an toàn. Biên giới Nga không bị xâm phạm", Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm

Phía Nga cũng khẳng định hai tiêm kích Su-27 của nước này đã "tuân thủ nghiêm ngặt quy định về không phận trên các vùng biển quốc tế, không cắt ngang tuyến hàng không hoặc tiếp cận nguy hiểm với máy bay nước ngoài"

Không quân Nga nhiều lần điều tiêm kích chặn máy bay nước ngoài trên các vùng biển gần biên giới nước này. Trước đó, Nga hồi tháng 5 điều tiêm kích chặn oanh tạc cơ Mỹ, trinh sát cơ Đức và Pháp trên biển Baltic.

Trước đó một chiếc UAV MQ-9 Reaper của Mỹ rơi tại Biển Đen vào tháng 3 sau khi bị tiêm kích Su-27 Nga xả nhiên liệu vào.

Quân đội Mỹ cho rằng cánh quạt chiếc MQ-9 hỏng sau khi va chạm với chiếc Su-27. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tiêm kích Su-27 không va chạm với UAV Mỹ.

Một số ý kiến của giới quan sát cho rằng, dường như sau sự kiện này, phương Tây dè chừng hơn với mỗi lần xuất hiện của tiêm kích Su-27.

Dù ra đời đã lâu, nhưng nhờ những nâng cấp đáng giá, dòng "chiến thần" Su-27 của Nga vẫn khiến các loại máy bay phương Tây e ngại

Chiến đấu cơ Su-27 được đánh giá là một trong những tiêm kích thế hệ thứ 4 thành công nhất thế giới. Trải qua thời gian với những nâng cấp, đây vẫn đang là một trong những chiến đấu cơ đáng gờm nhất thế giới.

Ngày 30/05/1982 chiếc máy bay chiến đấu đời mới của không quân Liên Xô mang tên Su -27 cất cánh lần đầu tiên, mở ra kỷ nguyên mới trong lĩnh vực chế tạo máy bay quân sự Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.

Tạp chí Cánh bay quốc tế khi đó đã công nhận Su-27 là một trong những máy bay chiến đấu tốt nhất thế kỷ.

Sự xuất hiện của chiến đấu cơ Su-27 đã xác định sự phát triển của ngành công nghiệp máy bay quân sự Nga trong nhiều thập kỷ sau đó.

Được biết, nguyên mẫu T-10, tiền thân của tiêm kích Su-27 huyền thoại đầu tiên của Liên Xô đã cất cánh bay thử lần đầu ngày 20/05/1977.

Từ mẫu đầu tiên này, các công trình sư của Sukhoi đã phát triển hoàn thiện cấu hình chuẩn của dòng tiêm kích Su-27 để đưa vào sản xuất loạt và trang bị cho Không quân Liên Xô từ năm 1985.

Tính tới thời điểm hiện tại, Su-27 và các biến thể của nó vẫn là một trong số những loại tiêm kích phản lực phổ biến nhất thế giới khi có mặt trong biên chế hàng chục quốc gia.

Su-27 có thể thực hiện hầu hết các nhiệm vụ chiến đấu từ tiêm kích đến cường kích.

Su-27 có hai động cơ mạnh, có thể đạt vận tốc Mach 2+ (nhanh gấp 2 lần tốc độ âm thanh), tương đương 2.500 km/h.

Su-27 có thể mang 9.400 kg dầu bay, nên tầm chiến đấu: trên biển xa 1.340km. Trên đất liền, máy bay thậm chí còn đạt 3.530 km.

Trần bay của chiến đấu cơ Su-27 lên tới 18.500 m.

Hỗ trợ cho việc tiêu diệt mục tiêu là hệ thống radar và hệ thống cảnh báo sớm. Radar của Su-27 đảm bảo phát hiện các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển trong bán kính 100 km.

Ngoài ra, hệ thống điện tử trên Su-27 có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và chỉ ra 4 mục tiêu nguy hiểm nhất để tiêu diệt cùng lúc.

Với 10 giá treo, Su-27 có thể mang hơn 7 tấn vũ khí ở 2 cánh, bao gồm các loại khí tài như tên lửa không đối không, không đối đất, bom…

Hệ thống kiểm soát vũ khí của Su-27 cho phép phi công nhanh chóng sử dụng các loại tên lửa hoặc bom chuyên dụng nhằm tiêu diệt mục tiêu hiệu quả nhất

Để không chiến tầm gần Su-27 trang bị 1 pháo tự hành GSh-301 cỡ nòng 30mm với 150 viên đạn, để không chiến tầm xa, loại chiến đấu cơ này sẽ sử dụng các tên lửa khác nhau treo ở thân và trên hai cánh.

Su-27 có thể mang 6 tên lửa không đối không tầm trung bán tự động dẫn đường bằng radar và 6 tên lửa tầm nhiệt tầm ngắn.

Tên lửa trang bị tiêu chuẩn của Su-27 cho không chiến là Vympel R-73, Vympel R-27, Vympel R-77. Các loại bom trang bị như KAB-150 và UAB-500 điều khiển bằng laser, TV.

Su-27 có hệ thống hiển thị trước buồng lái (HUD) và hệ thống hiển thị ngắm bắn trên mũ của phi công kết nối với nhau, chúng tương thích với tên lửa R-73.

Sự linh hoạt cao, cùng các yếu tố khác đã làm cho chiến đấu cơ Su-27 trở thành một trong số máy bay không chiến tầm gần tốt nhất thế giới lúc bấy giờ.

Trên cơ sở Su-27 hàng loạt phiên bản khác nhau ra đời như Su-30, Su-34 và mới nhất là Su-35.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-su-27-nga-dang-tro-thanh-noi-am-anh-cho-phuong-tay-post544076.antd