Tiêm kích Rafale của Pháp đắt hàng không sản xuất kịp, vì sao?

Tiêm kích Rafale của Pháp trở nên đắt hàng tới mức nhà sản xuất không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Tiêm kích này được dùng nhiều tại Ấn Độ và một số nước Trung Đông.

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tiêm kích Rafale của Pháp trở nên đắt hàng tới mức nhà sản xuất không thể đáp ứng kịp nhu cầu. Và điều này có thể gây tác động toàn cầu đối với các quốc gia đang tìm cách tăng cường lực lượng không quân của mình trong bối cảnh xung đột đang nổ ra tại Ukraine và Trung Đông, đồng thời muốn tránh những ràng buộc chính trị gắn liền với việc mua máy bay chiến đấu của Nga hay của Mỹ.

Vì sao tiêm kích Rafale "cháy hàng"?

Theo trang Business Insider, công ty sản xuất máy bay quân sự Dassault Aviation – đơn vị sản xuất tiêm kích Rafale thường bắt đầu giao máy bay cho khách hàng chỉ 3 năm sau khi ký hợp đồng, theo IISS.

Máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale F3R Marine của Pháp tại căn cứ không quân hải quân Lann-Bihoue ở tỉnh Morbihan (phía tây nước Pháp) ngày 12-1-2023. Ảnh: AFP

“Tuy nhiên, doanh số bán Rafale của công ty gần đây tăng vọt có thể khiến cam kết giao hàng sau 36 tháng trở nên khó khăn hơn và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho một số giao dịch trong tương lai” – phân tích của IISS về cách thức mua bán Rafale.

Hiện có 8 quốc gia đã vận hành hoặc đặt hàng tiêm kích Rafale, gồm: Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Qatar, Croatia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Indonesia, cùng với Không quân Pháp và Hải quân Pháp.

Rafale cất cánh lần đầu tiên năm 1986, được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 với một số tính năng tiên tiến như khả năng tàng hình, bay siêu thanh (bay siêu thanh mà không sử dụng buồng đốt sau ngốn nhiên liệu) và khả năng phóng tên lửa tầm xa như Meteor hay Mica.

Pháp đã mua 234 chiếc Rafale, và nhiều quốc gia khác đã đặt mua 261 chiếc, theo trang Defense News. Câu hỏi đặt ra là liệu công ty Dassault Aviation có thể đáp ứng nhu cầu Rafale hay không.

Theo tính toán của IISS, tồn đọng sản xuất của Dassault Aviation là 228 máy bay Rafale. Tình hình sẽ đặc biệt gay gắt trong thời gian từ năm 2026 đến năm 2033, khi Dassault Aviation sẽ cần phải giao 174 máy bay Rafale cho Pháp, 42 chiếc cho Indonesia, 80 chiếc cho UAE và 10 chiếc cho Ai Cập.

“Nhà sản xuất máy bay của Pháp đặt mục tiêu sản xuất 15 chiếc Rafale vào năm ngoái nhưng chỉ hoàn thành 13 chiếc. Công ty vẫn chưa đưa ra hướng dẫn sản xuất cho năm 2024, dù sản lượng có thể sẽ tăng trong năm nay và năm tới, do nhu cầu mạnh mẽ” – IISS cho biết.

“Nếu Dassault Aviation sản xuất trung bình 20 chiếc Rafale mỗi năm trong cả năm 2024 và 2025 thì sẽ có 188 máy bay cần được bàn giao từ năm 2026-2033. Điều này đòi hỏi tỉ lệ giao hàng là 24 chiếc/năm” – IISS cho biết thêm.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang củng cố lực lượng không quân của họ. Lockheed Martin đang bận rộn sản xuất cho đủ số máy bay F-35, Nga cũng đang gấp rút tìm cách thay thế những máy bay thiệt hại trong cuộc xung đột với Ukraine, và nhiều quốc gia ngần ngại mua chiến đấu cơ của Trung Quốc.

Tất cả những điều đó đều là lợi thế cho tiêm kích Rafale. Trong một thế giới nơi mà doanh số máy bay chiến đấu đều do các thiết kế của Mỹ và Nga thống trị kể từ Thế chiến II, thì tiêm kích Pháp đã mang đến cho khách hàng một giải pháp thay thế.

Trong những năm 1960 và 1970, các máy bay đa nhiệm Mirage cánh tam giác của Dassault đã chứng tỏ hiệu quả cao khi được các lực lượng không quân như của Israel vận hành.

Ngày nay, Rafale là lựa chọn đối với các quốc gia vốn không muốn gánh nặng về chính trị và kinh tế khi mua máy bay Mỹ hoặc Nga như F-35, F-16 và Su-35, hay không muốn phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất để cung cấp máy bay.

Điều này giúp giải thích tại sao tiêm kích Rafale trở nên phổ biến ở Ấn Độ và một số quốc gia Trung Đông.

Thách thức với Rafale

Những khó khăn trong sản xuất máy bay hiện đại không chỉ xảy đến với riêng công ty Dassault Aviation. Năm 1944, tại nhà máy sản xuất máy bay quân sự Willow Run (bang Michigan, Mỹ) của hãng xe Ford, cứ 63 phút lại có một máy bay ném bom hạng nặng B-24 Liberator 4 động cơ xuất xưởng.

Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) nỗ lực bàn giao khoảng 100 tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 trong năm 2024, với mỗi chiếc F-35 yêu cầu khoảng 40.000 giờ lao động để hoàn thành.

Máy bay ngày nay không chỉ phức tạp hơn trong việc chế tạo mà còn bao gồm một lượng lớn các bộ phận thường dàn trải khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiêm kích Rafale-M hoạt động từ hai tàu sân bay của hải quân Ấn Độ. Ảnh: dassault-aviation.com

Nhưng F-35 có lợi thế là máy bay toàn cầu được một số quốc gia sản xuất, trong khi Rafale là máy bay chiến đấu quốc gia chỉ giới hạn trong các nguồn lực của Pháp, nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia lập luận vào tháng 9-2023.

“Dassault Aviation phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng nội địa cho tiêm kích Rafale nhằm hạn chế sự bấp bênh của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng công ty và các nhà cung cấp của họ cũng không tránh khỏi điều này” – IISS lưu ý.

IISS lưu ý thêm việc thiếu nhân tài kỹ thuật cũng có thể làm cản trở sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất Rafale.

Việc giao hàng lẻ tẻ vài chiếc Rafale ở vài nơi khác nhau cũng không phải là lựa chọn hay.

“Hầu hết khách hàng mới đặt một đơn hàng lớn sẽ muốn tỉ lệ giao hàng ít nhất là 6 chiếc mỗi năm, để đào tạo các nhóm phi hành đoàn trên không và mặt đất một cách nhất quán và liên tục, đồng thời thành lập các phi đội hoàn chỉnh với tốc độ hợp lý. Và việc đạt được những con số này có thể là một trở ngại lớn” – IISS cảnh báo.

Một hạn chế nữa đối với khách hàng Rafale là họ phụ thuộc vào một quốc gia có cơ sở công nghiệp-quốc phòng đang gặp khó khăn trong việc viện trợ cho Ukraine và bổ sung cho quân đội Pháp.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiem-kich-rafale-cua-phap-dat-hang-khong-san-xuat-kip-vi-sao-post780494.html