Tiêm kích Rafale càng bán càng chạy, khách hàng tiếp theo là Thụy Sĩ

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tiên tiến F-35 của Mỹ đang bị đánh giá yếu hơn so với các đối thủ, trong cuộc đua tranh giành hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho Không quân Thụy Sĩ.

Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đã bất ngờ nổi lên trở thành ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đấu thầu Air 2030 trị giá 7 tỷ USD, để cung cấp máy bay chiến đấu mới cho Không quân Thụy Sĩ.

Cuộc đấu thầu được khởi động vào năm 2020 và tất cả các máy bay chiến đấu được xem xét đều của các nước phương Tây, bao gồm Rafale của Pháp, F-35 Lightning II, F-18E Super Hornet của Mỹ và Eurofighter của Anh-Đức-Ý.

Máy bay được chọn sẽ thay thế phi đội F-5E Tiger II và máy bay chiến đấu F-18C Hornet lỗi thời của Không quân Thụy Sĩ. F-35 và F-18E được kỳ vọng sẽ trở thành những ứng cử viên hàng đầu, một phần do lịch sử Thụy Sĩ thường ưa thích đối với máy bay chiến đấu của Mỹ.

F-18E Super Hornet được hưởng lợi từ việc tương thích với nhiều cơ sở hạ tầng bảo trì tương tự như máy bay F-18C mà Không quân Thụy Sĩ đã triển khai, với việc chuyển đổi từ dòng máy bay Hornet sang Super Hornet cũng sẽ rất thuận tiện.

F-35 cũng được coi là ứng cử viên hàng đầu vì đây là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất được sản xuất ở các nước phương Tây và được trang bị các hệ thống điện tử hàng không với khả năng tàng hình vượt trội so với các đối thủ.

Bất chấp những khả năng hiện đại của máy bay chiến đấu Mỹ, ngày càng có nhiều thông tin cho rằng Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ sẽ công bố chiếc máy bay Rafale của Pháp là người chiến thắng trong cuộc đấu thầu vào cuối tháng 6.

F-35 và loại máy bay bị đánh giá thấp hơn là F-18E đều vấp phải sự phản đối đáng kể từ các quan chức Thụy Sĩ, nguyên nhân là do Mỹ đã áp đặt các điều khoản nghiêm ngặt về cách máy bay có thể được sử dụng sau khi bán, trong khi phía Pháp thì không.

Mua F-35 sẽ ràng buộc Thụy Sĩ chặt chẽ với lĩnh vực quốc phòng của Mỹ, những máy bay phản lực F-35 sẽ được kết nối mạng với các cơ sở quản lý ở Mỹ, sẽ phải cung cấp thông tin hoạt động thường xuyên của máy bay và gửi dữ liệu trở lại Mỹ để theo dõi.

Sự tương thích của Rafale với hệ thống giám sát trên không SkyView mà Thụy Sĩ mới mua lại từ Pháp cũng là một lý do khác để nước này chọn Rafael. Tuy nhiên, Rafale lại là máy bay chiến đấu duy nhất không tương thích với các tên lửa của Mỹ như AIM-9 hoặc AIM-120, có nghĩa là Thụy Sĩ sẽ cần loại bỏ toàn bộ kho vũ khí hiện tại nếu chọn máy bay phản lực của Pháp.

Mặc dù F-35 nhìn chung là một máy bay hiện đại hơn nhiều so với Rafale về hầu hết các thông số, nhưng máy bay phản lực của Pháp có một số lợi thế bao gồm chi phí hoạt động thấp hơn nhiều, yêu cầu bảo dưỡng thấp hơn và tên lửa không đối không tầm xa vượt trội với tên lửa Meteor.

Tuy nhiên, với việc F-35 đã bắt đầu được sản xuất trong thời gian gần đây, thì loại máy bay này dự kiến sẽ tiếp tục được nâng cấp trong vài thập kỷ nữa, máy bay phản lực F-35 có thể sẽ tồn tại lâu hơn đáng kể trước khi cần thay thế.

F-35 mặc dù tiên tiến hơn, nhưng loại máy bay này vẫn còn rất nhiều vấn đề và vẫn còn rất xa mới có thể sẵn sàng chiến đấu, hiện tại Lầu Năm Góc vẫn chưa phê duyệt F-35 để sản xuất quy mô lớn.

Mặc dù máy bay F-35 của Mỹ đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2014, nhưng loại máy bay này vẫn bị đánh giá rất hạn chế. Do đó, Rafale sẽ là một lựa chọn rẻ hơn và đáng tin cậy hơn cho Không quân Thụy Sĩ. Nguồn ảnh: Pinterest.

Máy bay tiêm kích Rafale có thực sự hiện đại như những gì Pháp quảng cáo ra thế giới? Nguồn: Armies.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tiem-kich-rafale-cang-ban-cang-chay-khach-hang-tiep-theo-la-thuy-si-1548517.html