Tiêm kích MiG-25 Foxbat: 'Ma tốc độ' khiến sĩ quan Mỹ đứng hình và cuộc đào tẩu rúng động

Christian Orr, một cựu sĩ quan Không quân Mỹ cho biết ông đã vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến cận cảnh các động cơ đốt sau của tiêm kích Foxbat.

Nỗi ‘khiếp sợ’ của phương Tây

Trong số tất cả các máy bay chiến đấu và máy bay đánh chặn của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, không thứ nào thực sự khiến các nhà chiến lược và chiến thuật phương Tây ‘khiếp sợ’ như MiG-25 Foxbat, ít nhất là trong thời gian đầu.

Trớ trêu thay, cũng chính nỗi sợ tương tự đã thúc đẩy Liên Xô cho ra đời Foxbat. Moskva khi ấy đã vô cùng lo ngại về một mẫu máy bay thậm chí chưa bao giờ vượt qua giai đoạn thử nghiệm của Mỹ, đó là máy bay ném bom siêu thanh XB-70 Valkyrie.

Mặc dù XB-70 Valkyrie chưa bao giờ đi vào hoạt động nhưng điều đó không khiến Liên Xô thay đổi ý định đưa MiG-25 vào trang bị của lực lượng phòng không – không quân. Họ cảm thấy không thể để tiềm năng chiến đấu và khả năng siêu tốc đáng kinh ngạc của chiếc máy bay này bị lãng phí.

Tốc độ tối đa của MiG-25 là Mach 3.2 (3.951 km/h) – một con số đáng kinh ngạc, ít nhất là trên lý thuyết.

Trên thực tế, tốc độ của máy bay mới chỉ giới hạn ở Mach 2.8. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất ấn tượng vào thời điểm đó.

Tiêm kích MiG-25 Foxbat. Ảnh: Wiki

Tốc độ này đạt được một phần là do MiG-25 trang bị mẫu động cơ có kích cỡ lớn nhất từng được lắp đặt trên chiến đấu cơ. Quả thực, nó thậm chí còn lớn hơn động cơ trên máy bay chiến đấu phản lực từng giữ kỷ lục tốc độ trước đó – chiếc F-4 Phantom II.

Christian Orr, một cựu sĩ quan Không quân Mỹ cho biết ông đã vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến cận cảnh các động cơ đốt sau của Foxbat tại ‘nghĩa địa’ máy bay MiG ở căn cứ không quân Al Asad, Iraq.

"Tôi có thể chứng thực rằng động cơ của nó (MiG-25 Foxbat) rất đáng để chiêm ngưỡng" – Ông Orr cho hay.

Màn ra mắt của MiG-25 Foxbat - được bao phủ bởi một vầng hào quang bí ẩn - đã khiến giới tình báo phương Tây và cộng đồng hàng không quân sự đổ dồn sự quan tâm. Đoạn phim được trích ra từ một chương trình phát sóng của Liên Xô cho thấy chiếc tiêm kích này dường như mang tất cả các đặc điểm của một mẫu máy bay chiến đấu linh hoạt.

Đôi cánh lớn bất thường cho thấy khả năng cơ động cực cao, các cửa hút khí khổng lồ khiến người ta liên tưởng được ra ngay các động cơ cỡ lớn. Giới chuyên gia quân sự thậm chí còn nghi ngờ Liên Xô đã sử dụng titan hạng nhẹ tiên tiến trong quá trình chế tạo MiG-25. Vào thời điểm đó, đây là một vật liệu không hề dễ kiếm tại Mỹ.

Cuộc đào tẩu bất ngờ

Năm 1976, một Trung úy thuộc lực lượng phòng không – không quân Nga tên là Viktor Belenko đã ‘giúp’ xóa tan những bí ẩn và sợ hãi của phương Tây về MiG-25 Foxbat bằng một cuộc đào tẩu rúng động.

Belenko đã bắt đầu hành trình của mình từ Vladivostok, để rồi từ đó thực hiện cuộc đào tẩu táo bạo đến đường băng Hakodate trên đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản. Sau vụ việc, các chuyên gia hàng không phương Tây đã có "cơ hội vàng" để đánh giá một cách trực tiếp và đầy đủ những điểm mạnh-yếu của mẫu máy bay đánh chặn đình đám.

MiG-25 Foxbat gây ấn tượng mạnh bởi tốc độ cao và khả năng cơ động đáng kinh ngạc. Ảnh: Wiki

Theo nhà phân tích Peter Suciu trên tạp chí National Interest, "không giống như SR-71 Blackbird được chế tạo bằng titan để chịu nhiệt do ma sát sinh ra ở tốc độ cao, Foxbat phần lớn được chế tạo bằng thép. Nó có thể bay với tốc độ cực lớn nhưng điều đó cũng dẫn tới nguy cơ làm hỏng khung máy bay và động cơ.

Do kích thước tương đối lớn, MiG-25 Foxbat rất dễ bị phát hiện trên radar. Khi Mỹ tháo dỡ chiếc MiG-25 đào tẩu sang Nhật Bản, họ phát hiện ra rằng công nghệ bên trong đã lỗi thời. Tương tự như vậy, MiG-25 có tầm hoạt động hạn chế".

Ngoài ra, theo ông Suciu, chiếc Bat thiếu khả năng cơ động – đây cũng là yếu tố đã gây khó khăn cho chiếc F-4 Phantom ‘tốc độ nhưng to xác’ trong các cuộc không chiến với MiG-21 Fishbed ở Việt Nam thời kỳ chiến tranh.

Chống lại Foxbat

Mặc dù MiG-25 không bao giờ hoàn thành được sứ mệnh tiêu diệt máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ như mục đích thiết kế ban đầu, nhưng nó đã tham gia rất nhiều hoạt động chiến đấu dưới sự điều khiển của các phi công Không quân Iraq (IaAF), cả trong Chiến tranh Iran-Iraq 1981-1988, và Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991.

Trên thực tế, mặc dù MiG-25 không được thiết kế để không chiến với máy bay chiến đấu của đối phương, nhưng nó đã giúp Trung úy Zuhair Dawoud xác lập thành tích tiêu diệt mục tiêu không-đối-không duy nhất của Không quân Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh khi bắn hạ chiếc F/A-18 Hornet do phi công Michael Scott Speicher điều khiển vào ngày mở màn cuộc xung đột.

Trước khi có xác nhận chính thức từ phương Tây về chiến thắng của Dawoud, nhiều người tỏ ra không tin. Họ cho rằng chẳng có máy bay nào của liên minh bị bắn hạ bởi phi công Iraq, tất cả tổn thất đều do hỏa lực từ các hệ thống phòng không trên bộ của Iraq gây ra.

Trong khi đó, hai chiếc MiG-25 đã bị phi công F-15 bắn rơi trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, một chiếc khác bị F-16 bắn hạ vào ngày 27/12/1992 do vi phạm vùng cấm bay sau chiến tranh ở miền nam Iraq. Vụ bắn hạ của F-16 cũng đánh dấu thành tích tiêu diệt đầu tiên của tên lửa không-đối-không AIM-120.

Cho tới nay, MiG-25 Foxbat vẫn duy trì hoạt động với số lượng hạn chế trong trang bị của Algeria và Syria.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tiem-kich-mig-25-foxbat-ma-toc-do-khien-si-quan-my-dung-hinh-va-cuoc-dao-tau-rung-dong-8202214611372075.htm