Tiêm kích hạm F-35C lộ diện với lớp sơn phủ như gương

Lớp phủ giống như gương đã xuất hiện trên F-22, F-35 và F-117, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy chúng trong môi trường tàu sân bay.

Sự xuất hiện bất ngờ của lớp phủ giống như gương trên các loại máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới phân tích quân sự thế giới.

Giới phân tích quân sự cho rằng, việc thử nghiệm này nhằm giảm tín hiệu hồng ngoại trên máy bay, tránh cho việc chúng bị phát hiện hoặc bắt bám của tên lửa tìm nhiệt.

Mới đây một chiếc tiêm kích F-35C đang hoạt động trên tàu USS Abraham Lincoln ngoài khơi bờ biển California đã xuất hiện lớp sơn phủ như gương.

Những bức ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố và cho thấy chiếc F-35C này đang hạ cánh trên tàu sân bay.

Có thể nhận thấy rõ cặp cánh đuôi đứng của chiếc F-35C này được phủ lớp sơn bóng như gương.

Các phần lắp đặt trên mỗi phần đuôi được tạo thành từ các mảng có màu tối và sáng bóng.

Chiếc F-35C này trực thuộc phi đội VFA-125, "Rough Raiders". Đây là đơn vị chuyên đào tạo các phi công Hải quân và Thủy quân lục chiến về cách vận hành máy bay chiến đấu.

Giới quan sát cho rằng, đơn vị VFA-125 không phải là đơn vị thử nghiệm hay đơn vị trực chiến tiền tuyến, nên không hiểu vì sao chiếc F-35C của họ lại được trang bị công nghệ này.

Chúng ta có thể thấy các máy bay chiến đấu của VFA-125 đang được sử dụng như một phần của sáng kiến thử nghiệm lớn hơn đối với các lớp phủ công nghệ mới này.

Giới phân tích cho rằng, cường độ hoạt động cao của phi đội VFA-125 sẽ giúp cho dự án thử nghiệm này có số liệu tốt để đánh giá.

Chỉ cần xem các lớp phủ mòn như thế nào theo thời gian khi vận hành nhịp độ hoạt động cao, từ đó phân tích và đánh giá.

Tiêm kích tàng hình F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ được phát triển với 3 phiên bản A, B và C.

Tuy có một số nhược điểm trong quá trình phát triển, nhưng các phi công vẫn rất hào hứng về khả năng của dòng máy bay này.

Thiếu tá Mark Dion, phi công hải quân đã chuyển loại từ F/A-18E/F Super Hornet sang F-35C, nói với truyền thông rằng đây là loại máy bay mà phi công này muốn lái.

“F-35C có năng lực vượt xa so với F/A-18E/F Super Hornet. Chiếc máy bay có thể đưa ra cảnh báo tình huống nhiều hơn. Các cảm biến trên F-35C cung cấp nhiều thông tin hơn để phi công đưa ra quyết định tốt hơn, nhanh hơn và lợi hại hơn”, phi công Dion nhận xét.

“Nếu định đánh chặn, F-35C sẽ là chiếc máy bay mà bạn muốn điều khiển. Nó cho tôi khả năng không bị phát hiện. Đây là điều không được hỗ trợ trên F/A-18E/F Super Hornet. F-35C cũng có khả năng cơ động tốt trong tình huống cận chiến trên không. Tôi đã điều khiển cả 2 loại và F-35 chính xác là chiếc máy bay mà tôi muốn”, phi công Dion nói.

“Việc có một phi đội F-35C trên tàu sân bay kết hợp với F/A-18E/F và các chiến thuật tác chiến hiện nay, chúng sẽ khiến tàu sân bay trở nên lợi hại hơn”, phi công Dion nhấn mạnh.

F-35C là phiên bản duy nhất chưa thực chiến, trong khi F-35A và F-35B đã tham chiến tại Syria và Afghanistan.

Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, phiên bản F-35C sở hữu khả năng mang nhiên liệu bên trong lớn hơn so với F-35A và F-35B.

Phần cánh của F-35C cũng lớn hơn khiến nó cơ động và linh hoạt hơn những phiên bản khác.

Khung thân và càng đáp được gia cố tốt để cất hạ cánh trên tàu sân bay, cánh F-35C có thể gập để tiết kiệm diện tích và bổ sung thêm móc hãm đà phía đuôi.

Dù động cơ máy bay F-35C vẫn có một vài phát sinh nhiệt, tuy nhiên nhà sản xuất cho biết sẽ sớm khắc phục trong thời gian tới.

Lớp sơn tàng hình trên phiên bản tiêm kích hạm tàng hình F-35C cũng hoạt động không tốt trong môi trường nước biển.

“F-35C chứng minh sự vượt trội trong lĩnh vực chiến đấu cơ tấn công hiện đại. Chúng được trang bị công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không chiến thuật, bao gồm tất cả từ cảm biến tối tân, vũ khí cải thiện tầm bắn và mức độ bền bỉ”, Hải quân Mỹ cùng cho biết.

Khi ở chế độ tàng hình, F-35C có khả năng mang theo khoảng 2,8 tấn vũ khí, tất cả đều được giấu trong thân máy bay.

Tuy nhiên khi không cần tàng hình, F-35C có khả năng mang theo 10 tấn vũ khí, đây là một con số cực kỳ ấn tượng cho tiêm kích một động cơ.

Với sự góp mặt của F-35C, năng lực tác chiến của lực lượng Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ sẽ tăng lên một tầm cao mới.

Tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ triển khai tiêm kích hạm tàng hình F-35C là tàu USS Carl Vinson. Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh việc trang bị dòng tiêm kích hạm mới này lên các tàu sân bay còn lại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-ham-f-35c-lo-dien-voi-lop-son-phu-nhu-guong-post560187.antd