Tiếc thương vị Tướng nhân văn, người trí thức Công an lịch lãm

Chiều 1/4/2023, tôi nhận được tin Thiếu tướng Phạm Văn Dần đã thanh thản về với tổ tiên ở tuổi 86. Vẫn biết khi được trời cho ngoài tuổi 80, mọi thứ thật mong manh; song tôi vẫn không khỏi bất ngờ, bùi ngùi nhớ thương ông. Vài tháng trước, tôi còn gặp, nói chuyện với ông tại đại hội của Câu lạc bộ sĩ quan Công an hưu trí khối Xây dựng lực lượng CAND...

Hôm đó, sau khi thay mặt Đảng ủy, Ban Biên tập Báo CAND tặng hoa chúc mừng Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ sĩ quan hưu trí Bộ Công an, lúc từ sân khấu đi xuống, tôi thấy ông ngồi ở hàng ghế đại biểu, vội đến chào ông; ông vui vẻ bắt tay tôi và nói: “Chúc mừng đại tá. Cố gắng cháu nhé!”… Nếu không phải là “người trong cuộc”, thì sẽ rất khó cắt nghĩa những lời chúc, lời căn dặn của ông dành cho tôi.

Tròn 26 năm trước, tôi mới là trung úy, đang công tác tại Phòng tham mưu Tổng hợp, Công an tỉnh Long An. Cuối tháng 2/1997, một hôm tôi bất ngờ nhận được “Giấy mời dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng” lần đầu tiên do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Người kí giấy mời là Đại tá Phạm Văn Dần, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an. Tôi quá đỗi bất ngờ và sướng rơn người, vì hành trang văn chương của tôi khi đó hầu như chưa có gì, ngoài một số tin bài, phóng sự trên Báo Công an nhân dân và truyện ngắn đầu tay “Bình minh dâng” đăng ở Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an số Xuân năm Bính Tý-1996 (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an thuộc Báo CAND).

Thiếu tướng Phạm Văn Dần (giữa) trong một buổi dự họp mặt cộng tác viên Báo CAND.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần (giữa) trong một buổi dự họp mặt cộng tác viên Báo CAND.

Sau khi báo cáo lãnh đạo Phòng và Công an tỉnh, tôi đi tàu hỏa từ Sài Gòn ra Hà Nội, dự trại sáng tác Cây bút vàng, tổ chức trong khoảng 3 tuần của tháng 3/1997. Sau thời gian đi thực tế khoảng mươi ngày tại Công an một số đơn vị, địa phương, các cây viết tập trung tại Nhà khách Hải Yến – Bộ Công an (Đồ Sơn – Hải Phòng) hoàn thành tác phẩm trong khoảng một tuần. Nhờ trại sáng tác này mà một anh chàng tò te vào nghề viết như tôi được gặp những tên tuổi trên văn đàn đương thời như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Vương Trọng, Lê Lựu, Triệu Bôn, Tô Ngọc Hiến…

Kỷ niệm khó quên về Trại sáng tác Cây bút vàng là những buổi nói chuyện giữa lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an với các nhà văn, được tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)… Mỗi diễn giả đến nói chuyện, giao lưu với các nhà văn trong một buổi. Các diễn giả đều uyên thâm, có tâm, có tầm, nhiệt tình khi trao đổi với các nhà văn và các cây viết trẻ về công tác, chiến đấu, cuộc sống của CBCS Công an.

Trong số các diễn giả, có Đại tá Phạm Văn Dần (khi đến nói chuyện với các nhà văn, ông đã chính thức có quyết định Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, sau đó được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng); Đại tá Khổng Minh Dụ, Cục trưởng Cục An ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng (đến năm 2004, ông được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng); Đại tá Phạm Đức Chấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lí trại giam (sau này ông được thăng cấp bậc hàm Trung tướng).

Thiếu tướng, nhà giáo Phạm Văn Dần (thứ 5 từ trái qua) cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND và CBCS Cục Đào tạo tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008.

Thiếu tướng, nhà giáo Phạm Văn Dần (thứ 5 từ trái qua) cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND và CBCS Cục Đào tạo tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008.

Trong buổi nói chuyện của mình, Đại tá Phạm Văn Dần đã dẫn dắt các nhà văn tiếp cận, có cái nhìn khách quan về nhiệm vụ, công tác của lực lượng CAND; những thuận lợi, khó khăn và nỗi niềm của CBCS ở các hệ lực lượng đang ngày đêm giữ gìn an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Với tôi, có một kỉ niệm riêng khá ngộ nghĩnh. Trong số thành viên dự trại sáng tác, có nhà văn nổi tiếng của Đất mỏ là Tô Ngọc Hiến, một người rất thông minh, láu lỉnh và có khiếu hài hước. Lần nào lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng mời cơm các nhà văn, Tô Ngọc Hiến cũng là tâm điểm của sự chú ý. Vừa ăn, Tô Ngọc Hiến vừa pha trò, từ chuyện tiếu lâm đến hát chèo, hát ả đào… khiến các vị lãnh đạo Tổng cục như Phạm Văn Dần, Trần Duy Tuyên cười ra nước mắt.

Hôm Đại tá Phạm Văn Dần nói chuyện với các nhà văn, tôi ngồi bên cạnh Tô Ngọc Hiến. Nghe được khoảng mươi phút, Tô Ngọc Hiến bảo tôi: “Mày cho chú tờ giấy trắng”; rồi ông tí toáy viết một lúc và cho tôi xem lá đơn. Nội dung đơn gửi Đại tá Phạm Văn Dần, trình bày việc Tô Ngọc Hiến có người em họ là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh (chữ “họ” ông viết hơi khó đọc), đề đạt đồng chí Tổng cục trưởng và Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho người em đi ôn thi đại học. Giờ giải lao, nhà văn Tô Ngọc Hiến gặp và trình bày với Đại tá Phạm Văn Dần. Tất nhiên, vị Tổng cục trưởng rộng lòng bút phê ngay vào đơn, tôi nhớ đại ý: “Kính gửi đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, xem xét giải quyết theo nguyện vọng của nhà văn Tô Ngọc Hiến”.

Cầm chắc lá đơn có bút phê của Tổng cục trưởng Phạm Văn Dần, Tô Ngọc Hiến trở lại chỗ ngồi và lúc sau, ông lấy bút ra sửa chữ “em họ” thành “em nhận” và cười khà khà, nheo mắt nói với tôi: “May quá! Thế là được việc”…

Thiếu tướng Phạm Văn Dần.

Thiếu tướng Phạm Văn Dần.

Sau trại sáng tác gần 1 năm, xét năng lực công tác của tôi, lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, do Đại tá Nguyễn Trung Thành làm Chánh Văn phòng (sau này ông là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng) đồng ý tiếp nhận tôi về làm phóng viên Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND từ tháng 12/1997; và người kí quyết định điều động chính là Tổng cục trưởng Phạm Văn Dần. Bởi vậy, ở trên tôi mới viết phải là “người trong cuộc” mới hiểu rõ ý nghĩa những lời chúc mừng và lời căn dặn của ông dành cho tôi.

Từng giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, Thiếu tướng Phạm Văn Dần cũng là một thành viên của “Ngôi nhà Báo CAND” – bởi ông là một trong những “bà đỡ” và cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an và Chuyên đề An ninh thế giới (khi ấy, nhà văn Hữu Ước là Chủ biên, giữ chức danh Phó Tổng Biên tập; một thời gian sau tiếp quản vị trí Tổng Biên tập). Vì vậy, ông luôn quan tâm chăm lo, ủng hộ Báo CAND nói riêng, báo chí CAND nói chung. Trước khi dịch COVID-19 hoành hành, năm nào ông cũng đến dự cuộc gặp mặt cộng tác viên đầm ấm của Báo CAND, thường được tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô.

Tác giả và Thiếu tướng Phạm Văn Dần trong một lần gặp.

Tác giả và Thiếu tướng Phạm Văn Dần trong một lần gặp.

Dịp Xuân Kỷ hợi – 2019, Báo CAND tổ chức buổi họp mặt, giao lưu các thế hệ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên. Sau buổi họp mặt tối hôm đó, tôi đưa Thiếu tướng Phạm Văn Dần về nhà. Từ trụ sở Báo CAND ở 92 Nguyễn Du về nhà ông ở khu Thành Công chỉ khoảng 5km, song cận tết nên đường phố khá đông. Vậy nhưng hai chú cháu đều không hề sốt ruột, bởi đây cũng là dịp may để ôn lại bao kỉ niệm. Tôi lái xe chầm chậm, ông ngồi bên, tỏ ra vui vẻ, hào hứng về buổi gặp mặt, về tình cảm của những “người cũ”. Thi thoảng, hai chú cháu lại chiêm nghiệm: “Thời gian trôi nhanh thế đấy!”…

Nhớ lần tôi đến nhà thăm ông, tranh thủ nghe ông nói chuyện và lấy tư liệu viết bài “Nhớ về Quảng Tây Nam Ninh dục tài học hiệu”, một ngôi trường Việt Nam đặt tại Trung Quốc, là chiếc nôi đào tạo những hạt giống của cách mạng Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Thiếu tướng Phạm Văn Dần là cựu học sinh trường này nên ông thông thạo Trung văn; ông dạy cả môn toán và tiếng Pháp tại Học viện An ninh nhân dân (thời đó gọi là Trường sỹ quan Công an – C500).

Hôm đó, sau khi trò chuyện xong, ông bảo tôi: “Mày chở ông đi mua ít thuốc nhé”. Vậy là hai ông con lên chiếc xe máy SYM Angel cũ mèm của tôi, đi từ nhà ông ở Thành Công ra một nhà thuốc lớn ở ngã ba Láng Hạ - Thái Thịnh. Đến nơi, tôi chờ ở cổng, còn ông lững thững đi bộ vào nhà thuốc xếp hàng. Lúc ông trở ra, ông cầm trên tay một túi ni lông đựng thuốc các loại và tần ngần nói với tôi: “Từng này thuốc mà mấy triệu bạc đấy, con ạ”… Tôi nghe mà không khỏi bùi ngùi, càng thêm thương ông.

Không ít lần đang ngồi café trong một khu phố, tôi và mấy anh em lính cũ của Thiếu tướng Phạm Văn Dần thấy ông lững thững đi bộ, lại mời ông vào café, ăn sáng và trò chuyện vui vẻ. Hôm khác, tôi gặp ông đi bộ trên phố Trần Hưng Đạo, vì đang vội việc nên hai ông con chỉ chào nhau và hỏi thăm vài câu rồi từ biệt. Ông đi được vài bước, rồi quay lại bảo tôi: “Ông Giá có khỏe không? Về cho ông gửi lời thăm sức khỏe bố cháu nhé!”…

Nay ông đã thành thiên cổ, song với nhiều thế hệ CBCS Công an khi nhớ về Thiếu tướng Phạm Văn Dần, vẫn luôn tâm niệm: ông là một vị Tướng nhân văn, một người trí thức Công an lịch lãm; ông vừa là thủ trưởng, vừa là người thầy, người anh, người chú khả kính…

Bài viết này là nén tâm nhang kính dâng hương hồn Thiếu tướng Phạm Văn Dần.

Hà Nội, tháng 4/2023

Trần Duy Hiển

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/tiec-thuong-vi-tuong-nhan-van-nguoi-tri-thuc-cong-an-lich-lam-i688694/