Tiếc nhớ 'cây viết' Nguyễn Trần Thiết

Chúng tôi kính trọng Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết từ một phong cách rất 'lính' của ông: Ngay chỗ làm việc luôn có sẵn ba lô với đầy đủ hành trang, đồ dùng tác nghiệp để khi có lệnh là lên đường được ngay, đến với đơn vị, đến với sự kiện... Ông là người đam mê đi và viết suốt cả cuộc đời, không ngơi nghỉ và dường như không khi nào biết mệt.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết quê ở xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Thuở nhỏ, bố mất sớm, rồi mẹ mất, Nguyễn Trần Thiết cù bơ cù bất, hết làm thuê lại đi ở. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc và du kích xã Hoằng Trung, đến năm 1948 đã được kết nạp Đảng, rồi được cử đi học tại Trường Lục quân, sau đó làm cán bộ cấp phân đội ở Sư đoàn 312, tham gia huấn luyện và chiến đấu tại nhiều mặt trận.

Cuối năm 1953, Nguyễn Trần Thiết được điều động về Báo Quân đội nhân dân. Trong bối cảnh cả nước sôi sục khí thế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông lập tức xung phong tham gia đưa tin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi mới làm báo, ông sợ trình độ văn hóa của mình còn hạn chế, làm sao “đánh giặc bằng ngòi bút”? Nhưng được các đồng nghiệp đi trước động viên “chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học”, ông bắt tay vào học làm báo với quyết tâm cao độ. Ông đặt mình vào vị trí người đọc để tìm hiểu và viết, rồi nhờ chính bộ đội chỉ dẫn, giúp đỡ, nhờ chỉ huy, người quản lý, người rành chuyên môn hướng dẫn. Nguyễn Trần Thiết coi trọng thể hiện tác phẩm bằng những thông tin, bằng chứng, số liệu so sánh, đối chiếu cho dễ hiểu và thuyết phục nên các đồng nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân thường gọi ông là “Vua con số”.

 Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết có một thói quen quý: Khi viết bài xong, ông đưa ngay bản thảo cho nhân vật hoặc chỉ huy đơn vị xem, nhờ góp ý. Ông cũng xây dựng một “mạng lưới” bạn bè là các nhà chuyên môn đầu ngành để nhờ trợ giúp, tư vấn cho mỗi bài viết của mình. Phương pháp này thể hiện sự cầu thị, sẵn sàng tiếp thu góp ý, phê bình để tác phẩm báo chí bảo đảm đúng và hay hơn, tránh được những sai sót, "hạt sạn" không đáng có, bởi theo Nguyễn Trần Thiết thì nhà báo dù tài giỏi đến mấy cũng không thể biết, không thể giỏi hết mọi lĩnh vực, không phải bài nào cũng viết đúng, viết hợp lý 100%. Các đồng nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân đã có lần chứng kiến Nguyễn Trần Thiết vừa vui vừa trăn trở, hỏi ý kiến anh em để cùng sửa bản thảo bài viết mà ông được một đồng chí chỉ huy đơn vị nhận xét là "chưa logic".

Mấy chục năm làm phóng viên Phòng Quân sự (sau đổi tên là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh) của Báo Quân đội nhân dân, bước chân của Nguyễn Trần Thiết đã tới hầu khắp các đơn vị Quân đội, các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến với hàng nghìn chuyến công tác. Đến đâu ông cũng gần gũi, cởi mở với bộ đội, với anh em nên việc phỏng vấn, khai thác tài liệu dễ dàng, tự nhiên... Ông là phóng viên được trực tiếp tham gia hai chiến dịch lịch sử là Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975); phỏng vấn những nhân vật cấp cao của đối phương khi còn chiến sự.

Với phong cách mạnh mẽ, xông xáo của "phóng viên chiến trường", Nguyễn Trần Thiết đã phát hiện và tuyên truyền nhiều điển hình tiên tiến của toàn quân, toàn quốc và những tấm gương này đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như: Đơn vị vận tải Quân khu 9; anh hùng lái xe Cao Duy Thuần dạ sắt, gan vàng; anh hùng vận tải cơ giới Phan Văn Quý...

Say mê với nghề viết, Nguyễn Trần Thiết sớm trở thành nhà báo có nhiều bài viết ấn tượng. Anh em ở Báo Quân đội nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhắc mãi chuyện trong một lần Nguyễn Trần Thiết đi tìm hiểu để viết về đơn vị trên Đường 559, lúc đã về ngang đường, ông quyết định xuống xe, đi bộ trở lại đơn vị để kiểm tra các chi tiết trong bài viết cho thật chắc chắn. Dự Hội nghị vận tải toàn quân sau giải phóng năm 1975, chỉ trong hai buổi tác nghiệp, Nguyễn Trần Thiết đã viết được 24 kỳ ký sự, kể lại những chuyện ly kỳ của các chiến sĩ vận tải Quân khu 9 vượt qua mũi súng địch để chở hàng hóa và vũ khí cho chiến trường. Nhiều người đọc loạt ký sự này cứ nghĩ tác giả phải là người Nam Bộ, thông thuộc văn hóa và địa hình nên mới viết đúng và hay được như vậy. Nhưng Nguyễn Trần Thiết bật mí: "Mình viết say sưa, viết nhanh vì đã có thời gian làm nhiệm vụ ở Cần Thơ. Nhưng cái chính là cứ viết xong mỗi kỳ thì mình lại nhờ anh em trong đoàn đại biểu vận tải Quân khu 9 đọc và được anh em phát hiện, sửa cho những chỗ không phù hợp, bổ sung thêm thông tin, chi tiết đắt...".

Là phóng viên đi và viết không biết mệt mỏi, với tâm niệm "phải viết để thế hệ mai sau hiểu chúng tôi hơn", sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết đi và viết nhiều hơn. Những chuyến đi của Nguyễn Trần Thiết mở rộng hơn cả về nội dung, đề tài, địa bàn phản ánh. Hàng loạt bài viết, các ký sự dài kỳ của tác giả Nguyễn Trần Thiết đã ra đời, từ những bài phản ánh âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng, đến các tác phẩm viết về những nhân vật tình báo nổi tiếng, về chiến công của ngành tình báo Quân đội, các nhân chứng lịch sử... Dù nghỉ hưu hay cho đến lúc tuổi 90, ông vẫn đầy nhiệt huyết và say sưa với nghiệp viết. Chỉ đến khi bệnh nặng, phải nằm liệt giường, Nguyễn Trần Thiết mới không viết nữa, song ông vẫn tâm huyết với nghề viết, với những tác phẩm, câu chuyện còn dang dở...

Cả cuộc đời cống hiến cho nghề viết, Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã được tặng nhiều giải thưởng, trong đó có 2 giải nhất của Hội Nhà báo Việt Nam, Giải "Cây bút vàng" của Bộ Công an, được vinh danh là nhà báo lão thành cách mạng... Lật giở những đầu sách của Nguyễn Trần Thiết, đồng nghiệp và đồng đội chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thán phục khi ông có tới 93 đầu sách được in chung và in riêng, trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: "Chiến công thầm lặng", "Gia đình biệt động", "Kẻ cuồng vọng mang mật kế Z", "Viên chuẩn tướng", "Mặt trận không tiếng súng", "Truy tìm ổ quỷ", "Hành trình đồng đôla", "Theo bước chân thần tốc", "Cơn lốc Trường Sơn", "Ông tướng tình báo và hai bà vợ", "Dương Văn Minh-tổng thống cuối cùng"... Trong đó, cuốn tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” ra mắt năm 2010 được bạn đọc hưởng ứng nồng nhiệt và được đạo diễn Bùi Cường dựng thành phim (29 tập), đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc...

Đại tá, nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết đã vĩnh biệt trần gian vào lúc 11 giờ 40 phút ngày 20-7-2023 trong niềm tiếc thương vô hạn không chỉ của gia đình, người thân, đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội, mà hàng vạn bạn viết, bạn đọc trong cả nước cũng tiếc thương một "cây viết" đầy nhiệt huyết với Quân đội, với đất nước, với thời cuộc.

TRẦN HỒ BẮC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/tiec-nho-cay-viet-nguyen-tran-thiet-735546