Tiếc hùi hụi tiêm kích hạm VTOL Yak-141 của Nga

Nếu như không gặp khó khăn kinh tế - chính trị, nước Nga đã có thể sở hữu tiêm kích hạm Yak-141 trang bị tính năng đỉnh hơn cả F-35B.

Yakovlev Yak-141 hay còn được biết đến với cái tên Yak-41 là máy bay tiêm kích trên hạm có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL) và bay được tốc độ siêu âm đầu tiên trên thế giới. Những giải pháp công nghệ tuyệt vời đem lại khả năng cất hạ cánh độc đáo của Yak-141 sau này được cho là đã cung cấp tới Lockheed Martin phát triển mẫu tiêm kích tàng hình F-35B.

Yakovlev luôn xem Yak-38 Forger là một máy bay tạm thời, được phát triển để đạt nhằm thử nghiệm công nghệ máy bay cánh cố định có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL). Ngay cả trước khi giới thiệu Yak-38, Hải quân Liên Xô mong muốn một chiếc máy bay toàn diện hơn, có khả năng lớn hơn so với Yak-38 được cung cấp.

Kết quả là một hợp đồng thiết kế trao cho Yakovlev trong năm 1975. Yêu cầu là chế tạo chiếc máy bay phòng không hạm đội. Không giống như Yak-38, máy bay này phải bay được tốc độ siêu âm. Khả năng cơ động, radar và tải trọng vũ khí được dự kiến là sẽ tương tự như của máy bay tiêm kích tiền tuyến. Đối với Hải quân Liên Xô, máy bay này được xem như thế hệ kế tiếp của máy bay tiêm kích VTOL.

Do tầm quan trọng và phức tạp của dự án, Alexander Sergeyevich Yakovlev giao một phần lớn văn phòng thiết kế OKB của mình vào sự phát triển của máy bay tiêm kích VTOL mới, với không ít hơn 10 kỹ sư trưởng làm việc đồng thời trên những gì được gọi là "Dự án 48" (quân đội định danh là Yak-41).

Hơn 50 bản thiết kế đã được nghiên cứu, cuối cùng nó được quyết định thiết kế tốt nhất là một vòi phụt vector đơn nằm ngay phía sau trung tâm của trọng tâm máy bay, cũng như 2 động cơ đẩy thẳng đứng nằm ngay phía sau buồng lái.

Một khoảng thời gian đáng kể được dành cho sự phát triển của vòi phụt vector hình chữ nhật tương tự như F-22 Raptor của Mỹ. Một vòi phun như vậy chứng tỏ rất phù hợp cho những thay đổi trong cấu hình cần thiết cho cả hai vector lực đẩy và bay siêu âm. Cuối cùng, một vòi phụt tròn được sử dụng, nằm giữa 2 cánh đuôi ngang.

Cả 3 động cơ được điều khiển thông qua một hệ thống kỹ thuật số liên kết với nhau, có khả năng kiểm soát việc khởi động cả 3 động cơ cũng như điều chỉnh lực đẩy của cả 3 động cơ trong khi hạ cánh và bay lơ lửng. 2 van”reaction control” nằm song song được đặt ở đầu cánh, trong khi một van “reaction control” phụ xoay chỉnh hướng được đặt dưới mũi.

Cánh chính được đặt trên lưng máy bay tương tự như Yakovlev Yak-36, kiểu cánh mũi tên xuôi và có thể được gấp lại để lưu trữ trên tàu.

Động cơ chính được trang bị 4 ống hút khí ở 2 bên cũng như một dãy cửa chớp lớn dọc theo bề mặt phía trên để cho phép lượng không khí tối đa vào động cơ trong khi lơ lửng. Động cơ này là động cơ turbine phản lực R-79V-300, lực đẩy tối đa là 14.000 kg. Vòi phụy phía sau có thể xoay từ 0 độ đến 95 độ cho việc cất/hạ cánh và bay lượn.

2 động cơ nâng được thiết kế là động cơ phản lực RD-41. Mỗi động cơ cung cấp lực đẩy 4.100 kg. Cả 2 động cơ được lắp ở phía sau buồng lái ở một góc 85 độ. Giống như Yak-38, động cơ nhận được không khí thông qua cửa chớp lắp trên lưng và vòi phụt nằm dưới bụng máy bay.

Với hệ thống động cơ vô cùng độc đáo này, Yak-141 sở hữu khả năng cất hạ cánh thẳng đứng hoàn toàn như một máy bay trực thăng. Bên cạnh đó, nó còn có thể đạt tốc độ siêu âm Mach 1,4+ tức 1.800km/h - trở thành máy bay tiêm kích VTOL đầu tiên trên thế giới đạt được vận tốc siêu âm. Nó có khả năng leo cao với tốc độ đến 250m/s hoặc 15.000m/phút, tầm bay 2.100km, trần bay 15,5km.

Mẫu thử nghiệm Yak-141 48-2 bay thử thông thường lần đầu tiên, diễn ra tại Zhukovskii vào ngày 9/3/1987, do phi công Sinitsyn điều khiển. Ông đã thực hiện các chuyến bay lơ lửng vào ngày 29/12/1989 với chiếc 48-3 và dùng chiếc máy bay đó thực hiện quá trình chuyển đổi hoàn chỉnh đầu tiên từ cất cánh thẳng đứng sang bay tốc độ cao và hạ cánh thẳng đứng vào ngày 13/6/1990. Trong suốt các cuộc thử nghiệm, chiếc máy bay đã chứng minh diễn tập chiến đấu tuyệt vời và đã đạt được nhiều kỷ lục thế giới cho dòng máy bay VTOL.

Ngày 26 tháng 9 năm 1991, Sinitsyn đã hạ cánh thẳng đứng đầu tiên trên tàu sân bay Đô đốc Gorshkov của Liên Xô với chiếc 48-2. Một giờ sau, Vladimir A. Yakimov hạ cánh 48-3 trên boong. Ngày 5 tháng 10 năm 1991, Yakimov đã thực hiện môt cú hạ cánh khó trên boong. Bánh xe của càng đáp phá vỡ một thùng nhiên liệu, gây ra một đám cháy nghiêm trọng. Sau gần 30 giây, Yakimov thoát khỏi máy bay và đã được cứu sống. Chiếc máy bay sau đó đã được sửa chữa.

Mặc dù gặp phải tai nạn nghiêm trọng, tuy nhiên tính năng công nghệ mà tiêm kích VTOL Yak-141 đem lại là vô cùng tuyệt vời. Thế nhưng, như đã biết, thời điểm cuối năm 1991, Liên bang Xô Viết hùng mạnh đã rệu rã hoàn toàn, nguy cơ tan rã hiện rõ trước mắt. Chính vì vậy, dự án Yak-141 đã không còn được tiếp thêm ngân sách dẫn tới việc hủy bỏ hoàn toàn. Tiếc vô cùng dự án tiêm kích VTOL siêu âm.

Dù sau đó, vào năm 1992, Lockheed Martin đã ký hợp tác với Yakovlev để cùng phát triển chiếc máy bay Yak-141. Nhưng không có kết quả hợp tác nào rõ ràng, hợp đồng này như là cách để Lockheed Martin “ăn cắp” thành quả của Yakovlev để phát triển tiêm kích tàng hình F-35B hiện tại.

Tri Năng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/tiec-hui-hui-tiem-kich-ham-vtol-yak-141-cua-nga-719584.html