Tích cực triển khai, gắn chặt công tác dân vận trong hoạt động của Tòa án hai cấp

Chiều 3/5, Đoàn giám sát 3135 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa.

Quang cảnh hội nghị.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát 3135 đã công bố dự thảo Báo cáo giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị và Quyết định số 763-QĐ/TU, ngày 15/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo TAND tỉnh.

Theo dự thảo báo cáo, sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW và Quyết định số 763-QĐ/TU về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, công tác dân vận của TAND tỉnh có sự chuyển biến rõ nét. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, cụ thể hóa Quy chế công tác dân vận và các văn bản có liên quan gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành, nhất là công tác giải quyết xét xử các loại án, tiếp dân; hòa giải, đối thoại; cải cách thủ tục hành chính - tư pháp; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, người lao động... Qua đó đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành và các địa phương.

Đồng chí Phạm Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy công bố dự thảo báo cáo giám sát.

Nổi bật là, TAND tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đảm bảo các vụ việc phải được giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định. Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm. Chất lượng giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng lên. Số bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với tỷ lệ quy định.

Thực hiện công tác dân vận trong cải cách tư pháp, TAND tỉnh đã tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến và áp dụng phần mềm Trợ lý ảo cho thẩm phán. Từ năm 2021-2023, TAND tỉnh đã công khai 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử; tổ chức xét xử 34 phiên tòa trực tuyến; 100% các thẩm phán trong TAND hai cấp sử dụng phần mềm Trợ lý ảo phục vụ công tác chuyên môn.

Lãnh đạo TAND tỉnh tham gia ý kiến tại hội nghị.

Cũng trong giai đoạn giám sát, TAND tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Riêng năm 2023, Tòa án hai cấp đã hòa giải được 1.782/2.729 vụ theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đạt tỷ lệ 68%. Hòa giải theo pháp luật về tố tụng 6.030/9093 vụ, đạt tỷ lệ 66%. Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án hai cấp được thực hiện nghiêm túc và đúng quy định. Thông qua đó đã góp phần giải quyết nhanh các vụ án, tiết kiệm kinh phí cho việc mở phiên tòa xét xử, hạn chế khiếu nại kéo dài, vượt cấp,...

Thành viên Đoàn giám sát 3135 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cũng từ năm 2021 đến nay, Tòa án hai cấp đã xây dựng các mô hình Dân vận khéo thực sự tiêu biểu, có tính bền vững, tạo sức lan tỏa, như: mô hình cải cách thủ tục hành chính - tư pháp “một cửa liên thông”, mô hình “Hòa giải thành án Dân sự, Hôn nhân gia đình”; “Đối thoại thành các vụ khiếu kiện Hành chính”...

Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo TAND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị và Quyết định số 763-QĐ/TU, ngày 15/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và kiến nghị thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra.

Thành viên Đoàn giám sát tham gia ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, thành viên đoàn giám sát đã phát biểu làm rõ thêm một số kết quả đạt được, cũng như phân tích, gợi mở một số giải pháp để Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh tổ chức thực hiện trong thời gian tới, nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện quy chế công tác dân vận. Lãnh đạo TAND tỉnh cũng đã phát biểu giải trình và tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy ghi nhận, đánh giá cao Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo TAND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, quán triệt Quyết định số 23-QĐ/TW và Quyết định số 763-QĐ/TU, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về công tác dân vận. Đồng thời, đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận vào nhiệm vụ cụ thể của ngành. Từ đó, công tác dân vận đã góp phần giúp Tòa án hai cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cải cách tư pháp..., góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Lãnh đạo TAND tỉnh tham gia hội nghị.

Thống nhất về những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong giám sát, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh mong muốn Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo TAND tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế dân vận. Tích cực triển khai bài bản hơn, coi công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tòa án. Trong đó cần gắn chặt công tác dân vận với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nhất là công tác hòa giải, đối thoại; giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách tư pháp...

Đồng thời tập trung thực hiện tốt các phong trào thi đua “Vì Công lý” với chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” của ngành tòa án, gắn với phong trào “Dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao...

Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tich-cuc-trien-khai-gan-chat-cong-tac-dan-van-trong-hoat-dong-cua-toa-an-hai-cap-213229.htm