Tích cực đưa trò chơi dân gian vào trường học

Hiện nay, bên cạnh các hoạt động giáo dục tích cực, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chủ trương đẩy mạnh việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học để tạo cho học sinh những trải nghiệm vừa học, vừa chơi một cách an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học thân thiện và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Hiện nay, bên cạnh các hoạt động giáo dục tích cực, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chủ trương đẩy mạnh việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học để tạo cho học sinh những trải nghiệm vừa học, vừa chơi một cách an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học thân thiện và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Như thành thông lệ, cứ đến giờ ra chơi, học sinh các khối lớp của Trường Tiểu học Bạch Thượng (Duy Tiên) lại ùa ra sân trường tham gia các trò chơi dân gian theo từng nhóm. Có khá nhiều trò chơi đã diễn ra trong khuôn viên nhà trường, nhóm thì chơi nhảy dây, nhóm chơi trồng nụ, trồng hoa; có nhóm lại chơi trò ô ăn quan… Tiếng nói, tiếng cười rộn rã khắp nơi, gương mặt các em học sinh đều toát lên sự vui tươi, phấn khởi, làm động lực cho việc học tập.

Cô giáo Nguyễn Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Có một đặc điểm rất quan trọng là phần lớn các trò chơi diễn ra ngoài trời, luôn gắn bó trẻ với môi trường tự nhiên, đưa các em hòa đồng với thiên nhiên, hòa đồng với mối quan hệ tác động qua lại giữa các thành tố trong môi trường, giúp các em hiểu biết thiên nhiên sâu sắc, từ đó càng yêu quý thiên nhiên hơn. Hơn thế, qua việc tham gia các trò chơi, học sinh được vận động, được thư giãn, vệ sinh cho đôi mắt, chạy nhảy, nô đùa, reo hò sẽ làm tinh thần sảng khoái và phấn chấn rất nhiều. Trò chơi dân gian giúp cho các em rèn luyện thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết...

Học sinh Trường Mầm non Tiến Thắng (Lý Nhân) thích thú khi chơi trò chơi dân gian. Ảnh: Hà Trần

Trong các hoạt động giáo dục, Trường Mầm non Tiến Thắng (Lý Nhân) cũng nỗ lực đưa nhiều trò chơi dân gian vào cho trẻ trải nghiệm ở cả trong và ngoài lớp học. Theo chia sẻ của các giáo viên nhà trường, một ưu thế của trò chơi dân gian chính là ở chỗ nó có thể phù hợp với tất cả những ai muốn chơi, không quy định số người chơi nhất định và trong khi chơi, mọi trẻ đều bình đẳng như nhau. Lợi ích trò chơi dân gian mang lại cho trẻ mầm non mỗi ngày đến trường được thể hiện trên nhiều yếu tố: giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tích lũy kiến thức, rèn luyện thể chất… Đội ngũ giáo viên trong quá trình đưa trò chơi dân gian vào trường học đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn trò chơi phù hợp, đánh giá tác dụng giáo dục của các trò chơi đối với sự phát triển của trẻ. Trong không gian rộng rãi, được hòa mình với thiên nhiên, trẻ đã cùng nhau chạy nhảy theo vần điệu của những câu đồng dao, vận động với trò chơi: bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo cưa lừa xẻ, mèo đuổi chuột… Hầu hết trẻ đều rất hứng thú khi được tham gia các trò chơi dân gian như thế.

Hiện nay, trước việc công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh rất dễ bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử; trong đó có nhiều trò chơi bạo lực gây những hậu quả về sức khỏe, tinh thần. Việc tăng cường đưa các trò chơi dân gian vào trường học là một trong những giải pháp để hạn chế được vấn đề này. Các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học thường đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng học sinh là rất khả thi. Trong các tiết học thể dục của học sinh tiểu học, THCS, giáo viên các nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo lồng ghép các trò chơi dân gian để học sinh trải nghiệm, tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng, hạn chế sự đơn điệu cho các tiết học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Phủ Lý) cho biết: Tham gia trò chơi, học sinh được rèn luyện thể chất, khéo léo, nhanh nhẹn hoạt bát và tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh cũng giúp các em thêm hào hứng với học tập, sống thân thiện, hồn nhiên; đồng thời giúp nhà trường xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực và góp phần tích cực vào việc duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Học sinh Trường Tiểu học Bạch Thượng (Duy Tiên) với trò chơi Trồng nụ, trồng hoa.

Đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa; tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt, ngoại khóa, giờ thể dục… Việc duy trì, phổ biến và nhân rộng các trò chơi dân gian trong nhà trường không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em trau dồi thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tich-cuc-dua-tro-choi-dan-gian-vao-truong-hoc-106784.html