Tích cực chắp cánh thương hiệu sản phẩm Tuy Hòa

Sản phẩm Cà phê Superior của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hương Phú (xã Bình Kiến) tham gia chương trình OCOP năm nay. Ảnh: CTV

Xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng OCOP và tạo điều kiện để các sản phẩm này có mặt trên thị trường là cách TP Tuy Hòa chắp cánh cho các sản phẩm mang thương hiệu địa phương.

Kết nối quảng bá

Hiện một số sản phẩm tiêu biểu của TP Tuy Hòa đang được trưng bày tại sự kiện Ngày hội Du lịch kết nối Tuy Hòa - Pleiku năm 2022 (tỉnh Gia Lai) diễn ra từ ngày 24-26/6. Theo ông Nguyễn Khoa Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố, trong 11 sản phẩm tham gia đợt này có 9 sản phẩm của thành phố gồm sườn một nắng, ba chỉ một nắng, chả cá, nước tẩy rửa sinh học, nước mắm, cà phê, yến, đông trùng hạ thảo, bánh tráng bột dong riềng. Đây là những sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao, chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh các năm và cả các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm nay. Đến với Tây Nguyên, các sản phẩm này mang theo vẻ đẹp Tuy Hòa vào các hoạt động xúc tiến du lịch.

Tại TP Tuy Hòa, các sản phẩm mang thương hiệu thành phố không chỉ được quảng bá trên Cổng thông tin điện tử UBND TP Tuy Hòa mà còn được giới thiệu tại phố đi bộ để người dân và du khách trực tiếp thưởng thức. Theo UBND thành phố, trên Cổng thông tin điện tử của thành phố dành hẳn một mục giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương. Từ đây, khách hàng chỉ cần click vào biểu tượng sản phẩm, ngay lập tức được tiếp cận trực tiếp với đơn vị sản xuất gồm thông tin liên lạc, danh mục các sản phẩm.

Ngoài ra, thành phố triển khai hai tuyến phố đi bộ trên đường Lê Trung Kiên và Phan Lưu Thanh để thông qua du lịch quảng bá sản phẩm. Theo đó, đặc sản Tuy Hòa gồm đồ uống và ăn vặt với các món như nước sâm rong biển, bánh ít, bò một nắng, mắt cá ngừ đại dương, chả cá Phú Yên, ốc các loại… sẽ được bày bán trong các ki ốt dọc hai tuyến phố này. Cùng với đó còn có các ki ốt trưng bày sản phẩm OCOP và hàng lưu niệm với đồ thủ công mỹ nghệ từ gỗ, vỏ sò, ốc biển và sản phẩm nước mắm, cà phê…

Tham gia OCOP

Xây dựng thương hiệu theo chương trình OCOP đang là con đường hiệu quả để các sản phẩm của TP Tuy Hòa sớm có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng tiếp nhận. Theo UBND thành phố, địa phương luôn tích cực tham gia chương trình OCOP. Cụ thể, giai đoạn 2019-2021, thành phố có 10 sản phẩm tham gia thì bước sang năm 2022 đã có tới 17 sản phẩm đăng ký. Ban đầu chủ yếu là các sản phẩm đã có thương hiệu thuộc các ngành sản xuất truyền thống nông, lâm, thủy sản như cà phê, nước mắm… thì nay được mở rộng ra gồm cả thực phẩm, đồ uống lẫn sản phẩm sinh học phục vụ sinh hoạt gia đình. Dù là những sản phẩm đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hay những sản phẩm lần đầu tiếp cận thị trường, thành phố đều khuyến khích các hộ kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng kinh doanh nước tẩy rửa sinh học ở xã Bình Ngọc cho biết: Đây là sản phẩm được sinh ra từ làng nghề trồng rau, hoa Bình Ngọc. Sản phẩm này được tiêu thụ nhiều năm nay nhưng chỉ trong phạm vi xã hoặc vùng phụ cận. Tham gia OCOP, tôi mong muốn được hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, được xúc tiến thương mại để sản phẩm tới được với người tiêu dùng toàn tỉnh cũng như cả nước. Việc được tiêu thụ không chỉ giúp nâng cao đời sống người trồng rau Bình Ngọc mà còn giúp bảo vệ môi trường, đặc biệt là cảnh quan làng nghề.

Tại các phường, xã trong thành phố, chính quyền địa phương cũng tích cực quy hoạch sản xuất theo chuỗi liên kết để hình thành các sản phẩm nông sản đặc trưng theo hướng OCOP. Theo ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, trong 2 năm 2022-2023, xã đặt mục tiêu đăng ký 3 sản phẩm tham gia OCOP là bánh tráng máy của hộ kinh doanh và lúa chất lượng cao, bột chuối nước. Đây là những nông sản, những sản phẩm gắn bó lâu năm với người dân nhưng lại chưa được nhiều người biết tới bởi chưa có thương hiệu, chưa được đầu tư chế biến bài bản cũng như chưa được xúc tiến thương mại. Việc tham gia OCOP sẽ tạo điều kiện cho bà con nâng cao trình độ sản xuất, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn, giúp tăng giá trị nông sản, góp phần ổn định đời sống người dân.

Ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Với TP Tuy Hòa, Chương trình OCOP không chỉ hỗ trợ tích cực địa phương trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao mà còn giúp đa dạng, phong phú các sản phẩm mang thương hiệu Tuy Hòa. Thông qua du lịch, các sản phẩm đặc trưng của thành phố được giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Đồng thời, những sản phẩm này góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch thành phố, tạo sức hút với du khách trong và ngoài nước. Quảng bá sản phẩm gắn với quảng bá du lịch là cách địa phương từng bước thực hiện mục tiêu đưa du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/280072/tich-cuc-chap-canh-thuong-hieu-san-pham-tuy-hoa.html