Thuyền nan ra trận

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, có quá nhiều điều kỳ diệu đã diễn ra. Chuyện những chiếc thuyền nan chở lương thực, vũ khí vào chiến trường trên kênh Nhà Lê (Kênh Than) là một trong những chiến công, làm nên điều kỳ diệu và góp phần vào công cuộc bảo vệ đất nước.

Ông Nguyễn Hữu Vinh (bên trái) và vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghê ôn lại kỷ niệm xưa. Ảnh: Diên Khánh.

Ông Nguyễn Hữu Vinh (bên trái) và vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nghê ôn lại kỷ niệm xưa. Ảnh: Diên Khánh.

Huyền thoại con kênh nghìn tuổi

Kênh Nhà Lê có chiều dài khoảng 500km, được vua Lê Hoàn cho khởi đào từ năm 983, các triều đại về sau tiếp tục công cuộc đào kênh kết nối 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Kênh đào đã kết nối với các sông tự nhiên, không chỉ tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy, thủy lợi… mà còn là con đường chiến lược trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước.

Cùng với sự hình thành của kênh, những vùng đất màu mỡ, làng mạc trù phú đã được tạo lập và cho đến ngày nay, hệ thống kênh này vẫn được sử dụng làm nhiệm vụ tưới tiêu cho mùa màng. Có thể nói, đây là kênh đào dài nhất Việt Nam cả về chiều dài lịch sử và địa lý.

Theo nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh, việc đào kênh ở đồng bằng thì dễ, việc đào ở những nơi có núi đá mới cực kỳ gian nan. Gian nan nhất là đoạn kênh Sắt - tên gọi đoạn kênh Nhà Lê chảy qua Truông Sắt thuộc xã Diễn An (huyện Diễn Châu) và xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An hiện nay. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi rõ, đoạn kênh này được khởi đào từ năm 1003.

Tuy nhiên, khi đào đến Truông Sắt thì gặp khó khăn vì đây là vùng núi, lại có các mỏ sắt, đá rắn bên dưới nên rất khó đào. Các triều đại về sau cũng đã cố công đào tiếp đoạn kênh Sắt nhưng vẫn không thành công.

Dưới thời vua Tự Đức, trong dân gian đã lan truyền bài vè "Đi phu đào kênh Sắt" để diễn tả nỗi khổ cực khi bị triều đình huy động đi đào kênh. Khi Hoàng Tá Viêm nhậm chức Tổng đốc Nghệ An, ông đã viết thư mời Nguyễn Trường Tộ ra giúp đào kênh Sắt. Thời điểm này, năm 1866, nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ đang trị bệnh tại nhà thờ Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) nhưng ông đã nhận lời. Ông đã phải đi bằng cáng khoảng 10km để đến thị sát vị trí đào kênh và kênh Sắt được khơi thông.

Theo cuốn "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa", năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, các tuyến đường sắt, đường bộ vào Quảng Bình, Quảng Trị thường bị tắc nghẽn, hủy diệt. Bộ Giao thông vận tải đã cho khai thông lại tuyến kênh Nhà Lê, làm con đường vận tải thủy hữu hiệu đưa hàng hóa qua trọng điểm đánh phá miền trung, giao Cục Đường thủy nội địa triển khai. Chừng 500 km kênh từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh được nạo vét, khơi thông lập bến bãi, rà phá bom, thủy lôi, bảo đảm an toàn cho tàu bè qua lại.

Vận chuyển hàng vào chiến trường trên kênh Nhà Lê. Ảnh tư liệu.

Vận chuyển hàng vào chiến trường trên kênh Nhà Lê. Ảnh tư liệu.

Binh đoàn thuyền nan

Không ít lần được trò chuyện với các cựu thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa, tôi đã được họ kể về những tháng ngày xung phong làm nhiệm vụ khai thông tuyến kênh Nhà Lê, dùng thuyền nan chở lương thực, vũ khí vào chiến trường. Theo ông Lê Đức Lập - Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa, năm 1965, nhiều tuyến đường bộ, đường sắt ở Thanh Hóa bị bom cày xới không thể sử dụng. Được lệnh từ cấp trên, tỉnh Thanh Hóa tích cực đan thuyền nan để làm phương tiện vận tải, cùng với đó phải tuyển đủ số người để nạo vét kênh cho thuyền tiện đi lại.

Bà Nguyễn Thị Tấn - nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa kể: “Tôi là một cựu thanh niên xung phong. Năm 1965 được điều động đi nạo vét kênh Nhà Lê. Vì phải bám theo thủy triều, nên khi nước rút, dù là nửa đêm, đầu sáng, giữa trưa, hay vào giờ cao điểm máy bay bắn phá ác liệt chúng tôi đều phải ra thi công. Dòng kênh nước cạn nhất cũng ngang thắt lưng, phải lựa thật khéo mới xúc được xẻng bùn đưa vào thúng. Tiếp đó, là hàng người đứng dầm mình dưới nước chuyền tay nhau đưa bùn đất vào bờ”. Cũng theo bà Tấn, chị em thanh niên xung phong kiên cường, vừa nạo vét, vừa cầm súng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với việc nạo vét kênh, các xưởng đan thuyền nan cũng được mở ra ở huyện Thường Xuân, Thạch Thành (Thanh Hóa) và một số xã hai bên bờ sông Chu, sông Mã. Nguyên vật liệu là nứa, tre, luồng và mây, vỏ sắn, củ nâu. Nhiệm vụ đan thuyền được giao cho các lão nông nhiều kinh nghiệm và chỉ sử dụng phương pháp truyền thống, không dùng kim loại để tránh thủy lôi của quân thù. Đợt đầu đan được 2.500 thuyền thì việc lựa chọn lực lượng vận tải gồm 5.000 nam nữ thanh niên khỏe mạnh cũng vừa hoàn tất.

Bà Nguyễn Thị Mật (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Xương), nhớ lại: “Ngoài việc trực tiếp vận tải, tôi cũng làm Phó Phòng tổ chức của Công ty Vận tải thuyền nan. Lực lượng thanh niên xung phong đều nhiệt tình hăng hái, sẵn sàng chấp nhận hy sinh gian khổ. Đội hình được biên chế thành các đơn vị cấp đại đội. Mỗi đại đội có từ 50-70 thuyền, mỗi thuyền có hai chiến sĩ”. Ông Nguyễn Hữu Nghê tiếp lời vợ: Ngày mới cưới nhau, vợ chồng tôi đã xung phong làm nhiệm vụ tại Công trường sân bay Sao Vàng, một thời gian thì được lệnh chuyển về Công ty Vận tải thuyền nan. Nhận nhiệm vụ với một công việc hoàn toàn mới, chúng tôi được tổ chức học chính trị, huấn luyện kỹ thuật chèo lái thuyền, bốc xếp, bảo vệ hàng, cách ứng phó khi băng qua sông và sự rình rập của quân thù.

Con thuyền tre chiều dài dăm mét nhưng chở được khoảng 2 đến 3 tấn hàng. Khi đi, thuyền không, thuận gió nên nhanh, nhẹ nhàng, nhưng chặng đường chở hàng về mới nhiều gian nan. Thuyền chỉ được đi vào ban đêm, ban ngày thì ngụy trang như một lùm cây. Ông Nguyễn Hữu Vinh ở xã Quảng Hưng (huyện Quảng Xương) năm đó đang làm nhiệm vụ ở Trung đoàn 94 (Cục Vận tải quân đội) cũng được điều về Công ty Vận tải thuyền nan.

Ông Vinh nhớ lại: “Các thủy thủ đã phải vừa khéo tay chèo lái, kéo dây, vừa phải mưu trí ngụy trang, phòng tránh, sẵn sàng hy sinh xương máu bảo vệ thuyền hàng. Cứ 15 phút máy bay quần thảo một lần, trút bom xuống các cung đường, kênh Nhà Lê, cầu, phà. Tôi không thể nào quên hai liệt sĩ, là hai cô gái đi hai chuyến với tôi bị dính bom. Trong đó một cô không tìm thấy xác. Tôi nhớ, tôi thương lắm những cô gái thanh niên xung phong ngày đó sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Sau này, để nhớ về một thời hoa lửa, tôi đã làm rất nhiều thơ”.

Đợt hai, “binh đoàn thuyền nan” có thêm 3.100 thuyền và được bổ sung, tăng cường lực lượng ở tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây). Thuyền của bà con ngư dân cũng được huy động, sửa chữa để thực hiện nhiệm vụ khẩn trương vận tải lương thực ra chiến trường.

Theo các cựu thanh niên xung phong, tại tỉnh Thanh Hóa, thuyền nan ngược dòng sông Mã lên Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy để lấy lương thực. Sau đó, tập kết về bến kênh Nhà Lê thuộc xã Quảng Thắng (Thanh Hóa) chờ lên đường. Thuyền nan cứ theo con nước thủy triều mà luồn lách theo kênh Nhà Lê, kênh Son, kênh Sắt, Cát Vàng, đi qua Lạch Bạng, Lạch Cờn, Lạch Quèn, Hoàng Mai, Cầu Bùng vượt sông Lam, sông La để vào đến tận Chu Lễ (Hương Khê, Hà Tĩnh), tổng chiều dài khoảng hơn 500km qua các kênh, con sông lớn, nhỏ.

Theo Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa, từ năm 1965-1969, các lực lượng giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã vận chuyển được hơn một triệu tấn hàng hóa vào các chiến trường. Thời gian đó mảnh đất Thanh Hóa đã hứng chịu 13 vạn tấn bom do máy bay thả và 20.490 quả đại bác của tàu chiến Mỹ, hơn 7.750 người của Thanh Hóa đã hy sinh, 7.896 người bị thương.

Trong đó 1.296 người thuộc ngành giao thông vận tải hy sinh. Làm xong nhiệm vụ của tỉnh giao, “Binh đoàn thuyền nan” Thanh Hóa lại được giao nhiệm vụ tiến vào tuyến lửa Quảng Bình để tiếp tục phục vụ vận tải. Nhưng từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình thì không còn đường sông đi tiếp, chỉ còn có hai cách: Một là đi bộ để khiêng vác thuyền, hai là đưa thuyền nan vượt biển. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, phương án hai được chấp nhận.

Có 361 thủy thủ dũng cảm, khỏe mạnh được tuyển chọn vào đội đưa 110 thuyền nan chở hàng vượt biển. Chủ động trong công việc với quyết tâm cao, các thanh niên xung phong đã từ Cửa Hội vượt 87 hải lý đường biển, vượt qua sóng to gió lớn, tránh sự săn lùng của tàu địch để vào đến Đồng Hới, nhận 36.000 tấn hàng rồi chở theo nhánh sông Kiến Giang, lên Thác Tre để giao hàng. Không dừng ở đó, lực lượng thanh niên xung phong tiếp tục dùng xe đạp, chở hàng vào tận chiến trường.

DIÊN KHÁNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuyen-nan-ra-tran-5722720.html