Thụy Điển tuyên bố hết dịch, WHO cảnh báo 'Omicron tàng hình'

Thế giới có thêm gần 2,7 triệu ca nhiễm mới và khoảng 10.500 người tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua.

Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h30 sáng nay (10/2), đại dịch tiếp tục tấn công 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm mầm bệnh cho hơn 402,3 triệu người và cướp đi sinh mạng của gần 5,8 triệu nạn nhân kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019.

Về số ca nhiễm mới trong ngày qua, Đức dẫn đầu khi ghi nhận 238.500 trường hợp dương tính với Covid-19. Tiếp đến là Mỹ (184.200), Brazil (183.500) và Nga (183.100).

Về số ca tử vong mới, Mỹ đứng ở vị trí số 1 với gần 1.900 nạn nhân xấu số. Sau đó đến Brazil (1.300) và Ấn Độ (1.240).

Tiêm ngừa Covid-19 ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Tiêm ngừa Covid-19 ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: Reuters

WHO cảnh báo về 'Omicron tàng hình'

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, số ca mắc biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình", sẽ gia tăng trên toàn cầu.

Theo Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Maria Van Kerkhove, trong số 4 phiên bản khác nhau của Omicron đang được cơ quan này theo dõi, BA.2 dễ lây nhiễm hơn BA.1 vốn là biến thể lây nhiễm chủ đạo hiện nay trên toàn cầu, và nhiều khả năng sẽ càng phổ biến hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nữ quan chức này cho biết, chưa có dấu hiệu về sự khác biệt liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh do BA.2 và BA.1 gây ra, và nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được thực hiện.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu "Omicron tàng hình" có khả năng gây tái nhiễm ở người từng mắc Omicron hay không.

Một nghiên cứu ở Anh ghi nhận 2/3 số người nhiễm biến thể Omicron từng mắc Covid-19 trước đó. Hầu hết các bang ở Mỹ cũng đã xác nhận có sự hiện diện của BA.2, mặc dù biến thể phụ này đang phổ biến ở mức thấp, chỉ với 460 ca mắc được ghi nhận.

Tại Đan Mạch, các nhà nghiên cứu cho biết BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn BA.1 khoảng 1,5 lần và có khả năng lây nhiễm cho những người đã chủng ngừa, thậm chí đã tiêm mũi tăng cường.

Thụy Điển tuyên bố đại dịch kết thúc

Các nhà chức trách Thụy Điển thông báo chấm dứt gần như tất cả các hạn chế liên quan đến Covid-19 từ ngày 9/2, và dừng hầu hết các xét nghiệm ngay cả đối với những người có triệu chứng nhiễm virus.

Quyết định trên được Thụy Điển đưa ra dù áp lực liên quan đến đại dịch vẫn đang đè nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước này. Từ tuần trước, Chính phủ Thụy Điển đã thông báo sẽ hủy bỏ các hạn chế còn lại - tuyên bố đại dịch kết thúc khi vắc xin và biến thể Omicron ít gây bệnh nặng đã làm giảm số người nhiễm bệnh và tử vong.

"Như chúng ta đã biết về đại dịch này, tôi sẽ nói rằng nó đã kết thúc", Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren tuyên bố với nhật báo Dagens Nyheter và khẳng định Covid-19 sẽ không còn bị coi là nguy hiểm cho xã hội.

Từ mốc thời gian 9/2, các quán bar và nhà hàng ở Thụy Điển sẽ được phép mở cửa sau 23h và không chịu hạn chế nào về lượng khách. Giới hạn về số người dự các sự kiện ở trong nhà và sử dụng thẻ vắc xin cũng được dỡ bỏ.

Nguy cơ bệnh tim ở người nhiễm Covid-19

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim, đông máu, trụy tim ở những bệnh nhân mà trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.

Phân tích của các chuyên gia thuộc Đại học Washington cho thấy, những người nhiễm Covid-19 có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cao hơn, và có thể có biểu hiện một năm sau khi nhiễm. Người bệnh có thể bị rối loại nhịp tim, suy tim, đông máu, đột quỵ, bị bệnh động mạch vành và suy giảm chức năng tim. Kể cả những người khỏe mạnh và thanh niên cũng đối mặt với những nguy cơ này.

Các chuyên gia nghiên cứu khuyến cáo, ngành y tế cùng với chính quyền các nước trên toàn cầu cần sẵn sàng đối phó với tình huống Covid-19 có thể là tác nhân lớn gây ra tình trạng gia tăng các trường hợp bị tim mạch.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/tinh-hinh-covid-19-the-gioi-10-2-who-canh-bao-omicron-tang-hinh-814466.html