Thủy điện Cần Đơn và 'khúc cộm' từ những khoản phải thu khó đòi

Công ty cổ phần Thủy điện Cần Đơn (mã cổ phiếu SJD, sàn HOSE) hiện có tới 71 tỷ đồng các khoản phải thu khó đòi ngắn hạn, chiếm tỷ trọng lên tới khoảng gần 10% trên giá trị hợp lý còn lại của các khoản phải thu ngắn hạn. Tỷ lệ nợ khó đòi cao cho thấy, đây là một trong những điểm nổi cộm trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.

Không còn hoàn nhập dự phòng, chi phí quản lý SJD tăng

Cuối tháng 6/2022, Thủy điện Cần Đơn sẽ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 và đây cũng là thời điểm quan trọng để các cổ đông và nhà đầu tư nhìn lại những thuận lợi trước mắt và cả những khó khăn mà doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt.

Thực tế, sự bất ổn định cũng được doanh nghiệp dự trù và vì thế mà Hội đồng quản trị và Ban điều hành đưa ra kế hoạch dự kiến sẽ trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới cũng không đưa ra một phương án cố định, mà là một phương án linh hoạt có thể sẽ điều chỉnh lại sau này.

Khó triển khai dự án, Thủy điện Cần Đơn (SJD) xin giãn nợ ngân hàng. Ảnh: T.L

Cụ thể, Hội đồng quản trị công ty này cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, khí hậu, thủy văn… do đó, để bám sát tình hình, điều kiện thực tế, Hội đồng quản trị đề nghị Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị công ty căn cứ tình hình thực tế để được điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Thời gian điều chỉnh trước ngày 31/10/2022.

Kế hoạch linh hoạt này một phần cho thấy doanh nghiệp cũng tỏ ra khá cẩn trọng ngay cả thực tế sau khi kết thúc quý I/2022, tình hình doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng có sự tăng trưởng khá tốt so với năm trước.

Nhìn sơ bộ kết quả kinh doanh quý I/2022, Thủy điện Cần Đơn đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là gần 78 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 58% so với kết quả đạt được năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 29,4 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với kết quả chỉ hơn 14,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Kết quả lợi nhuận tăng của Thủy điện Cần Đơn trong quý đầu năm chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn so với tốc độ tăng của giá vốn hàng bán. Cụ thể, giá vốn hàng bán trong quý I/2022 ghi nhận là 32,3 tỷ đồng, tăng trưởng 24,2%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 58% của doanh thu thuần như nêu trên. Theo đó, lợi nhuận gộp quý I/2022 đạt 46,5 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với 24,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý I/2022 lẽ ra có thể còn có thể tăng trưởng cao hơn nữa nếu không có sự tăng mạnh của chi phí quản lý doanh nghiệp. Quý I/2022, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận gần 6,6 tỷ đồng, tăng gần 154% so với cùng kỳ năm trước. Lý do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao đầu năm 2022 do năm trước công ty có một khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 5 tỷ đồng. Số tiền này được ghi giảm vào chi phí quản lý doanh nghiệp thời điểm đó.

Còn nhức nhối với nợ khó đòi

Mặc dù khoản 5 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đó đã có đóng góp phần nào cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I năm ngoái, nhưng đến thời điểm này, các con số nợ khó đòi vẫn còn để lại nhiều điểm khá nhức nhối trong bức tranh tài chính của Thủy điện Cần Đơn.

Tại thời điểm cuối quý I/2022, Thủy điện Cần Đơn có 754 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, có giảm hơn so với 803 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi vẫn ghi nhận lên tới gần 71 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lên đến 9,4%.

Tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi phải trích lập dự phòng so giá trị hợp lý các khoản phải thu ngắn hạn của Thủy điện Cần Đơn theo đó đang ở mức khá cao so với nhiều doanh nghiệp ngành điện khác. Chẳng hạn, tỷ lệ này của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VHS) chỉ là 1,06%, của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC) là 2,14% còn của Công ty cổ phần Thủy điện Nậm Mu (HJS) chỉ là 0,03%...

Ngoài vấn đề về tài chính như trên, Thủy điện Cần Đơn hiện cũng đang phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến dự án gặp khó khăn. Cụ thể, công ty con là Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà Tây Nguyên đang có Dự án Thủy điện Hà Tây không đạt các chỉ tiêu kinh tế, tài chính như nghiên cứu khả thi, nên đang gặp khó khăn trong công tác trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Hiện nay, công ty đang phải đàm phàn với ngân hàng cho vay để kéo dài thời gian trả nợ so với với hợp đồng đã ký trước đây và giảm biên độ lãi nhằm tạo điều kiện cho dự án trả được nợ gốc và lãi vay.

So sánh tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi trong số một số doanh nghiệp thủy điện tại thời điểm cuối quý I/2022

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuy-dien-can-don-va-khuc-com-tu-nhung-khoan-phai-thu-kho-doi-107022.html