Thượng tôn pháp luật - Góc nhìn từ khiếu nại, tố cáo

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tốt, kịp thời xử lý và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của tổ chức, cá nhân. Số lượng vụ việc khiếu nại đông người đã giảm, phần lớn các vụ khiếu nại bức xúc, gay gắt, kéo dài cơ bản đã được giải quyết; không để xảy ra điểm nóng mới, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, trong vấn đề khiếu nại, tố cáo từng lúc vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc yêu cầu, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân được nhiều cơ quan, địa phương thụ lý đạt kết quả tích cực. (Ảnh minh họa).

Nhận diện hạn chế

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc tham mưu, giải quyết vụ việc của một số đơn vị còn có nội dung chưa đảm bảo quy định như: phân loại, xử lý đơn không chính xác (đơn khiếu nại, tố cáo nhầm lẫn với đơn kiến nghị, phản ánh; sai thẩm quyền giải quyết...) dẫn đến giải quyết không đúng trình tự, thủ tục phải giải quyết lại hoặc hủy quyết định thụ lý, quyết định giải quyết.

Cùng với đó, chất lượng tham mưu giải quyết đơn thư của một số phòng, ban cấp huyện, đơn vị cấp xã còn hạn chế, giải quyết một số vụ việc thuộc thẩm quyền chưa đảm bảo trình tự, thời gian theo quy định; một số vụ việc chưa tập trung giải quyết dứt điểm, chưa xem xét hết các căn cứ, đề nghị công dân nêu ra. Một số vụ việc kiến nghị, phản ánh của công dân nhưng việc giải quyết chỉ dừng lại ở biên bản làm việc với công dân, chưa ban hành văn bản giải quyết, trả lời công dân. Một số vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, công dân không đồng ý nhưng không khởi kiện ra tòa án mà tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan hành chính, không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đã có hiệu lực thi hành. Một số quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được tổ chức thực hiện dứt điếm...

Theo phân tích của UBND tỉnh, những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân khách quan, là hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, một số địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ. Có vụ, phòng, ban chuyên môn cấp huyện chưa tập trung xem xét, chậm báo cáo kết quả xác minh dẫn đến công dân bức xúc, gửi đơn vượt cấp. Việc thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính Nhà nước có thiếu sót, vi phạm nên phát sinh khiếu nại, tố cáo...

Việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính, theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua vẫn có những đơn vị chưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về công khai, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, việc thực hiện các chế độ chính sách an sinh xã hội... dẫn đến công dân bức xúc, phát sinh khiếu kiện, khiếu nại.

Quyền lợi gắn liền với nghĩa vụ

Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng, mục đích của khiếu nại chính là nhằm đảm bảo cho các quy định pháp luật liên quan tới các quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, công dân được thực hiện nghiêm chỉnh; giúp hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức Nhà nước có hiệu quả, các quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật được sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật có thể xảy ra từ phía những người thực thi công vụ... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tốt, kịp thời xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng hiểu chưa đúng về quyền khiếu nại, tố cáo của người dân, làm cho hoạt động khiếu nại, tố cáo phát sinh nhiều biến tướng, phức tạp; khiếu nại, tố cáo, cung cấp thông tin sai sự thật vẫn còn diễn ra. Mục đích của việc khiếu nại, tố cáo trước hết là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại khỏi bị xâm hại bởi những việc làm, những quyết định, chính sách trái pháp luật của các cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, đã qua có khá nhiều trường hợp lạm dụng khiếu nại, tố cáo để rồi quyền lợi bản thân không được pháp luật bảo vệ mà còn rước họa vào thân.

Bởi lẽ, bên cạnh quyền, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Vì vậy, khi làm đơn tố cáo, người tố cáo phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng, có chứng cứ xác đáng và đặc biệt, không thể vì động cơ cá nhân, trả thù người có mâu thuẫn với mình, hay vì một sự cạnh tranh, đố kỵ... mà làm đơn tố cáo, vu khống, làm mất uy tín, danh dự, thậm chí gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những hình thức để bảo vệ có hiệu quả lợi ích của tập thể, của công dân, qua đó xóa bỏ những mâu thuẫn, bất đồng trong mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân và giữa Nhân dân với Nhà nước. Vì vậy, nó mang ý nghĩa giáo dục nhiều hơn trừng phạt. Ðể khiếu nại, tố cáo thật sự hiệu quả, theo đúng bản chất của nó, thì việc hiểu đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ khi thực hiện khiếu nại, tố cáo là điều quan trọng./.

Văn Ðum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thuong-ton-phap-luat-goc-nhin-tu-khieu-nai-to-cao-a28889.html