Thượng tôn pháp luật

Chuông điện thoại reo, tiếng của vợ tôi: 'Chiều nay anh không được la cà đâu nhé. Anh về nhà vì có chú Bản ra, trông chú rất buồn'... Chú Bản là người hàng xóm ở quê. Năm 1989, vợ chồng chú Bản cùng cha mẹ tôi từ ngoài Bắc vào Tây Nguyên khai hoang làm rẫy và xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định cho đến nay. Hôm trước chú có mời vợ chồng tôi về dự đám cưới em Thắm-con gái đầu của chú, hôm nay chú ra tận nhà tôi chắc có việc gì quan trọng. Nghĩ vậy, tôi thu xếp công việc về nhà sớm.

Sau bữa tối, bên tách trà, chú Bản nói với tôi: “Đầu tháng 4-2023 vừa qua, chú cần xây dựng một gian hàng sửa chữa cơ khí với diện tích 80m² (kết cấu bằng xà gồ, lợp tôn...). Vì suy nghĩ giản đơn rằng xây dựng giữa khuôn viên đất của nhà mình nên chú không xin phép chính quyền địa phương. Trong khi đang thi công thì lực lượng chức năng của xã đến lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ... Chú đề nghị cho gia đình 3 ngày để tự tháo dỡ nhưng ông chủ tịch UBND xã ra lệnh cưỡng chế tháo dỡ “ngay và luôn”, thu hồi tang vật đưa về UBND xã tạm giữ “để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội”. Chú yêu cầu phải có quyết định cưỡng chế, nhưng chủ tịch UBND xã lại nói: "Ở đây, tôi là người có thẩm quyền cao nhất, tôi ra lệnh cưỡng chế tháo dỡ công trình thì đó chính là lệnh cưỡng chế...". Chú biết mình đã sai khi xây dựng không phép và định bụng sẽ tự giác tháo dỡ, khắc phục hậu quả, nhưng chú băn khoăn việc cưỡng chế như vậy có đúng pháp luật không?”, chú Bản hỏi tôi.

Đêm đó, tôi đã dành thời gian để xem kỹ tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc, đối chiếu với những quy định của pháp luật, tham khảo ý kiến một số luật sư thì thấy việc ông chủ tịch UBND xã tổ chức cưỡng chế hành chính đối với hộ gia đình chú Bản như đã nói là không bảo đảm căn cứ pháp lý, không đúng trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đất đai; Luật Xử phạt vi phạm hành chính; Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính... Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, lấn chiếm đất đai trong phạm vi quản lý của địa phương thì chủ tịch UBND xã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ấn định thời hạn buộc tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng đất... Nếu quá thời hạn trên mà người vi phạm không thực hiện thì chủ tịch UBND xã ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế theo đúng trình tự, thủ tục. Trong trường hợp này, có mặt tại hiện trường, chủ tịch UBND xã kiên quyết chỉ đạo tháo dỡ công trình “ngay và luôn”, đưa tang vật về UBND xã tạm giữ mà chưa có quyết định cưỡng chế, không để người vi phạm tự giác khắc phục hậu quả là không đúng quy định.

Thiết nghĩ, các quy định của pháp luật nói chung, các quy định trong công tác quản lý hành chính về đất đai nói riêng cần được tuân thủ chặt chẽ, bảo đảm tính hiệu lực và thượng tôn pháp luật. Người dân vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, nhưng cán bộ công quyền chỉ được thực hiện những gì mà pháp luật quy định, không thể hành xử theo kiểu “gặp đâu làm đó” như hành vi hành chính của ông chủ tịch UBND xã nói trên, tránh tình trạng người dân thắc mắc, khiếu kiện...

ĐÀO KHOA THỨC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/thuong-ton-phap-luat-746818