Thường Tín bứt phá huyện nông thôn mới nâng cao

Thời gian qua, huyện Thường Tín đã vươn lên trở thành 'điểm sáng' của thành phố Hà Nội trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Với rất nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nhiều xã trên địa bàn huyện Thường Tín đã cán đích xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần đẩy nhanh tiến độ “về đích” nông thôn mới nâng cao năm 2024 của huyện.

Xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín) rực rỡ cờ, hoa chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và thành phố. Ảnh: Mai Nguyễn

Đổi thay toàn diện

Có dịp đến huyện Thường Tín trong những ngày cả nước đang náo nức kỷ niệm các ngày lễ lớn: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4); Quốc tế lao động (1-5); 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, làng quê huyện Thường Tín được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu đẹp mắt.

Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, hạ tầng nông thôn ở các xã của huyện Thường Tín đều có nhiều đổi thay theo hướng khang trang hơn, hiện đại hơn; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đủ đầy hơn.

Tại xã Hòa Bình (huyện Thường Tín), tất cả thôn của xã đều có nhà văn hóa. Trong đó, riêng thôn Thụy Ứng, 4/4 xóm có nhà văn hóa khang trang; 100% các thôn đều có điểm vui chơi công cộng có thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân; phong trào văn hóa, thể dục - thể thao được tổ chức thường xuyên.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, địa phương đã huy động được hơn 356 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, góp phần tạo động lực rất lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Quất Động (xã Nguyễn Trãi) đang tạo việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Mai Nguyễn

Tại xã Nguyễn Trãi, nhờ phát triển tốt ngành nghề mà toàn bộ lao động trong các thôn đều có việc làm và thu nhập ổn định. Cụm công nghiệp Quất Động (nằm trên địa bàn xã) đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Chưa kể, xã còn có 3 làng nghề thêu may truyền thống là: Xóm Bến, thôn Gia Khánh và thôn Đình Tổ, nhiều lao động lớn tuổi cũng có thể vừa ngồi chơi, vừa thêu để có thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Tuấn Chỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Mộ (xã Nguyễn Trãi) phấn khởi chia sẻ, nông thôn mới đã giúp địa phương thay đổi ngoạn mục. Hạ tầng hoàn thiện, người dân địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Ở Nguyễn Trãi, các lao động có sức khỏe đều có thể kiếm được tiền, không ai thất nghiệp.

Trong khi đó, tại xã Hiền Giang, từ thành quả xây dựng nông thôn mới, an ninh nông thôn ngày một tốt hơn. Mới đây, khi “chấm điểm” xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 với tiêu chí quốc phòng và an ninh, xã không có công dân cư trú phạm tội nghiêm trọng; không xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; không xảy ra cháy nổ; không có điểm nóng nổi cộm, phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội. Hiền Giang đã lắp đặt 28 camera an ninh tại các ngã ba, ngã tư giao thông và 320 camera của nhà dân hai bên đường, góp phần bảo đảm an ninh trật tự…

Người dân xã Hiền Giang phát triển nghề tạc tượng truyền thống. Ảnh: Mai Nguyễn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, năm 2023, huyện đã có 11 xã được thành phố đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Với kết quả trên, lũy kế đến nay, toàn huyện có 17/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 60,71% tổng số xã trên địa bàn huyện.

Người dân chung sức, hài lòng

Kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các xã của huyện Thường Tín nhận được sự hài lòng rất cao của người dân.

Tại xã Chương Dương, qua lấy ý kiến với 19 câu hỏi, 100% người dân hài lòng. Ông Vũ Ngọc Anh, Bí thư Chi bộ thôn 5 (xã Chương Dương) phấn khởi nói: "Chương Dương ngày xưa khó khăn vô cùng. Hạ tầng thiếu thốn, đường sá đi lại vất vả... Nay xã đã có bứt phá ngoạn mục, có trường, trạm, nhà văn hóa khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Đội ngũ cán bộ xã có năng lực, nhiệt huyết với phong trào; nhân dân năng động phát triển kinh tế... Chúng tôi rất hài lòng với kết quả đạt được".

Sân bóng xã Duyên Thái - nơi rèn luyện thể thao của nhiều thanh niên địa phương. Ảnh: Mai Nguyễn.

Còn theo Bí thư Chi bộ thôn An Lãng (xã Văn Tự) Nguyễn Đức Viễn, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mong muốn của bà con sau khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND xã Văn Tự Đào Hồng Thái cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao, địa phương đã sáng tạo nhiều mô hình như “camera hạnh phúc”; trao giấy khai sinh, khai tử tại gia đình; đăng ký hộ tịch lưu động; lập di chúc, dự họp gia đình phân chia thừa kế và tài sản lưu động… giúp người dân thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính và xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy, trách nhiệm, thân thiện, gần dân…

Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, kinh tế xã hội phát triển, người dân Thường Tín bày tỏ hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương. Ảnh: Mai Nguyễn

Ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, Thường Tín là điểm sáng của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới với những bứt phá mạnh mẽ.

Có được kết quả trên, theo ông Ngôn là nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. “Minh chứng cho thấy, ở đâu cán bộ tâm huyết, trách nhiệm; người dân đồng lòng, đoàn kết thì ở đó nông thôn mới khởi sắc…”, ông Ngọ Văn Ngôn nhìn nhận.

Trong Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy Thường Tín, địa phương xác định mục tiêu phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao, Thường Tín xác định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ngay trong năm 2024, sớm trước 1 năm so với kế hoạch ban đầu đề ra.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-tin-but-pha-huyen-nong-thon-moi-nang-cao-664830.html