Thưởng Tết: Khó cũng nên có

Mặc dù thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động, nhưng với người lao động, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ai cũng đều mong ngóng khoản tiền này.

(Ảnh minh họa).

Cuối năm Âm lịch gặp nhau, nhiều người rôm rả chuyện lương, thưởng Tết. Thưởng Tết Dương có không? Tết Âm thì được bao nhiêu? Phần mở đầu câu chuyện như vậy khá quen thuộc với nhiều NLĐ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thông thường, sau một năm lao động miệt mài, Tết là khoảng thời gian NLĐ mong ngóng, kỳ vọng vào những khoản lương, thưởng Tết mà mình được hưởng để có thêm nguồn lực chăm lo cho gia đình vui Xuân, đón Tết. Đặc biệt là để có thêm một khoản chi tiêu cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao hơn so với ngày thường.

Để mang đến niềm vui, đáp ứng sự kỳ vọng, chăm lo tốt hơn đời sống NLĐ, nhất là trong dịp Tết, ngay từ cuối năm 2023, các ngành chức năng, nhà quản lý đã có nhiều động thái tích cực nhằm sớm có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp dành sự quan tâm đến NLĐ. Trong đó Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... đã có nhiều văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình lương, thưởng Tết năm 2024 của doanh nghiệp đối với NLĐ.

Tại Thái Nguyên, theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 1-2023 đã có 211 doanh nghiệp có báo cáo dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, với tổng số hơn 106.500 NLĐ được thưởng Tết. Mức thưởng bình quân đạt hơn 7,6 triệu đồng/người, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 861 nghìn đồng. Trong đó, một đơn vị thuộc nhóm doanh nghiệp dân doanh dự kiến chi thưởng cá biệt cao nhất 130 triệu đồng/người. Tuy nhiên, mức thưởng cao nhất này vẫn thấp hơn 20 triệu đồng so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Dù vậy, mức thưởng Tết này được cho là phù hợp với “sức khỏe” của nền kinh tế và doanh nghiệp trong năm 2023. Nhưng qua con số thống kê tình hình kinh tế có thể thấy, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn, cố gắng trong điều kiện có thể để hỗ trợ, đáp ứng phần nào mong mỏi của NLĐ.

Căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mức thưởng Tết có thể cao hơn, thấp hơn so với năm trước, hay chỉ có “chút” động viên nhưng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Chủ một doanh nghiệp trong ngành Thép chia sẻ: Năm qua, biến động của tình hình thế giới, trong nước cộng thêm khó khăn về thị trường, nguyên liệu đầu vào khiến Công ty kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, với phương châm khó mấy cũng phải để NLĐ có Tết, chúng tôi vẫn cố gắng thu xếp để anh em lao động được nhận một khoản động viên trong dịp Tết đến, Xuân về.

Theo truyền thống vốn có, việc thưởng Tết không chỉ là hành động động viên và phần thưởng giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ, mà gần như đã trở thành một phần không thể thiếu trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Thưởng Tết không chỉ mang lại lợi ích về mặt tài chính, mà còn đồng nghĩa với sự chăm sóc đến an sinh xã hội với nhóm đối tượng làm công ăn lương, đặc biệt là những NLĐ phổ thông. Đồng thời là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì và củng cố các mối quan hệ lao động và sản xuất, để NLĐ yên tâm gắn bó với công việc, đơn vị.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202402/thuong-tet-kho-cung-nen-co-7ad1463/