Thưởng Tết cho người lao động

Chưa năm nào như năm nay, công nhân nghỉ làm ngày thứ Bảy như công chức nhà nước, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của doanh nghiệp dài cả tháng và công bố từ đầu tháng 12 Dương lịch. Tết luôn là mùa chạy đua với đơn hàng, sản phẩm, tiến độ, nhưng năm nay điều đó trở thành xa lạ. Doanh nghiệp đang phải lăn mình giữa những lằn ranh tài chính khó khăn. Nên chuyện thưởng Tết cho người lao động, tuy không mới, đang có nhiều cung bậc cảm xúc…Trong cân nhắc giữa tiền lương, thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án cho người lao động nghỉ Tết sớm, nghỉ không lương vì doanh nghiệp nghỉ Tết dài nhưng người lao động vẫn được thưởng Tết.

Nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất chú trọng việc “giữ chân” bộ phận người lao động. Ảnh: Mai An

Nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng rất chú trọng việc “giữ chân” bộ phận người lao động. Ảnh: Mai An

Bức tranh Tết của người lao động

Khắp ngõ phố, công nhân nghỉ làm ngày thứ Bảy và cả các ngày khác trong tuần. Điều này vẽ lên bức tranh sức khỏe của doanh nghiệp không tốt. Những vết loang khủng hoảng kinh tế đang lan dần đến từng tế bào nhỏ nhất của xã hội là gia đình. Những ngày bận bịu tăng ca để có thêm thu nhập của người lao động không còn nữa. Nguồn thu nhập của họ giảm đáng kể, chi tiêu bị thắt chặt. Mọi thứ càng chật hẹp và bức bối hơn khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Một cái Tết eo hẹp tiền bạc đang hiện rõ hình hài. Những kế hoạch cho dịp Tết cần chi phí đang được dần loại bỏ và cân đong đo đếm cẩn thận. Và người lao động, vẫn trông chờ một tia hy vọng mong manh mang tên thưởng Tết.

Thưởng Tết – sớm và thấp thỏm

Doanh nghiệp còn cầm cự hoạt động đến giờ này, đang ở trong vòng xoay tiền thưởng Tết. Câu hỏi mà mọi người thường hỏi nhau dịp này hàng năm là “thưởng mấy tháng lương?”. Năm nay câu hỏi có vẻ khiêm tốn và rụt rè là “có thưởng Tết hay không?”.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, “thưởng” là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Người lao động sau một năm làm việc chăm chỉ những mong cuối năm được thưởng để có thêm một khoản thu nhập. Đó là nguồn động lực để người lao động chăm chỉ làm việc hơn. Nó còn là sợi dây ràng buộc người lao động ở lại với doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm khan hiếm lao động, nhiều công việc. Như luật bất thành văn, người lao động thường nghỉ việc sau Tết Nguyên đán, mùa tháng 4 trở thành mùa tuyển dụng hàng năm.

Năm nay, mọi thứ không còn như cũ. Người lao động mơ hồ nghĩ đến thưởng Tết, bởi vì với họ, bây giờ được đi làm đủ công đã là hạnh phúc. Doanh nghiệp càng trăm mối tơ vò.

Cuối năm công nợ, lương nhân viên, quà Tết ngoại giao… trong khi đơn hàng dường như không có, sản xuất kinh doanh dường như đang ngưng lại. Thưởng hay không thưởng là câu hỏi khó trả lời đầu tiên.

Thưởng bao nhiêu để cân bằng mọi thứ cho doanh nghiệp và người lao động là câu hỏi cân não. Mỗi doanh nghiệp cuối cùng cũng sẽ có phương án riêng của mình, tùy thuộc vào mục tiêu tài chính, văn hóa ứng xử của doanh nghiệp với người lao động.

Ứng xử của doanh nghiệp với người lao động

Bằng nhiều cách tính toán, doanh nghiệp sẽ chọn phương án tối ưu nhất cho người lao động và doanh nghiệp. Trong cân nhắc giữa tiền lương, thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án cho người lao động nghỉ Tết sớm, nghỉ không lương vì doanh nghiệp nghỉ Tết dài nhưng người lao động vẫn được thưởng Tết.

Đây là một sự sắp xếp nhân văn và phù hợp. Người lao động nghỉ sớm có thể về quê khi chi phí đi lại chưa quá đắt đỏ như phải chờ đến những ngày giáp Tết. Người lao động được nghỉ có thể toàn tâm đi làm công việc thời vụ dịp Tết, tranh thủ buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Doanh nghiệp thì tiết kiệm được một khoản chi phí vận hành đáng kể. Thưởng Tết còn giúp cho người lao động có sự khuyến khích, động lực để trở lại làm việc sau dịp Tết, khi đơn hàng có trở lại.

Với những doanh nghiệp lựa chọn không trả thưởng Tết cho người lao động thì cần lưu ý về cách ứng xử sao cho phù hợp quy định pháp luật và nhận được sự đồng thuận, sẻ chia từ người lao động. Bộ luật Lao động quy định quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Doanh nghiệp cần rà soát lại các quy chế thưởng của mình để có những hành động phù hợp với quy định pháp luật và cam kết của doanh nghiệp với người lao động. Không thể vì khó khăn, vì thiếu thốn mà doanh nghiệp tùy ý không trả thưởng Tết cho người lao động mà không tuân thủ các quy định đã ban hành hay là không thông báo cho người lao động.

Nếu quy chế có quy định điều gì cứng nhắc hoặc là khó xử cho doanh nghiệp trong trường hợp như năm nay thì đây là cơ hội để doanh nghiệp xem xét, sửa đổi lại các quy định cho phù hợp và linh hoạt.

Điều quan trọng hơn là dù doanh nghiệp năm nay có thưởng Tết hay không thì vẫn phải có được sự truyền thông nội bộ thật tốt đến người lao động. Người lao động cần hiểu được những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp. Những gì doanh nghiệp làm là sự số gắng hết sức để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Được như thế, người lao động sẽ đồng thuận với quyết định của doanh nghiệp.

Sự thành công và tồn tại của doanh nghiệp cho đến giờ phút này không thể không có sự đóng góp công sức của người lao động. Họ xứng đáng được nhận những giá trị đã làm cho doanh nghiệp. Thưởng Tết hay không thưởng Tết thì doanh nghiệp cũng cần có những lời phù hợp để người lao động thấy được sự trân trọng.

Người xưa nói “của cho không bằng cách cho”. Trong thời điểm này ứng xử của doanh nghiệp về thưởng Tết là một trong những cách để xây dựng lòng tin đối với người lao động mà ít tốn công sức nhất. Khi người lao động có được lòng tin với doanh nghiệp, họ sẽ lao động năng suất cao hơn, an toàn hơn và giảm bớt việc phiền toái làm ảnh hưởng đến mối quan hệ nội bộ, hình ảnh doanh nghiệp trong mắt đối tác, khách hàng.

Ở mức độ cao hơn, cách ứng xử của doanh nghiệp giúp người lao động hiểu được doanh nghiệp sâu hơn. Người ta nói, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “trải qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”… Trong cái khó lại ló cái khôn, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để xây dựng giá trị nội tại doanh nghiệp.

Giá trị doanh nghiệp không đơn giản chỉ nhìn thấy ở những con số vốn pháp định, vốn điều lệ, giá cổ phiếu, báo cáo tài chính hàng năm… Giá trị doanh nghiệp còn nằm một phần lớn ở nguồn nhân sự tận tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp. Bởi vì suy cho cùng những thứ có thể tính được bằng tiền, những con số thật đẹp để đối tác có thể an lòng hợp tác đầu tư hay làm bạn hàng đều được làm ra bởi nhân sự của doanh nghiệp ở tất cả bộ phận.

Người lao động hài lòng, vui vẻ sẽ mang nguồn năng lượng tích cực đó vào giá trị sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán hàng, dịch vụ không chỉ bán giá trị hàng hàng hóa, dịch vụ mà còn bán cả cảm xúc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Thưởng Tết cho người lao động thời khủng hoảng kinh tế không chỉ là tiền thưởng mà còn là giá trị nhân văn trong cách ứng xử của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Phan Thị Ngọc Thắng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuong-tet-cho-nguoi-lao-dong/