Thương nhớ rẻo cao

Sáng sớm mùa đông lẻn qua khung cửa sổ, hắt tia nắng chào đón bình minh. Cái lạnh khe khẽ len vào tấm chăn, mang theo tiếng xuýt xoa, sột soạt tỉnh dậy của cô giáo vùng núi. Bàn chân nhỏ, mon men đặt xuống nền nhà lạnh buốt. Giờ này chắc lũ trẻ cũng đã lục tục dậy, chuẩn bị những đồ đạc cần thiết để đến trường. Dường như cái lạnh vùng núi lúc nào cũng buốt và thấm nhanh hơn vào từng sợi tóc, làn da. Nó làm cho mọi hoạt động bị chậm lại. Mỗi sáng như thế, cô giáo chỉ muốn vùi mình trong tấm chăn ấm, ngủ thêm một chút để lấy lại năng lượng vừa mới mất hôm qua. Nhưng nghĩ tới đàn con thơ, đang chờ mình dưới lớp học, cô giáo lại nhanh nhẹn, cuộn chăn và băng băng ra sân làm thủ tục của buổi sáng.

Lớp học miền núi. Ảnh: TRẦN TRỌNG LƯỢM

Lớp học miền núi. Ảnh: TRẦN TRỌNG LƯỢM

Không khí buổi mai với sương mù bao quanh. Giờ này con gà rừng đã tới bên bìa núi tìm thức ăn. Những người nông dân Mèo đeo chiếc gùi lên nương. Thoảng trong gió có tiếng ai đó thổi khèn lá, âm thanh du dương, mượt mà như níu gọi bước chân người con gái xuân thì nơi bản làng. Những nôn nao tháng mười một cứ âm thầm, róc rách chảy trong trái tim bé nhỏ của cô giáo vùng cao. Ngước lên nhìn ánh mặt trời đang len lỏi trong đám cây rậm, cố chui ra khỏi đám sương ướt đẫm, cô rướn cổ hít hà mùi hoa núi rừng ban sớm. Không khí trong lành cũng khiến người ta dễ chịu hơn. Đã một tuần nay, tiếng khèn lá trái giờ cứ làm cô giáo không thôi nghĩ mông lung. Không lẽ nào lại có thanh niên trai tráng nào mới về đây.

Buổi sáng đầu tuần, chiếc xe honda chất đầy những đồ đạc. Nào chiếu gối, mùng mền, một ít thức ăn khô dự trữ. Sách vở, giáo án, một ít quần áo cũ được các chị ở dưới xuôi mới gom về từ tuần trước. Chiếc xe nặng trĩu, lắc lư khi đi qua những con đường mòn dốc đá. Chỉ chực rơi nhào xuống phía dưới vực sâu thăm thẳm. Ban đầu, đến vùng này, đối với cô giáo đó là một nỗi sợ hãi kinh hoàng. Nhưng bây giờ, sau bao tháng ngày vật lộn nơi đây, cô dần dà thấy quen, thấy yêu thương lũ nhỏ nơi rẻo cao này. Muốn được cùng chúng đi qua hết mùa đông, mùa xuân, mùa thu hay cả những ngày hạ thảnh thơi. Mặc dù được nghỉ để về xuôi nhưng cô cũng nán lại mấy hôm, sắp xếp cho lũ nhỏ đâu vào đấy, rồi mới yên tâm rời xa bản nhỏ.

“Chỉ có những người giáo viên tha thiết yêu nghề, yêu lũ trò nhỏ và yêu khung cảnh heo hút nơi vùng núi này, mới có thể ở lại nơi đây lâu như thế.” Anh kỹ sư xây dựng vừa nói, vừa cười khi nhìn cô giáo lấm lem trong bộ quần áo mưa đến trường. Phía dưới chân là đôi ủng màu xanh lá cây, bàn tay nhăn nheo lại vì lạnh. Anh chỉ muốn đến bên, thổi phù phù hơi ấm vào tay mình để áp vào má cho cô giáo bớt lạnh. Nhìn người con gái yếu ớt như cánh hoa rừng mỏng manh trong gió, anh lại thấy thương. Chỉ mong công trình làm đường còn lâu và dài, để được cùng cô giáo đến trường mỗi ngày, nghe lũ trẻ ê a học bài, cùng nhau chơi trò chơi, lén trộm nhìn nét cười hiền của cô giáo qua khung cửa sổ.

Trường học được đầu tư thêm kinh phí, có nước sạch, chỗ ăn uống, có cả chỗ nghỉ ngơi ban trưa cho các em. Những em nhà xa trường, có thể ở lại ban đêm. Trong dãy nhà dài dành cho giáo viên, cô giáo trẻ cũng được phân công một phòng nhỏ, để sinh hoạt, dạy thêm cho các em mỗi tối. Điều kiện vật chất cũng được thay đổi nhiều hơn. Gặp hôm nào thời tiết quá lạnh, cô trò được quây quần bên nhau, quanh bếp lửa hồng, nướng củ khoai, củ sắn. Bây giờ, mỗi sáng nhìn lên rẻo cao, đã thấy những cây rau cải, bắp cải, su hào được trải dài, một màu xanh mướt mắt.

Hôm nay tình cờ ngồi với nhau bên suối, cô giáo mới biết tiếng khèn lá da diết kia là của anh kỹ sư. Anh cũng sinh ra và lớn lên ở một vùng núi rẻo cao như nơi cô giáo đang công tác. Ở quê anh, những mùa như thế này, trai làng sẽ đem khèn lá ra thổi, để tâm tình những lời tha thiết, mến thương cho người con gái mình để ý. Cô giáo biết rõ điều đó, nên thẹn thùng, giấu kín nụ cười duyên. Mùa hiến chương đang về trên rẻo cao, anh kỹ sư mang hết can đảm, mua quà tặng cho cô giáo.

Dưới chân đồi, lũ nhỏ đang ríu ran, chia nhau những chiếc bánh, gói quà mới được chuyển lên từ phương xa. Gió thổi nhè nhẹ, nhưng có lẽ không làm người ta thấy buốt. Trong gió thoang thoảng lời yêu thương thầm thì. Vảng vất những nỗi niềm nơi rẻo cao...

Thụy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/thuong-nho-reo-cao-a714f65/