Thương nhau tìm về

1. Buổi sớm ngày cuối tuần, cuối tháng, cuối năm, ông Mai gọi điện như ra lệnh cho hai người bạn phải lên rừng với mình. Đi bằng xe của ông Tài. Vì là ngày cuối tuần, cuối tháng, cuối năm nên hai người bạn đến ngay, mặc dù cả năm không sao hẹn gặp nhau được. Ngồi trên xe, ông Mai giữ im lặng, còn hai người bạn lần lượt kể chuyện gia cảnh.

Tranh minh họa: Hằng Xuân

Tranh minh họa: Hằng Xuân

- Cái năm vừa qua… Không, từ cái hồi Covid-19 ấy, tôi chả nhận được một công trình nào ra hồn các ông ạ, nợ chồng nợ thành ra phá sản… Tôi lặn lội đi tìm việc hết trong Nam rồi ra Bắc, thấy nhiều chủ doanh nghiệp còn thảm hơn mình. Bạn tôi có người đang đòi nhảy cầu vì Tết rồi không có tiền trả lương cho công nhân đây…

Không đợi cho ông Bảo - doanh nhân - dứt lời, ông Tài lái xe buông hơi thở dài:

- Tôi cũng vay nợ mua được con xe để chạy, nhưng Covid-19 làm cho tôi chỉ biết có chạy… nợ, rồi chạy… chủ nợ. Bán xe để trả nợ không được, vợ chồng tôi bạc tóc…!

- Khủng hoảng kinh tế, hậu Covid-19 làm bọn mình từ chết đến bị thương, chỉ có người làm công ăn lương như ông Mai mới không bị sao thôi. Phải không ông?

Ba người bạn ngậm ngùi nhìn nhau. Hai người bạn chất vấn:

- Sao ông không nói gì hết vậy? Mà sao hôm nay lại rủ bọn này lên rừng? Đi để xả stress hả?

Ông Mai ngồi ở băng dưới, nghe hai người bạn than thở một lúc mới trả lời:

- Đúng rồi, đi xả stress, mà có khi là đi tìm cách giải cứu bản thân đấy các ông ạ!

Hai người bạn ngồi phía trên nhìn nhau rồi nhìn nụ cười thoáng qua của ông Mai:

- Giải cứu bản thân? Chuyện này… lạ…

2. Xe chạy thẳng lên Định Quán, theo định vị trong điện thoại của ông Mai. Qua rất nhiều khu rừng cao su, giá tỵ, đến một ngọn đồi thoai thoải, hoang sơ, ông Mai rủ ông Bảo xuống đi bộ vì đường lên dằn xóc quá. Vừa đi ông Mai vừa kể chuyện về chủ nhân của quả đồi này:

- Mình đang đến một hoa viên còn dở dang của một nhà văn, người sinh cùng thời với bọn mình đấy. Khi có dịch Covid-19, ông ấy quyết định bỏ phố lên rừng, một mình gầy dựng cơ sở này, với mục đích làm nơi thư giãn, giải tỏa tinh thần cho chính ông và gia đình, người thân. Nhưng tiếc là sức người có hạn, ông ấy không được nhìn thấy thành quả của mình làm ra. Và cũng may là… ông ấy không phải thấy công trình của mình trở nên hoang phế… như thế này…

- Ôi trời, vậy à ông Mai?

Doanh nhân Bảo ngỡ ngàng nhìn dinh cơ đẹp đẽ mà hoang liêu đang mở ra trước mắt mình. Ông Tài ngồi trong xe hạ kính xuống và kêu to:

- Ông Mai nói to to lên một chút cho tôi nghe với. Ông nhà văn này tên là gì, từ đâu tới?

- Ổng tên Vinh, cũng là bạn học của tôi nhưng là thời sinh viên, bạn bè bặt tin nhau lâu lắm rồi... Nghe kể là ổng hơi lãng tai, nhưng sức khỏe rất tốt, cứ xăm xăm chạy xe máy từ thành phố lên đây, tự tay thiết kế và làm mọi thứ, từ chạy dây điện, đặt ống nước, cho đến trồng cây, xây hồ cá. Ổng mua được nhà gỗ của người Mường từ Tây Bắc mang về đây, rồi làm cả nhà sàn, nơi thiền định, lầu vọng cảnh… Mọi người nói là ổng làm rất có gu, mọi thứ đều rất đẹp và sang trọng…

Ông Bảo nhíu mày hỏi lại:

- Như vậy cũng không có gì quá đặc sắc để có thể thu hút du khách, mà lại ở nơi heo hút thế này…

- Đã bảo đây là nơi thư giãn, giải tỏa tinh thần, chứ có kinh doanh đâu… - Ngồi trong xe ông Tài vọng ra - Vậy là tôi đã từng đến đây rồi các ông ạ, đúng vào ngày ông ấy qua đời, tôi có đưa người nhà đến đây. Nhưng nếu đúng thì ông nhà văn mất rồi mà người nhà vẫn còn bất đồng quan điểm, nên để ông ấy ở lại đây, ông ấy được chôn trên đỉnh đồi ấy…

Ông Bảo ngỡ ngàng lần lượt nhìn hai ông bạn:

- Có chuyện ấy thật sao? Ông Mai, ý ông thế nào mà bảo tụi tui có cơ hội ở đây?

Ông Mai cười hiền:

- Các ông cứ từ từ tìm hiểu. Nói trước có khi mất hay đi…

Ba người bạn tà tà đi lên khuôn viên được bao bọc bởi hàng rào hoa tigon mọc tràn trên lưới thép. Ở cổng có bảng chữ nhỏ bằng đá hoa cương: “Hoa viên Xuân Vinh”, và một khoảng đất trống phủ đầy lá khô, lác đác hoa dại màu trắng, màu hồng. Đi qua mái lầu nhỏ phủ đầy rêu khô đen sạm là con đường dẫn xuống vườn hoa lan, nay chỉ còn lác đác lá và hoa, trông u buồn, còi cọc. Bên dưới rộng như một bình nguyên với những mảnh vườn rộng trồng chuối, bơ, sầu riêng, và con suối cạn uốn mình trầm mặc, lặng lẽ. Từ đâu có tiếng gà rừng gáy, tiếng chim sâu rù rì. Cả tiếng giun dế cựa quậy trong đất, giữa những mớ rễ cây nghe buồn buồn, xao động dưới chân.

Ba người đi vòng qua những bộ bàn ghế gỗ chơ vơ bên dòng suối, rồi theo chân nhau đi về phía những căn nhà nhỏ cất theo kiểu homestay, sau đó lần lên đỉnh đồi, nơi dựng nhà sàn và một ngôi nhà kính. Cả ba trầm ngâm đi qua những tảng đá nhỏ có khắc chữ, rồi chẳng ai bảo ai, dừng chân ngay bên một mộ phần bằng đá hoa cương đen xù xì, xung quanh còn chưa được viền keo…

- Hai người có để ý những câu trích dẫn được treo trên những chiếc cột gỗ ở đây không? Và cả những dòng chữ khắc trên đá nữa? “Yêu thương, chữa lành”, đó là cụm từ được nhắc đến nhiều lần trong hoa viên này. Cả những câu đối, câu ngạn ngữ nữa, tất cả đều hướng về rừng, về sự bình yên của tâm hồn, về hy vọng vượt thoát bất hạnh, khổ đau… Nhưng chủ nhân Xuân Vinh không phải là nhà tu hành, ông ấy là một nhà văn đã trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, và chọn đây làm nơi nương náu cho mình thôi…

Ông Mai bắt đầu giải thích với hai người bạn cùng đi, không khí trầm hẳn xuống vì không ai nói đùa hay tranh cãi gì nữa. Xa xa, có tiếng xe máy đến gần, và chẳng mấy chốc vang lên rất rõ trên con đường khấp khểnh đá. Chiếc xe Wave đã từng có màu trắng mỹ miều giờ trông không khác chiếc xe thồ, với đủ thứ đồ dùng lù lù chạy lên dốc, và dừng lại gần nơi mọi người đang đứng.

Người phụ nữ dừng xe, xốc lại trang phục rồi chạy lại chào khách. Dáng bà to cao, lam lũ, tấm lưng đã kịp còng xuống dưới đôi vai to u lên. Nhưng đôi mắt bà rất sáng, chan chứa cảm xúc, như thể của một người khác được lắp vào vóc dáng tất bật này. Hai người bạn của ông Mai e dè gật đầu chào lại, trong khi ông Mai vui mừng chìa tay ra nắm lấy bàn tay run run của bà. Ánh mắt của ông sáng lên, thoáng chút tươi vui:

- Giới thiệu với hai anh, đây là Xuân, một nửa của Hoa viên Xuân Vinh. Nhưng chị Xuân không phải bà xã của nhà văn quá cố đâu, chị cũng là một người bạn học, từ thời xa xưa… Nhưng là người tri âm tri kỷ, là người thấu hiểu cả phố thị và rừng…

Người phụ nữ cứ liên tục cúi thấp đầu xuống trước mặt khách, vẻ vụng về, lúng túng. Nhưng ông Bảo là người vốn đi nhiều nơi, quen biết nhiều giới đã nhận ngay ra đó là người phụ nữ có nhiều hiểu biết lẫn cả sự can trường và sâu thẳm yêu thương. Nên ông vội lên tiếng ngay:

- Chúng tôi cũng là bạn học của anh Mai cả chị ạ. Ngay từ lúc đặt chân đến đây, tôi cứ thắc mắc, không lẽ nơi này bị bỏ hoang không ai coi sóc, nhưng thật ấm lòng khi được gặp chị…

Đến lượt ông Tài ngỡ ngàng lên tiếng:

- Chẳng hiểu sao… tự nhiên hai ông bạn mình lại ăn nói văn hoa lịch lãm đến như vậy…?!

3. Ngồi trong gian nhà được ốp kính ba mặt, ba người bạn trầm ngâm nhìn ra ngọn đồi thoai thoải bên ngoài. Gian nhà tối giản, không có đồ đạc gì, ông Mai chỉ cho ông Tài và ông Bảo hai tấm chân dung trẻ măng được treo đối diện nhau: “Đây là ông Vinh, còn đây là bà Xuân, thời học đại học…”. Bà Xuân đang tất bật làm việc bên ngoài, với đôi ủng to không lúc nào rời chân. Hình như bà đang cố chuẩn bị cho một năm mới đang đến, thật gần không gian lặng lẽ cách biệt này. Một mình bà lo việc thay cho cả bao người…

Không để hai người bạn thắc mắc, ông Mai kể:

- Bọn tôi học cùng thời đại học, nhưng bà Xuân nặng gánh gia đình, phải nghỉ học sớm. Ông Vinh rất yêu bà Xuân nhưng không đủ sức gánh vác giúp người yêu, lại thêm bản tính nghệ sĩ nên không theo đuổi được đến cùng tình yêu ấy. Nhưng theo tôi biết, khi con cái ông Vinh lớn lên, hai vợ chồng quyết định ly hôn thì ông ấy đã đi tìm bà Xuân. Bà ấy vẫn độc thân, không có gia đình…

Ông Bảo nói nhỏ:

- Cứ nhìn bà ấy thì biết, dáng người một đời vất vả…

Bà Xuân tất tả bước vào nhà kính, trên tay bưng một khay trà, đon đả đặt lên chiếc bàn nhỏ giữa ba người. Ông Tài và ông Bảo chợt ngẩng đầu lên, bất ngờ trước hiệu ứng ánh sáng tỏa ra từ chữ “vạn” tối giản gắn trên cao. Ánh sáng tỏa xuống một vùng sáng trong như ngọc, phủ lên men sứ trắng tạo thành một kiệt tác có một không hai. Trong tiếng nhạc vang lên dìu dịu, mọi người nhìn nhau, rồi bà Xuân chợt òa lên khóc.

- Kìa, chị Xuân…

Trong lúc hai người bạn an ủi bà Xuân, ông Mai cứ chăm chăm nhìn vào chiếc điện thoại trên tay mình. Rồi trán ông giãn ra, đôi mắt vốn đã lấy được vẻ tươi sáng trở nên lấp lánh hơn, quyết tâm hơn.

- Thôi, mọi người ngồi lại đây, để tôi được công bố di ngôn của ông Vinh. Ông ấy tự quay lại rồi gửi cho tôi trước khi qua đời ít ngày, vì lúc đó đang là đỉnh cao của dịch Covid-19. Cũng tại chỗ này, ông ấy ngồi đây…

Cả bốn người cố gắng im lặng tĩnh tâm một lúc trước khi hình ảnh của người vắng mặt hiện lên trên chiếc smartphone:

“Ông Mai ơi, bạn hiền ơi! Hãy giúp tôi, nếu bạn thật lòng chia sẻ những vui buồn, những ước mong… của tôi. Tôi biết sinh mệnh tôi sắp cạn rồi, nhưng tôi chỉ như một cái cây trong khu rừng này, một bông hoa trong hoa viên này, tuân theo quy luật của cuộc đời, không có gì phải hối tiếc cả. Bạn cả đời học hành, làm việc nghiêm túc, có trước có sau, nên bạn phải thay tôi quản lý nơi này, phải làm sao cho nó trở nên có ích. Dù chỉ là giúp một người lỡ độ đường xa, hay là người muốn được an yên, được chữa lành sau bao dông bão cuộc đời… Tôi đã cố hết sức, nhưng tất cả đều dở dang. Có điều, tôi không để nợ nần cho ai. Trừ một người… Nếu bà Xuân có thu xếp được để lên đây thăm tôi, thì bạn hãy để bà ấy làm những gì bà ấy muốn, bạn nhé! Tôi đã từng mong mỏi bà ấy, từng ngày, từng ngày một… Nhưng tôi cũng biết, mình không có quyền gì, cũng không có lý do gì bảo bà ấy đến đây, ở lại đây. Chỉ vì thời còn trẻ… chúng tôi từng hẹn nhau, khi tuổi già sẽ cùng nhau về rừng tận hưởng những năm tháng cuối đời. Xuân Vinh chính là lời hứa mà tôi có thể thực hiện được, nhưng cũng như bản thân tôi đối với Xuân, chẳng được trọn vẹn…”.

Bà Xuân cố nén tiếng khóc sụt sùi:

- Anh ấy bảo những năm tháng sau này, con người không nên theo đuổi danh lợi, dục vọng nữa, mà phải được yêu thương, được chữa lành. Có như vậy, con người, cũng như vạn vật mới có lý do để tái sinh…

Ông Bảo vỗ vỗ trán:

- Tôi nhớ ra rồi, ngay gần cổng ra vào có tảng đá khắc câu thơ: “Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô”. Ông nhà văn thật là sâu sắc, và cũng biết yêu cuộc đời này biết bao…

Ông Mai gập bao da điện thoại lại, rồi từ tốn tiếp lời:

- Cho nên, tôi đưa hai ông bạn lên đây để thư giãn, nhưng cũng tìm cơ hội mới để làm việc, sao cho hài hòa giữa đời sống và tinh thần, tìm được nhiều niềm vui hơn…

Ông Tài cười tươi:

- Phải rồi. Tôi sẽ có nhiều cuốc xe đi về Hoa viên Xuân Vinh, còn ông Bảo lo quảng cáo, tìm khách hàng nha!

Trần Thu Hằng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/thuong-nhau-tim-ve-ffc1a60/