Thương mại toàn cầu năm 2023 và triển vọng năm 2024

Thương mại toàn cầu năm 2023 chứng kiến mức giảm mạnh tại nhiều nơi, phản ánh nhu cầu mua sắm yếu đi của hầu hết các thị trường trên thế giới. Dự báo năm 2024, tăng trưởng thương mại sẽ còn thấp hơn năm 2023 nhiều nữa...

Một trong những nguyên nhân được xác định chủ yếu do nguồn tiền tiết kiệm của người dân toàn cầu đang cạn kiện, cùng các điều kiện đi vay thắt chặt càng làm giảm nhu cầu mua sắm nói chung của thị trường. Tuy nhiên, thị trường xe điện và các sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn có thể chứng kiến nhiều mốc phát triển hứa hẹn mới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng thương mại thế giới dự kiến sẽ giảm từ 5,2% năm 2022 xuống chỉ còn 0,9% vào năm 2023, trước khi cải thiện lên 3,5% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000-2019. Suy giảm thương mại phản ánh nhu cầu toàn cầu giảm, gia tăng cơ cấu dịch vụ trong nước, tác động trễ của tăng giá đồng USD và gia tăng các rào cản thương mại toàn cầu. Đồng thời, điều này phản ánh tác động tổng hợp và mạnh mẽ từ sự chuyển dịch nhu cầu tiêu dùng, đồng USD tăng giá và việc gia tăng các rào cản thương mại đối với thương mại toàn cầu hiện nay.

2023: THƯƠNG MẠI SUY YẾU

Cán cân thương mại toàn cầu hiện vẫn mất cân đối nghiêm trọng do giá cả hàng hóa duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Trong trung hạn, sự mất cân bằng này có thể được kiểm soát từng bước. Tuy nhiên, các vị thế đầu tư toàn cầu đã đạt mức thấp lịch sử vào năm 2022, phản ánh mức độ rủi ro cao trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 0,8%, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý 3/2022.

Trên thực tế, thương mại và sản xuất thế giới đã suy yếu đột ngột vào quý IV năm 2022 khi tác động từ lạm phát dai dẳng và chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu có tác động tại Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nền kinh tế phát triển khác, cũng như thị trường bất động sản Trung Quốc lao đao đã làm mất đi cơ hội nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Cùng với những hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine, những diễn biến này đã đặt một bóng đen lên triển vọng thương mại.

Sự suy yếu trong thương mại dường như lan rộng, bao gồm nhiều quốc gia và một số lượng lớn các loại hàng hóa, đặc biệt là một số hạng mục sản xuất như sắt thép, trang thiết bị văn phòng và viễn thông, dệt may và quần áo. Một điểm đáng chú ý là xe hơi du lịch, doanh số bán hàng tăng mạnh vào năm 2023. Nguyên nhân chính xác của sự suy yếu chưa rõ, nhưng lạm phát, lãi suất cao, động cơ tăng giá của đồng USD và căng thẳng địa chính trị đều là các yếu tố đóng góp.

Khối lượng thương mại hàng hóa giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2023 trong nửa đầu năm 2023, nhưng dự kiến có một sự phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm (Hình 1). Sự suy yếu trong thương mại vào quý 4/2022 cũng sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ vào cuối năm

Rủi ro đối với thương mại toàn cầu năm 2023, chủ yếu bao gồm sự suy yếu mạnh một cách bất ngờ ở Trung Quốc và sự tái bùng phát của lạm phát ở các nền kinh tế phát triển, điều này đòi hỏi duy trì lãi suất cao trong thời gian dài. Mặt khác, tăng trưởng cũng có thể vượt xa kỳ vọng nếu lạm phát giảm nhanh chóng, cho phép chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Đối với thị trường lương thực, mặc dù giá có giảm, song vào tháng 8/2023, giá trung bình của sản phẩm thực phẩm cao hơn 46% so với năm 2019, trong khi giá phân bón tăng 93%. Cả hai vấn đề này đều làm giảm năng suất và tăng nguy cơ thiếu đói đối với thế giới.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu từ tháng 1/2018 đến tháng 8/2023 được thể hiện trong hình 2, với các giá trị lớn hơn 50 cho thấy sự mở rộng và các giá trị nhỏ hơn 50, cho thấy sự suy giảm (ngoại trừ chỉ số thời gian giao hàng của nhà cung cấp, trong đó các con số lớn hơn đại diện cho việc giao hàng nhanh hơn). Chỉ số PMI sản xuất chung ở mức 49,0 vào tháng 8, đánh dấu 12 tháng suy giảm liên tiếp của chỉ số này.

Chỉ số PMI dịch vụ toàn cầu ở mức 50,6 vào tháng 8/2023 nhưng vẫn có dấu hiệu giảm. Điều này cho thấy dịch vụ đã tiếp tục hồi phục, mặc dù có tốc độ còn chậm. Các con số này phù hợp với thống kê thương mại của WTO, cho thấy sự suy giảm trong giá trị thương mại hàng hóa và sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thương mại dịch vụ thương mại.

Đối với các chỉ số liên quan đến tình trạng chuỗi cung ứng, tất cả đều đã trở lại gần giá trị cơ sở là 50 điểm sau khi đã có những biến động lớn trong thời kỳ đại dịch. Điều này cho thấy rằng chuỗi cung ứng đang trở lại mức bình thường sau những gián đoạn liên quan đến đại dịch trong suốt ba năm qua. Sự giảm giá đầu vào và giá bán cũng cho thấy áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm đi.

Trong năm 2023, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thương mại toàn cầu tiếp tục là vấn đề phi toàn cầu hóa và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Yếu tố có tác động lớn nhất đến thương mại toàn cầu hiện nay chính là việc toàn cầu hóa không còn được ưa chuộng và sự suy giảm trong nhu cầu tiêu dùng trên khắp thế giới. Đặc biệt, bất chấp thực tế rằng thế giới đang cần nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Nga, khả năng sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc và sự vượt trội về tài chính và công nghệ của Mỹ, các quốc gia hiện vẫn chưa tìm ra một sự đồng thuận trong nhiều khía cạnh. Sự xa cách giữa Nga và Trung Quốc và nhiều quốc gia phương Tây đang tiếp tục tồn tại, mặc dù có những nỗ lực thay thế Nga và Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, nhưng hiện vẫn đang gây ra tác động tiêu cực lên giá năng lượng và tác động mạnh đối với kinh tế toàn cầu.

THỊ TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG BIẾN ĐỘNG LIÊN TỤC

Năm 2023, bất chấp các lệnh trừng phạt với Nga vẫn đang được duy trì, thì vai trò của Nga trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay vẫn rất lớn và khó bị thay thế. Bản thân nhóm OPEC do Arab Saudi dẫn đầu vẫn đang tiết chế nguồn cung theo hướng duy trì giá dầu ở mức cao. Về phía nguồn cầu, việc kinh tế Trung Quốc chậm phục hồi cũng đang kéo nhu cầu dầu mỏ chung của thế giới ở mức thấp trong nay.

EIA dự báo giá dầu sẽ có bước tăng từ nay đến 2024, với giá dầu thô Brent trung bình là 84,09 USD/thùng vào năm 2023 và 94,91 USD/thùng vào năm 2024, chủ yếu do bất ổn chính trị và việc cắt giảm sản lượng tự nguyện từ Ả-rập Xê-út và giảm mục tiêu sản xuất giữa các nước OPEC+ (EIA 2023). Các thành viên OPEC+ được EIA kỳ vọng sẽ giảm sản lượng dầu thô 0,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024 so với năm 2023.

Sản lượng dầu toàn cầu tăng thêm 270 nghìn thùng mỗi ngày vào tháng 9/2023 đạt 101,6 triệu thùng mỗi ngày, chủ yếu do sự tăng sản lượng ở Nigeria và Kazakhstan. Xung đột giữa Israel và Hamas không có tác động trực tiếp đối với luồng cung ứng dầu. Dưới sự tăng trưởng từ các quốc gia ngoài OPEC+, sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày và 1,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023 và 2024, tạo ra mức kỷ lục mới.

Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng mạnh lên 1,8 tỷ USD, đạt 18,8 tỷ USD vào tháng 9/2023, mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2022. Tổng sản lượng xuất khẩu dầu đã tăng thêm 460 nghìn thùng mỗi ngày, đạt 7,6 triệu thùng mỗi ngày, trong đó dầu thô chiếm 250 nghìn thùng mỗi ngày. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA, 2023), giá trung bình dầu xuất khẩu đã tăng lên 81,80 USD/thùng, thu hẹp khoảng cách giá so với dầu North Sea Dated xuống còn 12,20 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga tăng 1,8 tỷ USD lên 17,1 tỷ USD trong tháng 8, do giá cao hơn bù đắp cho lượng xuất khẩu thấp hơn. Dẫn đầu bởi sự sụt giảm trong xuất khẩu sản phẩm, tổng xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 150 nghìn thùng/ngày trong tháng trước, xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 570 nghìn thùng/ngày so với một năm trước. Xuất khẩu đến Trung Quốc và Ấn Độ giảm xuống 3,9 triệu thùng/ngày từ mức 4,7 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và tháng 5 nhưng chiếm hơn một nửa tổng khối lượng.

THỊ TRƯỜNG LƯƠNG THỰC KHÁ BÌNH ỔN

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO, 2023), chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 9/2023 đạt trung bình 121,5 điểm, gần bằng mức 121,4 điểm hồi tháng 8 và giảm với mức 124,0 của tháng 7, đây là mức thấp nhất trong 2 năm qua và thấp hơn 24% so với mức cao kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3/2022 sau khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine. Kết quả này là do sự sụt giảm giá của hầu hết các mặt hàng thực phẩm, dù giá gạo và đường tăng. Chỉ số này đã phản ánh tác động tiêu cực từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đối với thị trường lương thực đang được kiểm soát, hứa hẹn tác động ít hơn của giá lương thực đối với lạm phát toàn cầu trong năm 2023...

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Minh Đức

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuong-mai-toan-cau-nam-2023-va-trien-vong-nam-2024.htm