Thương mại toàn cầu lại lao đao vì Biển Đỏ bất ổn

Giá hàng hóa và nhiên liệu nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn do thương mại toàn cầu tiếp tục gián đoạn do tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ. Sự lo ngại của các hãng vận tải lớn

CNBC đưa tin nhiều hãng vận tải biển và tàu chở dầu lớn đã tạm ngừng dịch vụ qua Biển Đỏ sau khi phiến quân Houthi (do Iran hậu thuẫn) tấn công hơn chục tàu chở hàng từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bắt đầu vào tháng 10.

Sự lo ngại của các hãng vận tải lớn

Yang Ming Marine Transport, MSC, Maersk, Hapag Lloyd, CMA CGM và Evergreen đều thông báo họ sẽ chuyển hướng tất cả lịch trình ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và tàu hàng. Tính chung, các hãng vận tải biển này chiếm khoảng 60% thương mại toàn cầu.

Evergreen còn xác nhận công ty sẽ tạm thời ngừng nhận hàng hóa đến Israel. Orient Overseas Container Line (OOCL), một công ty con của COSCO Shipping Group (Trung Quốc), cũng ngừng nhận hàng hóa của Israel với lý do trục trặc trong khâu vận hành.

Hôm 18/12, tập đoàn dầu mỏ BP của Anh thông báo họ cũng sẽ tạm dừng hoạt động vận chuyển năng lượng qua Biển Đỏ khi lực lượng Houthi tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công. Tập đoàn tàu chở dầu Frontline cũng đang tránh Biển Đỏ.

“Sự an toàn của thủy thủ đoàn và những người làm việc thay mặt BP là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Trong bối cảnh an ninh vận tải biển ở Biển Đỏ ngày càng xấu, BP đã quyết định tạm dừng tất cả chuyến tàu qua Biển Đỏ”, BP tuyên bố.

Trao đổi với CNBC, ông Yoni Essakov, thành viên ủy ban điều hành của Phòng Vận tải biển Israel, cho hay: “Khoảng 30% hàng nhập khẩu của đất nước chúng tôi đi qua Biển Đỏ trên những con tàu container đã được đặt trước từ hai đến ba tháng. “Các nhà nhập khẩu sẽ cần tăng lượng hàng tồn kho do tình trạng bất ổn và phải trả nhiều tiền hơn để mua hàng. Một số doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi vì thời gian đưa hàng ra thị trường không cạnh tranh bằng".

Giá cước vận tải đã tăng

Các cuộc tấn công của Houthi đã kéo chi phí vận tải biển lên cao hơn. Kể từ khi chiến sự giữa Israel và Hamas nổ ra, giá cước từ châu Á đến bờ Đông nước Mỹ đã tăng 5% lên khoảng 2.497 USD/container 40 feet, theo Freightos.

Giá cước có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa khi các doanh nghiệp lớn tránh đi qua kênh đào Suez, thay vào đó đi đường vòng quanh châu Phi để qua Ấn Độ Dương, CNBC dự đoán.

Khi đi vòng, các tàu sẽ mất thêm 14 ngày di chuyển, dẫn đến chi phí nhiên liệu cao hơn. Và vì tàu mất nhiều thời gian để đến đích hơn, giải pháp đi vòng sẽ làm hạn chế công suất tàu biển. Sự chậm trễ trong việc giao tàu container và hàng hóa là không thể tránh khỏi.

Theo ông Michael Aldwell, Phó Giám đốc cấp cao tại Kuehne+Nagel, vận tải hàng hóa bằng tàu container chiếm gần 1/3 tổng vận chuyển toàn cầu. Giá trị hàng hóa được vận chuyển ước tính lên tới 1.000 tỷ USD.

Ông Aldwell nói: “Khoảng 19.000 tàu đi qua kênh đào Suez hàng năm. Công suất tàu biển sẽ giảm 20% khi tàu mắc kẹt ở Suez, có khả năng hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ chậm trễ và lượng tàu có sẵn sẽ giảm mạnh”.

Vị phó giám đốc của Kuehne+Nagel nói thêm rằng quá trình đem trả container rỗng về châu Á cũng có thể chậm trễ và điều này sẽ chỉ làm tăng thêm những khó khăn của chuỗi cung ứng.

Moody’s đã cảnh báo về nguy cơ chậm trễ trong một thông báo gửi tới khách hàng. Ông Daniel Harlid, nhà phân tích cấp cao của Moody’s, cho hay: “Tình trạng này, nếu kéo dài hơn một vài ngày, sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Các công ty bảo hiểm hàng hóa cũng đang điều chỉnh chính sách. Chi phí của các hãng vận tải và người tiêu dùng có thể sẽ tăng cao hơn nữa.

Joint War Committee, tổ chức đại diện cho các công ty bảo hiểm hàng hải tại London, nói với CNBC rằng họ đang mở rộng vùng rủi ro cao từ 15 độ Bắc lên 18 độ Bắc.

Ngoài ra, việc tàu chở hàng đi vòng cũng có thể sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Ai Cập. Nước này đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi ngành du lịch điêu đứng vì cuộc chiến Israel - Hamas.

Ai Cập hiện đang sở hữu, vận hành và bảo trì kênh đào Suez. Cơ quan quản lý kênh đào này cho biết Suez đã tạo ra doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong năm tài chính 2022 - 2023.

Quân đội các nước dường như đang tăng cường nỗ lực bảo vệ khu vực Biển Đỏ. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo binh lính Mỹ cùng với Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha sẽ thành lập một lực lượng mới để bảo vệ tàu trong khu vực.

Tùng Lâm/Economist

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thuong-mai-toan-cau-lai-lao-dao-vi-bien-do-bat-on-d44848.html