Thương mại điện tử: Xu hướng và thách thức

Báo cáo 'Thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ của Việt Nam' do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á công bố mới đây, có thể thấy tiềm năng lớn nhất trong khu vực thương mại điện tử của Việt Nam qua sự mở rộng rất lớn của nó, được dự đoán đạt tới 15 tỉ USD doanh thu vào năm nay- năm 2020. Tuy nhiên, bên cạnh con số khổng lồ đó thì lĩnh vực thương mại điện tử thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít nhưng bất cập, nếu không muốn nói là rủi ro…

Đánh giá của báo The Business Times ngày 27/1, trong 4 năm qua, khoảng 1 tỉ USD vốn tài trợ đã được rót vào khu vực thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019. Trong 2 năm qua, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự nổi lên của các bên tham gia TMĐT tại Việt Nam, như Tiki, Thế giới di động và Sendo nằm trong số những nền tảng TMĐT thành công nhất khu vực.

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng như một xu hướng

Báo cáo “Thị trường TMĐT đang bùng nổ của Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak) công bố mới đây, có thể thấy tiềm năng lớn nhất trong khu vực TMĐT của Việt Nam qua sự mở rộng rất lớn của nó, được dự đoán đạt tới 15 tỉ USD doanh thu vào năm nay - năm 2020.

Cụ thể hơn, về mặt doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng của TMĐT ở Việt Nam tăng 30% vào năm 2018, đạt mức cao với khoảng 8 tỉ USD. Số người tham gia TMĐT tăng cao kỷ lục, khoảng 56,7% năm 2019 và dự báo sẽ đạt 64,4% trong 4 năm tới. Theo đó, nếu thị trường TMĐT Việt Nam có thể duy trì được tỷ lệ tăng trưởng hiện nay của nó là 30%, quy mô thị trường của nó có thể đạt 33 tỉ USD vào năm 2025, xếp thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỉ USD) và Thái Lan (43 tỉ USD).

Theo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam có môi trường pháp lý tương đối thuận lợi cho việc phát triển TMĐT, với 5 trong số 6 luật chính được ban hành đầy đủ để điều tiết các hoạt động của TMĐT.

Các chuyên gia lĩnh vực này cũng cho rằng, với việc “bùng nổ” của giới trẻ mua hàng qua mạng - ít nhất còn duy trì trong vòng 5 năm tới - thì TMĐT Việt Nam sẽ còn thu được nhiều thành công. Thời điểm hiện tại, không chỉ các địa chỉ bán hàng qua mạng của người Việt Nam “nở rộ”, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày một đầu tư nhiều hơn vào lính vực này. Giới quan sát cũng cho rằng, nếu như ai đó còn e ngại trước làn sóng mua bán - sáp nhập chuỗi các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua do các tập đoàn thương mại lớn tiến hành; thì nếu “bình tâm” họ sẽ thấy lĩnh vực TMĐT là địa hạt bùng nổ trong năm 2020 và khoảng 5 năm tiếp theo.

Không chỉ là “gặt hái”

Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít nhưng bất cập, nếu không muốn nói là rủi ro. Trước hết, giới kinh doanh trong nước cũng đã nhận thấy đã đến lúc phải đối mặt với một số trở ngại. Chẳng hạn, hầu hết doanh nghiệp nội vẫn yếu hơn so với các nhà cung cấp trực tuyến toàn cầu; trong khi người tiêu dùng- nhất là thế hệ trẻ- ưa thích hơn việc mua hàng từ các trang có xuất xứ nước ngoài như Amazon hay eBay. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã không đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng. Chất lượng và thiết kế của các sản phẩm trong nước vẫn thua kém các sản phẩm tương tự của các công ty khác.

Nhưng, điều quan trọng hơn đối với TMĐT là việc các nhà kinh doanh trong nước vẫn sử dụng TMĐT để bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thậm chí là hàng dán nhãn thương mại. Những vụ lừa đảo trên mạng như đánh cắp thông tin, dữ liệu và tài khoản ngân hàng đã khiến người tiêu dùng thận trọng với việc mua sắm trực tuyến.

Trên thực tế, gian lận TMĐT thời gian qua đã và đang là vấn đề nhức nhối đối với cơ quan chức năng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu thức ngày càng tinh vi của các trang mua bán điện tử. Điều đó thể hiện ở việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng, hoặc bị mất thông tin cá nhân của chủ tài khoản. Nạn ăn cắp thông tin, gian lận tài chính và quảng cáo quấy rối người dùng là thực trạng đáng buồn của TMĐT hiện nay.

Trong khi đó, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Chế tài xử phạt cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính không đáng là bao so với khoản lợi nhuận từ hành vi bất chính gây ra.

Một cách thực tế hơn, trong giao dịch điện tử, khách hàng luôn phải tuân theo các hợp đồng mà mình hoàn toàn không có quyền thương lượng, trong đó giá cả có thể bị đội lên nhiều lần so với giá thực tế trên thị trường, sau đó sử dụng chiêu thức giảm giá, khuyến mại để thu hút người tiêu dùng. Các sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng xem xét và chấp nhận đặt mua trên website TMĐT không hoàn toàn giống với sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên thực tế, từ đó làm mất niềm tin nơi người tiêu dùng.

Theo ông Trần Hữu Linh (Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương), những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự phát triển bùng nổ của TMĐT. Năm 2019 doanh thu đã vượt 2.000 tỷ USD và xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam.

“Điều đó đã và đang tạo ra những thách thức cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hiệu quả để quản lý hoạt động TMĐT cũng như đối với công tác thực thi ngăn chặn các gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng tại nước ta”- theo ông Linh.

Còn theo ông Ronald Brohm (Giám đốc điều hành Hiệp hội Chống hàng giả quốc tế- REACT), châu Á-Thái Bình Dương là khu vực TMĐT phát triển sôi động nhất. “Tuy nhiên, TMĐT xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc hợp tác thúc đẩy phát triển cũng như kiểm soát hoạt động này”- ông Ronald Brohm nhận định.

Đỗ Quang Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/thuong-mai-dien-tu-xu-huong-va-thach-thuc-tintuc457672