Thương mại điện tử thúc đẩy bất động sản kho lạnh

Dù chỉ chiếm khoảng 11,4% tổng số các giao dịch trong phân khúc bất động sản công nghiệp, song thị trường bất động sản kho lạnh (sử dụng để bảo quản những hàng hóa đặc thù) đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 29,6% từ năm 2017 đến năm 2022, vượt xa các loại hình khác trên thị trường. Bên cạnh sự thay đổi thói quen tiêu dùng, sự phát triển của thương mại điện tử là đòn bẩy chính cho phân khúc kho lạnh.

Giao dịch bất động sản kho lạnh ghi nhận tăng trưởng vượt trội.

Giao dịch bất động sản kho lạnh ghi nhận tăng trưởng vượt trội.

Savills Việt Nam (thuộc Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản quốc tế Savills) cho biết, nhu cầu gia tăng đối với kho lạnh được bắt nguồn từ sự tăng trưởng thu nhập hộ gia đình, gia tăng dân số thành thị, tầng lớp trung lưu, sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng khi dần chuyển dịch sang các loại thực phẩm tươi sống với chất lượng cao hơn. Họ dần từ bỏ thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống và tới siêu thị để mua các loại thực phẩm đa dạng, được bảo quản tốt.

Báo cáo của Savills cho thấy, tại Việt Nam, doanh thu ngành thực phẩm tươi đã tăng 6,3%, từ 40,4 tỷ USD (năm 2020) lên 45,7 tỷ USD (năm 2022). Nhu cầu trong nước mạnh mẽ cùng bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ là động lực chính cho sự phát triển của thị trường kho lạnh.

Cụ thể, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng đáng kể, đạt mức 21,5% trong giai đoạn 2017-2022, thúc đẩy sự mở rộng của tất cả dịch vụ bổ trợ. Ngành vận chuyển đồ ăn trực tuyến nhờ vậy cũng ghi nhận tốc độ phát triển nhanh, đạt mức 5,5% trong giai đoạn 2020-2022.

Tuy vậy, theo báo cáo của Savills, tương tự các thị trường đang phát triển khác tại khu vực, thị trường kho lạnh Việt Nam được đánh giá vẫn đang phát triển với quy mô nhỏ, chỉ hơn 40 dự án, cung cấp tổng cộng khoảng 460.000m2 diện tích theo ghi nhận tới năm 2022.

Trong đó, đa số nguồn cung kho lạnh tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai (chiếm tới 87% tổng nguồn cung cả nước). Tại thị trường phía Bắc, những năm gần đây Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể về nguồn cung, song vẫn còn hạn chế trong tương quan với thị trường miền Nam.

Về giá thuê, thành phố Hồ Chí Minh có mức giá thuê cao gần gấp đôi so với các khu vực khác nhờ có cơ sở vật chất tốt hơn và thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác.

Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết: Giá thuê trung bình kho lạnh tại thị trường Việt Nam hiện đạt 22 USD/tấn/tháng (tại Bắc Ninh) và tới 50 USD/tấn/tháng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn cung kho lạnh mới hiện nay chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài như: Lineage Logistics, SK Logistics, Lotte Logistics cũng đang tích cực đầu tư vào hệ thống lưu trữ của riêng họ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng cung chưa đáp ứng được cầu vẫn tiếp diễn. Trong đó, sự tăng trưởng của nền tảng thương mại điện tử và thói quen mua sắm trực tuyến sẽ dẫn tới áp lực ngày càng lớn lên công suất kho lạnh. Sự thiếu hụt về nguồn cung kho lạnh sẽ còn duy trì trong ngắn và trung hạn. Điều này sẽ dẫn tới tỷ lệ lấp đầy cao hơn, giá thuê tăng mạnh hơn tại nguồn cung hiện hữu, đồng thời tạo ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Theo Báo cáo Bất động sản kho lạnh châu Á - Thái Bình Dương do Savills công bố mới đây, bất động sản kho lạnh đang là một trong số những lựa chọn đầu tư hấp dẫn, thu hút nguồn vốn khoảng 4,9 tỷ USD trong năm 2022 trên toàn cầu.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-mai-dien-tu-thuc-day-bat-dong-san-kho-lanh-634209.html