Thương mại điện tử giúp nền kinh tế Indonesia 'cất cánh'

Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 7% vào năm 2025, Indonesia coi phát triển thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những hướng đi chính của quốc gia vạn đảo…

Công nghệ kỹ thuật số phát triển đã mở đường cho sự đổi mới trên toàn cầu. Là một nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số, kinh tế số có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho mỗi quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Với số lượng người dùng internet ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số. Theo báo cáo của hãng tư vấn Axiata và AT Kearney, nền kinh tế số có thể giúp GDP của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng thêm 1.000 tỷ USD vào năm 2025.

Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trên thế giới. Trong đó, TMĐT (hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến) là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia bởi sự ưu việt của nó. Đặc biệt, trong những năm gần đây, TMĐT đã phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Không nằm ngoài xu thế chung của khu vực và thế giới, Indonesia thúc đẩy TMĐT phát triển để kích thích nền kinh tế quốc gia. Phát triển TMĐT cũng là một trong những hướng đi chính để quốc gia vạn đảo có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7% vào năm 2025. Trong năm 2016, Indonesia đã đưa ra gói cải cách kinh tế lần thứ 14, trong đó bao gồm lộ trình phát triển TMĐT. Theo The Jakarta Post, Indonesia đã thu hút các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com đầu tư lớn vào lĩnh vực TMĐT của nước này.

 Thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á khi số lượng người dùng internet tăng cao. Ảnh: The Jakarta Post.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á khi số lượng người dùng internet tăng cao. Ảnh: The Jakarta Post.

Theo Chỉ số đánh giá hiệu suất hậu cần của Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia đã thăng hạng từ vị trí 63 (năm 2016) lên vị trí 46 (năm 2018). Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí vận chuyển ở Indonesia vẫn cao nhất trong ASEAN, khiến người tiêu dùng phải chịu chi phí cao. The Jakarta Post nhận định, để tiếp tục thúc đẩy TMĐT ở Indonesia, Chính phủ Indonesia cần thực hiện nhiều biện pháp cải cách. Cụ thể, Indonesia cần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thông quan thương mại tại biên giới và cảng, cũng như đưa ra các chính sách thu hút các công ty mới vào thị trường nước này. Công ty tư vấn McKinsey cho rằng, Chính phủ Indonesia có thể thu hút các công ty mới vào thị trường TMĐT thông qua việc hỗ trợ tìm kiếm cơ sở hạ tầng và xây dựng kho bãi.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy TMĐT phát triển của Indonesia đang gặp trở ngại khi quốc gia vạn đảo có tỷ lệ người sử dụng thẻ tín dụng thấp nhất trong số các quốc gia thành viên ASEAN. 99% giao dịch có giá trị ở Indonesia vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp đang hạn chế sự tham gia của người dân vào các thị trường trực tuyến, từ đó kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực TMĐT ở Indonesia. Để khuyến khích người dân tham gia vào mua sắm trực tuyến, Chính phủ Indonesia cần đẩy mạnh các chương trình xóa mù kỹ năng số. Điều này không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số mà còn để bảo đảm những cơ hội và lợi ích của nền kinh tế số đến được với mọi người dân. Bên cạnh đó, Indonesia cần đưa ra các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh mạng, qua đó tạo môi trường giao dịch trực tuyến an toàn hơn cho cá nhân và doanh nghiệp.

Hãng tư vấn Axiata và AT Kearney nhận định, dù có tham vọng trở thành nền kinh tế số lớn nhất trong ASEAN vào năm 2020 nhưng Indonesia hiện vẫn thiếu lộ trình toàn diện để đạt được điều này. Hãng tư vấn Axiata và AT Kearney gợi ý, Chính phủ Indonesia cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng cũng như thúc đẩy tự do hóa thị trường và cải cách thuế… Trong khi đó, ông Yose Rizal, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Indonesia (CSIS) cho biết, ngành công nghệ kỹ thuật số có thể trở thành nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế toàn diện của Indonesia. Khi được vận dụng vào việc kinh doanh, công nghệ kỹ thuật số sẽ tạo ra lợi ích to lớn, trước tiên là cho các nhà đầu tư, nền kinh tế quốc gia và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Do vậy, cần nhanh chóng đề ra các chính sách phát triển và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho lĩnh vực đầy tiềm năng này...

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thuong-mai-dien-tu-giup-nen-kinh-te-indonesia-cat-canh-583345