Thương mại của Trung Quốc sụt giảm mạnh, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế

Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo, đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gia tăng áp lực buộc chính phủ phải đưa ra các biện pháp kích thích mới để hỗ trợ nhu cầu.

Các container hàng hóa tại Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các container hàng hóa tại Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm sâu

Theo dữ liệu được hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8, nhập khẩu hàng hóa của nước này đã giảm 12,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 14,5% tính theo đồng đô la Mỹ - mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020, cao hơn tỷ lệ 12,5% dự kiến và cao hơn mức giảm 12,4% của tháng trước.

Chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông dẫn đầu về mức độ sụt giảm ở châu Á trong phiên ngày 8/8. Chỉ số Hang Seng China Enterprises đã giảm 1,6% vào lúc 11:39 sáng giờ địa phương. Chỉ số CSI 300 ít thay đổi vào cuối buổi trưa cùng ngày. Đồng nhân dân tệ được giao dịch ở nước ngoài không biến động nhiều, đã mất 0,3% vào sáng sớm ngày hôm nay, xuống còn 7,2214 đổi một đô la.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng 80,6 tỷ USD, vượt qua mức dự báo 70,6 tỷ USD trong các cuộc thăm dò trước đó.

Như vậy, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp tính đến tháng 7 trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu sụt giảm. Các lô hàng nhập khẩu cũng chứng kiến mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1, khi dịch bệnh Covid-19 khiến các cửa hàng và nhà máy phải đóng cửa, đè bẹp nhu cầu trong nước, làm suy yếu sự phục hồi của nền kinh tế.

Zhang Zhiwei - Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Ltd. cho biết: “Sự sụt giảm sâu trong nhập khẩu “phản ánh nhu cầu nội địa yếu”. Một số nhà kinh tế cũng cho biết, sự sụt giảm trong nhập khẩu là do giá hàng hóa giảm.

Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ được hỗ trợ nhờ tiêu dùng mạnh mẽ, nhưng đà phục hồi đang suy yếu do niềm tin và nhu cầu trong nước vẫn yếu - những vấn đề được nhấn mạnh bởi nhập khẩu giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Dữ liệu sẽ được công bố vào ngày 9/8 dự kiến sẽ cho thấy giá tiêu dùng giảm trong tháng 7, thêm vào bằng chứng về việc thiếu nhu cầu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm chạp trong quý II/2023 khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu hứa hẹn có thêm chính sách hỗ trợ hơn nữa và các nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay.

Xuất nhập khẩu kém là dấu hiệu mới nhất cho thấy tăng trưởng quý II có thể tiếp tục chậm lại, với hoạt động xây dựng, sản xuất và dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và lợi nhuận công nghiệp đều suy yếu.

Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết: “Hầu hết các biện pháp về đơn đặt hàng xuất khẩu đều cho thấy nhu cầu nước ngoài giảm mạnh hơn nhiều so với những gì đã được phản ánh trong dữ liệu hải quan cho đến nay”. Đồng thời, “triển vọng ngắn hạn đối với chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển vẫn còn nhiều thách thức, với nhiều nền kinh tế vẫn có nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay, mặc dù ở mức độ nhẹ".

Chính sách kích thích hiện tại chưa thúc đẩy cầu tiêu dùng

Châu Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Trung Quốc do nhu cầu giảm, với nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á đều giảm hai con số. Nhập khẩu từ Mỹ giảm 11,2% và giảm 3% từ Liên minh châu Âu.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm chạp trong quý II/2023 khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. Ảnh: Reuters

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ chậm chạp trong quý II/2023 khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu đang suy giảm do nhu cầu ở nước ngoài chậm lại - khiến việc duy trì mức xuất khẩu kỷ lục trong năm 2021 và 2022 trong thời kỳ đại dịch là không thể.

Các nhà đầu tư cho đến nay vẫn chưa thấy hứng thú với các đề xuất hỗ trợ của chính phủ nhằm mở rộng tiêu dùng trong lĩnh vực ô tô, bất động sản và dịch vụ. Trong khi đó, Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước mà không nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhiều vì lo ngại sẽ khiến các dòng vốn lớn chảy ra ngoài khi các nền kinh tế lớn khác tăng lãi suất để chế ngự lạm phát tăng vọt.

Điều đó đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở phần còn lại của châu Á. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 25,1% trong tháng 7 so với một năm trước đó, mức giảm mạnh nhất trong 3 tháng.

Các lô hàng đến Mỹ đã giảm mạnh 23,1% trong tháng 7, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Xuất khẩu sang các thị trường khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Asean, EU, Brazil và Australia đều giảmtheo tỷ lệ phần trăm hai chữ số.

Chính phủ Trung Quốc đã tìm mọi cách để kích thích tăng trưởng trong năm nay, mặc dù phạm vi hỗ trợ cho đến nay đã được nhắm mục tiêu và hạn chế. Các nhà chức trách đã công bố một số chính sách nhằm thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, ô tô điện và các sản phẩm khác.

Tháng trước, một số bộ, ngành đã vạch ra kế hoạch khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn cho mọi thứ, từ thiết bị điện đến đồ nội thất. Ba cơ quan sau đó đã đưa ra các biện pháp chi tiết nhằm tăng cường sản xuất hàng tiêu dùng - hay còn gọi là lĩnh vực công nghiệp nhẹ, chiếm hơn một phần tư xuất khẩu của Trung Quốc.

Zhang Zhiwei cho biết: “Chính sách của chính phủ cho đến nay đã thay đổi nhưng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản và không thúc đẩy nhu cầu nhiều. Vì vậy, tình hình kinh tế vẫn còn khá khó khăn”.

Larry Hu - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group Ltd. cho rằng, việc nới lỏng chính sách tài sản và tín dụng sẽ giúp ích cho nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm.

Ông nói: “Việc giảm lượng hàng tồn kho - điều hiển nhiên là do số liệu PPI giảm trong quý vừa qua - nên giảm dần và thậm chí một số đợt bổ sung hàng hóa có thể diễn ra trong những tháng tới. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện trong nửa cuối năm và điều đó sẽ thúc đẩy nhập khẩu”./.

Hoàng Lê (theo Bloomberg/Reuters)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuong-mai-cua-trung-quoc-sut-giam-manh-de-doa-trien-vong-phuc-hoi-kinh-te-133564.html