Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn: Định hình tình thân

Sự kiện tại Trại David cho thấy nỗ lực thể chế hóa hợp tác giữa Washington và hai đồng minh quan trọng, song còn đó thách thức từ bên trong và bên ngoài.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh NATO ở Madrid năm 2022. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh NATO ở Madrid năm 2022. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Đã từ lâu, Trại David tại hạt Frederick, bang Maryland, không chỉ là nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ, mà còn chiếm vị trí đặc biệt trong lịch sử xứ cờ hoa và thế giới. Nằm cách Washington D.C 100 km về hướng Tây Bắc, khu nghỉ dưỡng có phần biệt lập với thế giới bên ngoài đã chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao và đàm phán lịch sử. Trong số đó, có thể kể tới các buổi thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill, hay đàm phán hòa bình giữa lãnh đạo Israel và những người láng giềng Arab.

Trong tuần này, nơi đây sẽ chứng kiến một sự kiện không kém phần quan trọng khác. Ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc thượng đỉnh ba bên, riêng rẽ đầu tiên với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Quan chức của ba nước kỳ vọng cuộc gặp sẽ đi vào lịch sử thông qua việc thắt chặt quan hệ giữa Mỹ và hai đồng minh then chốt.

Vì lợi ích chung

Trong bối cảnh hiện nay, những thách thức từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang đưa cả ba nước xích lại gần nhau hơn. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emmanuel khẳng định, tầm nhìn chiến lược của ba nước “chưa bao giờ gần gũi đến thế”.

Cuộc gặp tập trung vào kết nối quốc phòng. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể thảo luận về công nghệ và chuỗi cung ứng năng lượng, chất bán dẫn. Nhiều khả năng các bên ra tuyên bố, vạch ra những mối quan tâm chung trong an ninh quốc phòng và an ninh kinh tế.

Mặc dù chưa thể đưa cả ba nước trở thành một liên minh chính thức, song những bước đi này đã đánh dấu sự thay đổi chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dưới thời cựu Tổng thống Moon Jae In, hợp tác an ninh chững lại, trong khi nỗ lực chia sẻ thông tin tình báo giữa Nhật Bản-Hàn Quốc thường xuyên bị đe dọa do căng thẳng về vấn đề lịch sử giữa hai nước.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Yoon Suk Yeol lên nắm quyền năm 2022, Hàn Quốc đã tìm cách đặt vấn đề này sang một bên. Hồi tháng Năm, một tàu khu trục của xứ hoa anh đào đã gây tranh cãi khi treo cờ đế quốc Nhật Bản lúc thăm cảng Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul đã có động thái “hạ nhiệt” vụ việc trên. Dấu hiệu này cho thấy, với xứ kim chi, mối quan tâm về an ninh chiếm ưu tiên cao hơn so với vấn đề lịch sử. Trong bối cảnh quan hệ ấm lên, với chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 7-8/5, ông Kishida Fumio đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tới Seoul sau một thập kỷ.

Giờ đây, lực lượng quốc phòng ba nước đang tăng cường phối hợp. Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp gỡ và cam kết chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Theo ông Wi Sung Lac, cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc từng tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hợp tác quốc phòng chặt chẽ sẽ gửi tín hiệu tới Bình Nhưỡng và một số quốc gia khác rằng: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với mọi cuộc tấn công”.

Quan trọng hơn, nội dung thảo luận ba bên ngày càng được mở rộng. Chuyên gia Christopher Johnstone của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) nhận định: “Họ không chỉ nói về bán đảo Triều Tiên, mà đã mở rộng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Nhật Bản và Mỹ coi Hàn Quốc là "người chơi then chốt" tại Đông Nam Á, nơi cả hai đều muốn kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc. Quan hệ ấm lên cũng tạo điều kiện để Seoul và Tokyo thảo luận trong hợp tác về bán dẫn. Theo một số nguồn tin, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang nghiên cứu mở nhà máy sản xuất chip mới ở Nhật Bản.

Trại David (Mỹ), nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ, chứng kiến nhiều sự kiện ngoại giao lịch sử của xứ cờ hoa và thế giới. (Nguồn: Bloomberg)

Trại David (Mỹ), nơi nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ, chứng kiến nhiều sự kiện ngoại giao lịch sử của xứ cờ hoa và thế giới. (Nguồn: Bloomberg)

Còn đó rào cản

Tuy nhiên, mọi thứ không phải đều thuận buồm xuôi gió.

Đầu tiên, Trung Quốc đang theo dõi sát sao thượng đỉnh ba bên này. Hiện giới chức Bắc Kinh thúc đẩy nối lại đối thoại cấp cao với Tokyo và Seoul. Trong diễn đàn mới đây tại thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc), phát biểu trước các vị khách từ Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Cho dù các vị có nhuộm tóc vàng tới mức nào, sửa mũi thẳng tới đâu, các vị sẽ không bao giờ trở thành người châu Âu hay người Mỹ”. Dù vậy, thái độ cứng rắn của Trung Quốc khó có thể khiến Nhật Bản và Hàn Quốc tách khỏi Mỹ.

Thứ hai, còn đó giới hạn mà ba bên chưa thể vượt qua. Sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa nguôi. Hiến pháp Nhật Bản khiến nước này khó có thể tham gia các liên minh quân sự mới. Trong khi đó, với Hàn Quốc, sự hiện diện quân sự của Nhật Bản ở bán đảo Triều Tiên vẫn còn tranh cãi. Chuyên gia Choi Eun Mi của Viện Nghiên cứu ASAN (Hàn Quốc) ở Seoul nhận định, ngay cả việc chia sẻ tin tức tình báo “cũng rất khó chấp nhận với người dân nước này”.

Thứ ba, Washington, Tokyo và Seoul có ưu tiên an ninh khác nhau. Với Hàn Quốc, trọng tâm tiếp tục là Triều Tiên. Trong khi đó, Nhật Bản tỏ ra quan tâm hơn về Trung Quốc và khả năng về một cuộc xung đột tiềm tàng tại eo biển Đài Loan, vấn đề Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng để thảo luận.

Ngoài ra, Mỹ đang mong muốn triển khai thảo luận ba bên về răn đe hạt nhân mở rộng, cam kết sử dụng lực lượng hạt nhân để bảo vệ đồng minh. Tuy nhiên, cách tiếp cận của hai nước còn lại về vấn đề hạt nhân là khác nhau. Giáo sư Sahashi Ryo của Đại học Tokyo (Nhật Bản) nhận định: “Nhật Bản mong muốn các răn đe hạt nhân mở rộng ít thu hút sự chú ý nhất có thể, trong khi Hàn Quốc lại theo đuổi mục tiêu ngược lại”. Cả hai quan ngại về chính sách thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc chưa sẵn sàng để cô lập Trung Quốc.

“Cho dù các vị có nhuộm vàng tóc tới mức nào, sửa mũi thẳng tới đâu, các vị sẽ không bao giờ trở thành người châu Âu hay người Mỹ”. (Ông Vương Nghị phát biểu về mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Nhật Bản, Hàn Quốc với Mỹ và châu Âu)

Cuối cùng, vấn đề đối nội cũng đe dọa sẽ đảo ngược nỗ lực ngoại giao của ba nước. Hầu hết người Hàn Quốc nhất trí về cải thiện quan hệ với Nhật Bản, song không ít người đánh giá Seoul chưa giải quyết ổn thỏa vấn đề lịch sử với Tokyo, nhất là đề xuất liên quan tới vụ việc lao động cưỡng bức thời thuộc địa. Trong khi đó, áp lực từ phe bảo thủ của nội bộ Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền khiến Thủ tướng Kishida Fumio khó có thể nhượng bộ hơn. Nếu đảng Dân chủ Hàn Quốc (DP), vốn có lập trường cứng rắn với Nhật Bản, nắm quyền năm 2027, nỗ lực của ông Yoon Suk Yeol có thể trở nên vô nghĩa. Một nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump có thể tác động nghiêm trọng tới quan hệ ba bên này.

Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh sắp tới là hướng tới định hình những thành quả đã đạt được thời gian qua. Ông Sahashi nhận định các nhà lãnh đạo cần thể chế hóa mối quan hệ, xây dựng một khuôn khổ hợp tác vững chắc và khó có thể bị đảo ngược bởi những người kế nhiệm.

Điều này đồng nghĩa với tổ chức các cuộc họp ba bên thường xuyên hơn, thậm chí xây dựng một đường dây nóng chính thức giữa các nhà lãnh đạo. Như chuyên gia Christopher Johnstone nói, nếu các biện pháp này được công bố tại Trại David trong những ngày tới, nó sẽ trở thành cam kết “khó từ bỏ hơn đối với giới lãnh đạo tương lai của ba nước”.

(theo The Economist)

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuong-dinh-my-nhat-han-dinh-hinh-tinh-than-238329.html