'Thương binh tàn nhưng không phế'

Dũng cảm trong bảo vệ Tổ quốc, cần cù, vượt khó trong lao động sản xuất và không đòi hỏi cho riêng mình, những người thương binh ấy vẫn tiếp tục sống có ích cho xã hội, chống lại đói nghèo, nỗ lực phát triển kinh tế.

Tháng 8.1985, ông Bùi Hà Thanh (sinh năm 1964, ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1987, ông bị thương, là thương binh hạng 4/4. Sau khi trở về quê hương, ông Thanh tích cực tham gia các hoạt động phong trào, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp; Tổ trưởng Tổ tự quản số 9 thuộc ấp Trường Phú; Tổ trưởng Tổ vay vốn của Hội CCB xã Trường Đông.

Gương mẫu, năng động

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, ông Thanh củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ. Ông Thanh chia sẻ: “Để tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào do Hội và địa phương phát động, trước hết tôi phải gương mẫu đi đầu, gần gũi, sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như khó khăn của từng gia đình hội viên, tìm cách giúp đỡ kịp thời, phù hợp và hiệu quả lâu dài. Nhờ sự đoàn kết của tập thể, Chi hội CCB ấp Trường Phú nhiều năm liền là lá cờ đầu trong phong trào CCB gương mẫu của xã Trường Đông”.

CCB Bùi Hà Thanh tích cực lao động, tăng gia sản xuất.

Làm Tổ trưởng Tổ vay vốn của Hội CCB xã, ông Thanh luôn ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý nguồn vốn, đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng chính sách một cách công khai, dân chủ, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, thương binh Bùi Hà Thanh tích cực lao động sản xuất. Với 5 công đất trồng nhãn, 2 công đất trồng mít và bắp, chăn nuôi bò, gà, vịt, mỗi năm trừ tất cả chi phí, ông còn lời hơn 100 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Không chỉ vậy, thương binh Bùi Hà Thanh còn nặng lòng với công tác từ thiện xã hội, chăm lo đời sống cho bà con nghèo ở xã. Ông vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tặng quà cho gia đình chính sách, hội viên CCB khó khăn vào ngày lễ, tết.

“Lúc mới trở về địa phương, kinh tế rất khó khăn, tôi không nề hà bất cứ công việc gì để có thêm thu nhập. Mỗi thương binh, bệnh binh là một cuộc đời, một hoàn cảnh, chỉ mong rằng việc làm nhỏ bé của mình có thể đóng góp phần nào vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp”- ông Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Luân- Chủ tịch Hội CCB xã Trường Đông cho biết, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB, cựu quân nhân làm kinh tế của xã, ông Bùi Hà Thanh nỗ lực xây dựng mô hình “Tổ hợp tác sản xuất trồng nhãn” với 12 hội viên, canh tác trồng 0,8 ha nhãn do chính ông làm Tổ trưởng, qua đó giúp CCB thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Đi đầu trong mọi hoạt động

27 năm bôn ba khắp mọi nẻo đường đất nước với tinh thần, trách nhiệm của một người lính, thương binh 4/4 Phạm Huy Từ (sinh năm 1946) hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1993, ông rời quân ngũ, về nghỉ hưu tại khu phố 6, phường 3, thành phố Tây Ninh.

Đối với nhiều người, nghỉ hưu là khoảng thời gian được nghỉ ngơi, an dưỡng sức khỏe, chăm lo cuộc sống gia đình; nhưng CCB Phạm Huy Từ vẫn tiếp tục cống hiến, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Trải qua nhiều công việc khác nhau tại UBND phường 3, ông Từ được mọi người tin tưởng, bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy Đảng bộ bộ phận khu phố - Trưởng khu phố 6.

Ông Phạm Huy Từ làm việc tại văn phòng.

Ở khu phố, ông Từ nhiệt tình, xông xáo trong mọi việc, mẫu mực trong mọi hoạt động, được người dân kính trọng, nể phục. Trước đây, hệ thống đường giao thông khó khăn, đời sống của người dân vất vả. Ông Phạm Huy Từ trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ.

Nhờ sự chung tay cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể khu phố, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự góp sức của các tầng lớp nhân dân, khu phố 6 đã có nhiều khởi sắc. Đường giao thông trong khu phố được bê tông hóa. Người dân đóng góp lắp đặt hệ thống đèn đường trong khu phố. Địa bàn có tình hình an ninh trật tự ổn định, không có trọng án, không xảy ra tranh chấp, người dân sống hòa thuận…

Trong quá trình công tác, ông Từ cùng với tập thể khu phố gồm các tổ trưởng tổ tự quản, trưởng đoàn thể khu phố vận động bà con nêu cao ý thức cộng đồng, phát hiện và có biện pháp kịp thời ngăn chặn những hành vi, phát ngôn vi phạm pháp luật, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông còn triển khai thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng Công an.

Bà Hà Thị Thuyết- Bí thư Đảng ủy Đảng bộ bộ phận khu phố 6 đánh giá: “Sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội ở khu phố có sự đóng góp công sức, trí tuệ rất lớn của Phó Bí thư Đảng ủy Đảng bộ bộ phận khu phố - Trưởng khu phố 6 Phạm Huy Từ”.

Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, dù sức khỏe bị ảnh hưởng do những vết thương từ chiến tranh nhưng nhiều cựu chiến binh vẫn khắc ghi lời dạy của Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tích cực tham gia công tác xã hội, trở thành những tấm gương sáng, có uy tín trong cộng đồng.

Sống có ích cho đời

“Tôi chỉ muốn làm việc có ích cho đời, cho cộng đồng nơi mình đang sinh sống, tham gia hoạt động cho đến khi không còn đủ sức khỏe nữa mới thôi”- CCB, thương binh 3/4 Tô Ngọc Lân (68 tuổi)- Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 1, Chủ tịch Hội Đông y thị trấn huyện Châu Thành tâm sự.

Ông Tô Ngọc Lân nhập ngũ vào tháng 2.1982, nguyên là y sĩ Quân y viện 7D, tham gia Mặt trận 779 làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, bị thương năm 1983, hạng 3/4. Năm 1990, ông phục viên, về làm Trưởng Trạm y tế xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành. Năm 1995, ông được phân công về làm cán bộ Khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện, nghỉ hưu năm 2016. Với tình yêu nghề y và sự tín nhiệm của nhân dân nên sau khi nghỉ hưu, ông Lân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Đông y thị trấn Châu Thành cho đến nay.

Hằng năm, ông cùng với hội viên phối hợp với Trạm y tế Thị trấn tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc cho trẻ em, người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ông Lân chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm phải cứu chữa người bệnh bằng tất cả khả năng của mình, tích cực tìm tòi, nghiên cứu các bài thuốc để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền”.

Ông Tô Ngọc Lân tham gia khám bệnh cho nhân dân.

Là Ủy viên BCH Hội CCB thị trấn Châu Thành, Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 1, thị trấn Châu Thành, ông Lân tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức cho hội viên tham gia đầy đủ các phong trào, sinh hoạt định kỳ đạt tỷ lệ trên 90%.

Ông còn vận động những hội viên CCB có sức khỏe, một số cựu quân nhân tích cực tham gia với tổ bảo vệ dân phố bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là các ngày lễ tết. Năm 2023, ông Lân vận động các nhà hảo tâm thăm và tặng 100 phần quà cho hội viên khó khăn, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng.

Chủ tịch Hội CCB thị trấn Châu Thành Thái Hoàng Minh Triều đánh giá: “Dù tuổi cao, lại là thương binh ¾, nhưng ông Tô Ngọc Lân vẫn luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phấn đấu không ngừng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chi hội CCB khu phố 1 do ông làm Chi hội trưởng nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị dẫn đầu của Hội CCB Thị trấn. Riêng ông Lân được Chủ tịch UBND Thị trấn, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành khen tặng có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB gương mẫu”.

Dũng cảm trong bảo vệ Tổ quốc, cần cù, vượt khó trong lao động sản xuất và không đòi hỏi cho riêng mình, những người thương binh ấy vẫn tiếp tục sống có ích cho xã hội, chống lại đói nghèo, nỗ lực phát triển kinh tế. Họ xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Phương Thảo - Hà Quang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-a161368.html