Thương binh Khổng Văn Tác tận tâm chữa bệnh cứu người

Phát huy phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', nhiều cựu chiến binh, thương binh sau khi rời quân ngũ trở về địa phương dù mang trên mình vết thương do chiến tranh nhưng vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động giúp ích cho đời. Thương binh 4/4, bệnh binh 2/3 Khổng Văn Tác, sinh năm 1949 ở thôn Dẫn Tự, xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường là một người như thế.

Ông Khổng Văn Tác (bên phải) luôn tận tâm chữa bệnh cứu người. Ảnh: Kim Ly

Ông Khổng Văn Tác (bên phải) luôn tận tâm chữa bệnh cứu người. Ảnh: Kim Ly

Hơn 30 năm gắn bó với nghề bắt mạch, kê đơn, chữa bệnh cứu người, ngôi nhà của ông Tác đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân trong và ngoài tỉnh đến khám, điều trị. Tiếng đồn về khả năng “bắt mạch ra bách bệnh” của người cựu chiến binh ngày càng được nhiều người biết đến. Bệnh nhân tìm đến ông không chỉ là người trong xã, trong huyện, mà rải rác trong toàn tỉnh và ở nhiều tỉnh, thành phố khác.

Ít ai biết rằng, trước khi đến với nghề thầy thuốc, ông Tác đã từng có thời gian tham gia chiến đấu oanh liệt. Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Khổng Văn Tác đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1969, ông được cử đi học y sĩ trong quân đội.

Đến năm 1971, khi đang trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Nam Trung Bộ (Quân khu 6), ông Tác bị thương nặng do 1 mảnh đạn găm vào phổi, 2 mảnh đạn găm vào chân và háng làm gãy xương chân, háng. Ông Tác phải điều trị 2 năm và được đồng bào dân tộc Khmer cứu chữa bằng các bài thuốc quý. Và cũng từ đây, ông nhận thấy giá trị to lớn của các bài thuốc gia truyền.

Đến năm 1973, ông Tác được chuyển ra Đoàn An dưỡng số 235 trong thời gian 6 tháng, sau đó, chuyển công tác sang Phòng Hậu cần thuộc Quân khu 1. Năm 1978, ông về công tác tại Phòng Hậu cần của Tỉnh Đội Vĩnh Phú (cũ).

Nghỉ hưu theo chế độ vào năm 1982, nhưng ông Tác không cho phép bản thân nghỉ ngơi. Vì còn đau đáu với các bài thuốc quý của đồng bào dân tộc và các bài thuốc gia truyền của gia đình, ông tiếp tục nghiên cứu, học tập, tìm tòi để có thể ứng dụng các bài thuốc vào thực tế.

Năm 1990, ông chính thức bắt mạch kê đơn, điều trị bệnh cho người dân bằng thuốc nam gia truyền tại nhà. Bắt đầu từ những ca bệnh đơn giản như cúm, ho, sốt… rồi đến những ca bệnh phức tạp như u gan, xơ gan cổ trướng, gút, uxơ tuyến tiền liệt, vô sinh, khớp…

Bệnh nhân đầu tiên tìm đến ông Tác vào năm 1990 là ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1954 ở phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khi đó, ông Dũng mắc phải căn bệnh xơ gan giai đoạn cuối, cổ trướng, bụng to, mắt vàng, da vàng, phù toàn thân. Biết được hoàn cảnh gia đình của ông Dũng, sau khi bắt mạch để chẩn đoán chính xác bệnh, ông Tác đã cắt thuốc miễn phí cho người bệnh mang về.

Tuy nhiên, do không có tiền đi lại và sức khỏe yếu, bệnh nhân Dũng xin được ở lại tại nhà ông Tác để điều trị. Trong thời gian ở đây, gia đình ông Tác vừa bố trí chỗ ăn ở, phục vụ cơm nước, lại vừa cho thuốc uống miễn phí. Sau 5-6 ngày điều trị, các triệu chứng của bệnh nhân đã đỡ dần. Đến khi khỏe lại, gia đình ông Tác không những không lấy tiền thuốc mà còn cho thêm gạo và thuốc để bệnh nhân Dũng mang về quê. Sau 3 tháng uống thuốc, sức khỏe bệnh nhân Dũng đã ổn định. Từ đó đến nay, bệnh nhân không phải duy trì thuốc và đã có thể sinh hoạt bình thường.

Không chỉ có bệnh nhân Dũng, hàng nghìn bệnh nhân tìm đến ông Tác cũng đều được ông chữa khỏi bệnh hoặc phục hồi 30-60% sức khỏe khi mắc bệnh nan y. Chỉ trong 5-10 phút bắt mạch, ông Tác đã có thể đọc chính xác bệnh, từ đó, kê đơn phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Với bất kỳ người bệnh nào, ông cũng thăm khám rất tận tình, dặn dò chu đáo, động viên chân thành. Thậm chí, những người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến ông Tác không những được chữa bệnh miễn phí mà còn được ông cho thêm tiền chi phí đi lại, sinh hoạt.

Là thầy thuốc bắt mạch giỏi nhưng lúc nào ông Tác cũng khiêm tốn cho rằng: “Để trở thành một lương y được nhiều người biết đến như hiện nay, tất cả là nhờ người bệnh dạy cho tôi. Mỗi ca bệnh đến với tôi lại là một bài học mới để tôi trau dồi kinh nghiệm, tiếp tục phát triển các phương thuốc, giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Khi đã có kinh nghiệm bắt mạch cho hàng nghìn ca bệnh thì tỷ lệ chẩn đoán chính xác bệnh luôn đạt tối đa, từ đó, việc kê đơn, phối chế vị thuốc phù hợp cũng sẽ sát bệnh, giúp bệnh nhân nhanh khỏi, không có phản ứng phụ”.

Để chủ động trong việc cung ứng nguồn thuốc, ông Tác dành hơn 500 m2 vườn nhà để trồng những vị thuốc quý, các vị thuốc còn lại ông vận chuyển từ một số vùng núi hoặc từ miền Nam ra.

Trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người của mình, ông Tác luôn tâm niệm: “Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, học tập và làm theo Bác, chữa bệnh trước hết là để cứu người, làm phúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tích đức cho mình, cho con cháu mình. Vì thế, 4 người con thành đạt và 11 người cháu ngoan ngoãn, học giỏi chính là của cải quý giá nhất đối với tôi. Hiện, 2 con trai tôi cũng đang theo nghề y, đây chính là niềm vui, niềm động viên, khích lệ tôi tiếp tục cố gắng và cống hiến”.

Từ những đóng góp của mình, năm 2022, ông Tác đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa’ và công tác thương binh, liệt sĩ, người có công giai đoạn 2017-2022. Đây là động lực để ông tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn các bài thuốc quý, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96833//thuong-binh-khong-van-tac-tan-tam-chua-benh-cuu-nguoi