Thường bị nhầm với cảm lạnh nhưng enterovirus có thể gây bại liệt

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US CDC) đã đưa ra cảnh báo về enterovirus D68 có liên quan đến bệnh bại liệt hiếm gặp.

Theo The New York Times, vừa qua, một bệnh nhi 4 tuổi đã được ghi nhận bị liệt sau khi nhiễm enterovirus và buộc phải can thiệp vật lý trị liệu nhằm xây dựng lại sức lực cùng khả năng giữ thăng bằng.

US CDC đã nhanh chóng đưa ra lời khuyên cho các cơ sở khám, chữa bệnh về sự gia tăng gần đây của các trường hợp trẻ em phải nhập viện do có triệu chứng bệnh hô hấp nghiêm trọng. Cơ quan này khuyến cáo các nhân viên y tế cần xem xét và nghi ngờ nguyên nhân có thể từ enterovirus.

Tháng 7 và 8 và qua, các bệnh viện và chuyên gia y tế ở một số vùng thuộc nước Mỹ đã báo cáo sự gia tăng các ca nhiễm enterovirus D68 hoặc EV-D68. Loại virus này chủ yếu gây ra triệu chứng nhẹ, gần giống cảm lạnh. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây ra tình trạng diễn biến nặng ở một số trường hợp.

Đây cũng là số lượng ca mắc được phát hiện cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch theo mùa năm 2018. Đại diện của US CDC xác nhận đã có 84 trường hợp nhiễm EV-D68 từ tháng 3 đến ngày 4/8.

Ngoài gây ra các triệu chứng hô hấp, EV-D68 còn có thể gây viêm tủy cấp tính hoặc AFM - một biến chứng thần kinh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tê liệt vĩnh viễn hoặc tử vong.

Theo thống kế, hơn 90% trường hợp mắc AFM ở Mỹ thuộc nhóm đối tượng trẻ nhỏ.

Dù hiếm, một số trẻ nhiễm enterovirus có thể bị AFM. Ảnh minh họa: kelly_sikkema.

US CDC thông tin chưa nhận được báo cáo về sự gia tăng của các trường hợp AFM trong nhóm bệnh nhân nhiễm Enterovirus năm nay. Tuy nhiên, do số ca nhiễm EV-D68 trong năm nay tăng đột biến, nhiều khả năng sẽ sớm xuất hiện thêm các trường hợp bị AFM.

Cơ quan này yêu cầu các bác sĩ nhi khoa cũng như những cơ sở y tế tuyến đầu trên toàn nước Mỹ đưa vấn đề này trở thành tình trạng báo động. Điều quan trọng đối với bệnh lý này là xét nghiệm chẩn đoán phải được thực hiện sớm nhất có thể sau khi trẻ xuất hiện các triệu chứng.

“Tăng cường sự cảnh giác đối với tình trạng AFM trong những tuần tới sẽ là việc làm rất cần thiết”, US CDC cảnh báo.

Không phải loại enterovirus nào cũng gây bại liệt

Trên thực tế, các virus đường ruột không gây bại liệt như EV-D68 rất phổ biến. Chúng gây ra tới 15 triệu ca nhiễm trùng mỗi năm ở Mỹ. Đến nay, y học thế giới đã ghi nhận tới hơn 100 loại virus nhóm này

Dù có thể xuất hiện quanh năm, chúng thường có xu hướng lây lan nhanh vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.

Tiến sĩ Alejandro Jordan Villegas, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi của Bệnh viện Trẻ em Orlando Health Arnold Palmer (Mỹ), cho biết: “Loại virus này xuất hiện đều đặn hàng năm. Theo chu kỳ, vào một số năm cụ thể, chúng ta sẽ ghi nhận số lượng ca mắc tăng đột biến".

Hầu hết người mắc không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ. Các triệu chứng khá tương tự cảm lạnh như sốt, chảy nước mũi, ho, hắt hơi hoặc đau nhức cơ thể.

Hai trong số enterovirus được biết đến nhiều nhất là enterovirus A71 và coxsackie A6. Các loại virus này có thể gây ra bệnh tay chân miệng - một bệnh truyền nhiễm nhẹ rất phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi.

US CDC cảnh báo thêm một số bệnh nhân nhập viện gần đây vì bệnh đường hô hấp đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus rhinovirus, loại virus thường gây cảm lạnh.

Cha mẹ nên biết gì về EV-D68 và nguy cơ bại liệt?

EV-D68 được xác định lần đầu tiên vào năm 1962 trong khi US CDC chỉ mới bắt đầu theo dõi chặt chẽ virus này từ năm 2014, khi chúng gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh đường hô hấp trên toàn nước Mỹ.

Năm đó, cơ quan này đã ghi nhận 1.395 trường hợp mắc bệnh ở 49 tiểu bang và đặc khu Columbia. Ngoài ra, hàng nghìn trường hợp khác cũng có thể mắc và diễn biến nhẹ nhưng chưa được phát hiện.

Cha mẹ nên chủ động lưu ý các triệu chứng ban đầu để đưa trẻ đi khám kịp thời. Ảnh minh họa: kelly_sikkema.

“Ở hầu hết bệnh nhân, đó là một bệnh do virus cấp tính. Các triệu chứng đến và đi mà không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Trong một số trường hợp rất hiếm, loại virus này có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như viêm tủy cấp tính”, tiến sĩ Amy Arrington, Giám đốc Y tế của đơn vị cách ly đặc biệt và Trưởng bộ phận Chuẩn bị Sinh học Toàn cầu tại Bệnh viện Nhi Texas, cho biết.

693 trường hợp được xác nhận là mắc AFM kể từ thời điểm US CDC bắt đầu theo dõi chặt chẽ loại virus này vào năm 2014. Khoảng 10% trường hợp nhiễm EV-D68 trong năm 2014 mắc AFM.

Kể từ đó, đã có thêm các đợt tăng đột biến số ca mắc AFM (được cho là do EV-D68 gây ra) trong những năm 2016 và 2018.

Đến nay, các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về vấn đề làm thế nào virus này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tại sao một số ít người lại diễn biến thành AFM sau khi nhiễm virus.

14 trường hợp đã mắc AFM tại Mỹ trong năm nay.

Các triệu chứng phổ biến nhất của AFM là đột ngột yếu tay, chân, mất trương lực cơ và mất phản xạ. Ngoài những dấu hiệu cảnh báo đó, US CDC cũng yêu cầu các phụ huynh nhanh chóng đưa con đi khám khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như khó nuốt hoặc nói lắp, sụp mí mắt, yếu mặt, nhất là sau khi trẻ vừa mắc bệnh đường hô hấp.

Cách bảo vệ trẻ

Enterovirus có thể lây lan khi một người bệnh ho, hắt hơi hoặc chạm vào một bề mặt và sau đó người khác chạm vào.

Vì vậy, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất các gia đình, trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em đã làm trong đại dịch Covid-19 cũng có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của EV-D68 chính là rửa tay, khử khuẩn thường xuyên.

Ngoài ra, tiến sĩ Villegas lưu ý rửa tay bằng xà phòng và nước thường sẽ hiệu quả hơn các sản phẩm rửa tay khô hay cồn sát khuẩn.

“Nếu bị bệnh, chúng ta nên tránh để người khác tiếp xúc với mình” tiến sĩ Villegas nói thêm.

Trẻ em bị hen suyễn là nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng khi không may nhiễm EV-D68.

Cha mẹ nên đề phòng các dấu hiệu bệnh nặng ở trẻ để đưa con tới khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào cho AFM. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể can thiệp thông qua liệu pháp vật lý trị liệu.

"AFM rất hiếm khi xảy ra, nhưng chúng ta sẽ không muốn bỏ lỡ giai đoạn đầu nếu trẻ không may mắc các triệu chứng thần kinh này. Việc đưa đứa trẻ đến bệnh viện kiểm tra và điều trị và bắt đầu phục hồi chức năng sớm nhất có thể là điều rất quan trọng", tiến sĩ Arrington nói.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuong-bi-nham-voi-cam-lanh-nhung-enterovirus-co-the-gay-bai-liet-post1356339.html