Thước đo từ những con số

Từ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 vừa được công bố cho thấy, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện, đây là tín hiệu rất mừng được tạo ra từ thực thi các chính sách trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cũng chính từ những con số đo lường ấy cũng cho thấy, một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân.

Dù chỉ mang tính tham khảo, nhưng qua những con số khảo sát, thống kê tăng giảm với từng chỉ số thành phần của PAPI là cơ hội để các ngành, các cấp lắng nghe được tiếng nói, đo lường được sự hài lòng của người dân.

Đáng mừng là chỉ số được dư luận quan tâm là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” có xu hướng thay đổi tích cực; quản trị điện tử cũng đạt mức điểm cao. Như các nhà phân tích đã chỉ rõ, một yếu tố tác động bậc nhất tới mức độ hài lòng của người dân với nền quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

Theo kết quả PAPI 2023, từ góc nhìn của người dân, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, người dân cảm nhận tình trạng phải hối lộ để giải quyết những công việc liên quan hay tình trạng “vòi vĩnh” trong khu vực công tiếp tục giảm đáng kể.

Nhưng chính kết quả khảo sát cũng cho thấy, số người cho rằng cần phải dựa vào "quan hệ", phải “lót tay” để có được việc làm trong cơ quan Nhà nước hay khi đi làm sổ đỏ, nhập viện vẫn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Một con số đáng lo ngại hơn, đó là có tới hơn 36% người dân phải đưa “lót tay” để xin được việc làm trong khu vực Nhà nước; tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 19 - 81% ở 61 tỉnh, TP.

Đây là những con số rất đáng suy ngẫm, bởi thời gian qua, các cấp, ngành đã nỗ lực rất lớn trong kiểm soát phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên dường như vẫn chưa giải quyết triệt để được các hành vi tham nhũng vặt.

Nguyên nhân được chỉ ra qua khảo sát cũng như thực tiễn có nhiều, từ tâm lý của người dân muốn làm cho nhanh, tìm mọi cách để đạt được mục đích, trong đó có việc “lót tay” cho người thực thi công vụ, đến chính sách. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và DN chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức đôi lúc bị buông lỏng...

Đây đều là những vấn đề cần được khắc phục để nâng cao khả năng quản lý, điều hành, để xây dựng chính quyền thân thiện, lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ.

Như đã nói, dù chỉ là một kênh tham khảo nhưng chính thước đo từ chỉ số được công bố hàng năm cũng giúp mỗi đơn vị, địa phương có sự nhìn nhận, phân tích kỹ lưỡng và đề ra hướng duy trì, cải thiện của riêng mình. Từ đó, xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao khả năng quản lý, điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công, đặc biệt là kiểm soát tham nhũng của chính quyền các cấp, tăng công khai, minh bạch trong ban hành và thực thi chính sách.

Điều nhiều người quan tâm là sau kết quả được công bố lần này, hy vọng những mặt mạnh sẽ được phát huy, những chỉ số yếu, đặc biệt là trong kiểm soát tham nhũng vặt ở khu vực công địa phương sẽ tiếp tục được khắc phục bằng sự quan tâm tích cực, cụ thể của các cấp.

Qua đó, sẽ thực sự cải thiện mức độ hài lòng của người dân, DN cũng như môi trường đầu tư, nâng chất lượng sống của người dân, chứ không đơn thuần là làm đẹp con số trong năm tiếp theo.

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuoc-dotu-nhung-con-so.html