Thuở nhà vách đất, tường gạch dán giấy báo

Báo dán tường xây che mạch hồ. Ảnh: LÊ TRÂM

Trước đây ở vùng nông thôn, nhiều gia đình xây nhà bằng gạch nung, kẹt tiền chưa tô được nên lấy báo dán lại che mạch hồ; nhiều người dán giấy báo trên nhà vách đất để che lại vết nứt, lấp lỗ trống bị chuột khoét… và cũng để trang trí.

Để vách nhà đẹp hơn, chủ nhân thường lấy tấm bìa các-tông vẽ hoa hòe, tô màu rồi chặt gốc tre vót thành nan nẹp lại làm tranh treo ở phòng khách.

Đọc báo trên vách

Mới đây, ông Nguyễn Văn Tính ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân gọi thợ sửa lại ngôi nhà cũ xuống cấp. Ông thu dọn đồ đạc bên trong để thợ đưa vật liệu vào xây cất. Rút trong hộc tủ thờ những tờ lịch treo tường và những cuộn báo cũ, ông Tính cho hay: Từ sau năm 1975 đến nay, trên nền đất này trải qua hai lớp nhà. Nhà cũ hồi đó xây gạch không tô, bên trong má tôi lấy giấy báo khổ lớn dán lại che mạch hồ. Trưa, chiều đi học về, tôi hay đọc báo trên vách. Tờ báo tết dán gần cửa có cái hình đẹp, đang đọc ngon lành thì…(xem tiếp trang 8). Tôi nhìn xung quanh, rất nhiều dòng chữ “tiếp theo trang…”. Rà một hồi mới phát hiện ra chỗ trang 8 tiếp theo nằm dưới trang… ông Táo. Tiếc là chỉ đọc được một mặt.

Tháo cuộn báo cũ ra, ông Tính nói tiếp: Cuộn báo này có từ lúc xây lớp nhà thứ hai giờ xuống cấp, vách nhà quét vôi màu xanh nên tôi cuộn lại cất trong hộc tủ. Nhớ hồi dán báo trên tường nhà, có người bạn đến thăm chơi, lúc đó còn mặc quần méo đáy, cũng tỏ ra hay chữ lom khom đọc báo trên tường. Tôi chỉ bài báo có dòng chữ xem tiếp trang 8, rồi thách tìm được chỗ tiếp theo khen tài. Báo dán tường ngang có, dọc có; chỗ dán trên cao, đứng nhón chân, chỗ thấp quỳ gối. Người bạn tìm quẹo cổ, mờ mắt không ra. Tôi dẫn đến chỉ… dưới trang ông Táo, rồi cú lên đầu một cái nhẹ, cười khì.

Nói về báo dán vách nhà, ông Trần Văn Bảo, thợ sửa nhà cho ông Tính tiếp chuyện: Trước đây ở miền quê, nhà bếp dừng bồ cót, nhà trên xây gạch không tô nên nhà nào cũng dán báo bên trong. Mà báo thời đó là giấy hẩm. Trong xóm, số ít nhà sang hơn dán báo màu, giấy láng là báo Liên Xô. Tôi có bạn gái gần nhà. Hàng ngày ngoài giờ đi học, tôi siêng sang nhà bạn gái chơi. Nghe nồi cơm dưới bếp đang sôi, cô ấy kêu tôi xuống giở nắm vung. Rồi cổ nhờ cột miệng bao lúa sợ chuột ăn, nhờ vô bụi dúi ông Tướng có hòn đá to dựng đứng hái lá giang về nấu chua…. Bạn gái nhờ gì tôi cũng làm. Có lần, tôi sang chơi rồi về, bạn hẹn tôi hôm sau qua chơi, tôi gật đầu. Chiều, cổ nấu rổ khoai, chờ tôi qua ăn nhưng chờ mãi tôi không qua, thành ra hứa… lèo. Bởi trưa đó nhà tôi dán báo Liên Xô trên vách tường. Tôi nghĩ qua bển đằng nào cô ấy cũng nhờ chuyện nọ việc kia nên ở nhà đọc báo màu cho đã mắt. Vì chuyện ấy mà hai đứa giận nhau.

“Sau này đi làm thợ ở xa thấy có người dán báo trên tường, trong các lán trại, tôi nhớ lại hình ảnh quen thuộc, thân thương nơi quê nhà”, ông Bảo thổ lộ.

Thay báo như… thay áo mới

Đến thăm sui gia là ông Tính đang lúc sửa nhà, ông Nguyễn Văn Trí ở xã An Định, huyện Tuy An chia sẻ: Tôi có thời gian dài sống trong nhà vách đất. Những năm 70 của thế kỷ trước, ở các miền quê, hầu hết là nhà tranh vách đất. Mà cất nhà vách đất dựng mầm, trỉ làm cốt. Cây mầm làm nhà là cây săn trắng, chà rang to bằng cổ tay trên rừng An Xuân, An Lĩnh. Trỉ thì lựa cây tre già da đỏ au, chặt rồi chẻ ra thành nan nhỏ đem ngâm dưới ao bàu, một thời gian ngấm bùn thì mang về dùng. Cây mầm dựng đứng, còn trỉ dùng lạt tre buộc ngang vào cây mầm sau đó trét đất trộn với rơm thành vách nhà. Vậy nên mới có câu: Ngó lên nuộc lạt mái nhà, bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.

Thế nhưng nhà vách đất có chắc bền cỡ nào khi bị ngập lụt cũng trụt vách, đó là chưa kể bị chuột đục lỗ làm hang. “Nhà tôi ở vùng trũng thấp, mùa mưa nào cũng ngập, nước lụt ngâm trụt vách nên phải trét đi trét lại. Báo dán tường cũng phải dán lại cho mới. Mỗi năm đều phải thay báo như… thay áo mới”, ông Trí nói.

Bà Tạ Thị Ái Linh cũng ở xã An Định kể kỷ niệm nhà vách đất: Những năm sau giải phóng, tôi sống trong nhà mái ngói, vách đất. Trên vách nhà, tôi xin mấy tờ báo về dán, che lại vết nứt và những chỗ bị chuột đào lỗ. Ở phòng khách, tôi lấy tấm bìa các-tông vẽ bông hoa tô màu, chặt gốc tre vót thành nan nẹp lại làm bức tranh treo lên cho sang một chút. Nhớ nhất là sau 23 tháng Chạp, tôi lấy báo dán quanh, băng bó chỗ cái thùng gánh nước gỉ sét, sứt then, rồi lựa mấy cây vạn thọ bứng vô trồng trong đó và đem chưng ở phòng khách. Bạn bè đến nhà chơi rất thích, có người xem tranh, có người say sưa đọc báo trên vách nhà. Giờ nghĩ lại thấy cũng hay hay.

Ông Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Tôi nhớ thời sinh viên, phòng trọ ở ký túc xá hay dán báo Liên Xô giấy láng, có phòng thì dán báo giấy hẩm che lại bức tường lâu ngày rêu phong. Gần đây, ở các khu resort, tôi thấy người ta xây nhà giả vách đất bằng bê tông, chỗ này chỗ kia gồ ghề, ló rơm rạ… giả. Họ còn thiết kế sân đất, vườn rau xung quanh các ngôi nhà. Những hình ảnh đó làm sống lại kỷ niệm một mảnh hồn quê cũ”.

Tôi nhớ thời sinh viên, tường ở ký túc xá hay dán báo Liên Xô giấy láng, có phòng thì dán báo giấy hẩm che lại bức vách lâu ngày rêu phong. Gần đây, ở các khu resort, tôi thấy người ta xây nhà giả vách đất bằng bê tông, chỗ này chỗ kia gồ ghề, ló rơm rạ… giả. Họ còn thiết kế sân đất, vườn rau xung quanh các ngôi nhà. Những hình ảnh đó làm sống lại kỷ niệm một mảnh hồn quê cũ.

Ông Phan Đình Phùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/281853/thuo-nha-vach-dat-tuong-gach-dan-giay-bao.html