'Thuế carbon' của châu Âu giáng đòn nặng vào nền kinh tế Nga

Theo thông báo từ năm 2023, Liên minh châu Âu - EU sẽ chính thức áp dụng 'thuế carbon' đánh vào các công ty nước ngoài cung cấp sản phẩm cho thị trường của mình.

"Thuế carbon" theo đánh giá sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu dầu, khí đốt, hóa dầu, luyện kim, phân bón, cũng như xi măng... trong quá trình sản xuất thải ra một lượng khí nhà kính đáng kể.

"Thuế carbon" theo đánh giá sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu dầu, khí đốt, hóa dầu, luyện kim, phân bón, cũng như xi măng... trong quá trình sản xuất thải ra một lượng khí nhà kính đáng kể.

Điều này có nghĩa là "gánh nặng môi trường" mới sẽ đổ lên vai nước Nga. Làm thế nào để Moskva ứng phó với thách thức này?

Trước hết, cần chỉ ra rằng “thuế carbon” là mặt trái của chương trình “khử carbon” của nền kinh tế thế giới. Ban lãnh đạo EU đã đặt mục tiêu đạt được "sự trung hòa" về khí hậu vào năm 2050.

Muốn vậy cần phải từ bỏ dần việc sử dụng than, dầu, khí đốt và chuyển sang các nguồn năng lượng “xanh” tái tạo.

Rõ ràng điều này sẽ dẫn đến việc tăng chi phí của các nhà sản xuất châu Âu, do đó việc cân bằng cơ hội của họ so với các đối thủ cạnh tranh chỉ có thể thực hiện thông qua các đòn bẩy hành chính.

Cụ thể là việc áp dụng thuế đặc biệt đối với những nhà nhập khẩu sản phẩm có "Dấu vết carbon" trong quá trình sản xuất.

Đây là một tin xấu cho Moskva, khi châu Âu - thị trường lớn nhất để bán hydrocacbon của Nga sẽ giảm tiêu thụ một cách có hệ thống trong vòng 20 - 30 năm tới.

Mặt khác, các chi phí bổ sung được đưa ra "một cách giả tạo" đối với những nhà xuất khẩu sản phẩm khác. Điều này có thể trở thành một vấn đề rất lớn, vì có tới 40% hàng hóa xuất khẩu của Nga sẽ bị áp dụng "thuế carbon".

Không chỉ riêng thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc cũng đang nghĩ đến các biện pháp bảo hộ tương tự để bảo vệ thị trường nội địa và các nhà sản xuất địa phương. Khi đó nước Nga sẽ còn lại gì?

Thực tế là “lượng khí thải carbon” của Nga thực sự rất lớn, điều này bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố cùng một lúc.

Thứ nhất, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga không phải ô tô điện hay điện thoại thông minh mà là khí đốt, dầu mỏ và kim loại.

Thứ hai, trong quá trình khai thác và sản xuất, rất nhiều năng lượng điện và nhiệt đã bị tiêu thụ, mà hoàn toàn không có được từ các nguồn "xanh".

Thứ ba, năng lượng cũng bị tiêu hao khi bơm dầu khí qua đường ống, từ đó theo các chuyên gia châu Âu, rò rỉ có thể xảy ra.

Hiện vẫn chưa có phương pháp chính xác để tính "thuế carbon", nhưng theo ước tính sơ bộ, thiệt hại của các nhà xuất khẩu Nga vào năm 2030 có thể lên tới 5 - 50 tỷ Euro, con số trung bình là 33 tỷ.

Khoản phí ban đầu có thể sẽ nhỏ, nhưng quy mô và số lượng mặt hàng mà nó bao trùm sẽ tăng lên. Người ta ước tính rằng các nhà sản xuất thép cuộn có thể mất tới 40% lợi nhuận, bột giấy lên đến 60% và các nhà xuất khẩu dầu thô lên đến 20%.

Có thể dễ dàng đoán rằng nhà nước sẽ buộc phải hỗ trợ các nhà tài phiệt và giảm bớt gánh nặng thuế cho họ: ngân sách cấp từ thuế khai thác khoáng sản và thuế xuất khẩu dầu khí sẽ giảm.

Điều này có nghĩa là khả năng tài chính của liên bang sẽ bị giảm sút nhiều hơn và sự thiếu hụt từ các nhà sản xuất nguyên liệu thô sẽ phải được bù đắp bằng việc gia tăng gánh nặng thuế đối với người khác.

Tuy nhiên chắc chắn rằng chính phủ Nga, đứng đầu là cựu Cục trưởng thuế Mikhail Mishustin phải đưa ra một điều gì đó.

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng lời than phiền là vô ích, vì lợi ích của một hành tinh sạch về mặt sinh thái, Nga cần phải tiến hành thắt lưng buộc bụng và kiên nhẫn.

Nhưng ngược lại, có nhận định "thế giới xanh" chỉ đơn giản là một cái cớ thuận tiện cho sự phân phối lại toàn cầu của nền kinh tế thế giới, được chứng minh bằng một sắc thái quan trọng.

Nếu chúng ta đang nói về việc tìm kiếm sự cân bằng thực sự giữa phát thải độc hại và bồi thường thiệt hại do thiên nhiên gây ra thì cần lưu ý rằng khí thải CO2 có xu hướng được rừng hấp thụ, trong khi Nga là một trong những nước đi đầu về độ che phủ rừng.

Ngành công nghiệp Nga đóng góp vào việc làm trái đất ấm lên, nhưng các khu rừng hấp thụ khí thải này và làm sạch bầu không khí.

Do vậy cần công bằng và các quan chức EU phải tính đến yếu tố trên khi tính toán phương pháp luận "thuế carbon", nhưng họ chỉ đơn giản là bỏ qua nó với những khái niệm xa vời. Có lẽ vì ở EU, diện tích rừng tương đối nhỏ và không thể cạnh tranh với Nga.

"Vòng vây carbon" sẽ dần dần siết chặt nền kinh tế nội địa định hướng xuất khẩu nguyên liệu thô chỉ trong vòng hai năm tới, vậy nước Nga phải làm gì?

Chỉ còn ba lựa chọn. Đối với giai đoạn chuyển đổi, hãy sử dụng cơ chế hoán đổi lẫn nhau của hạn ngạch phát thải CO2, cơ chế “trên giấy” làm cho sản phẩm trở nên thân thiện với khí hậu.

Bắt đầu chương trình tái công nghiệp hóa toàn diện nền kinh tế Nga và đưa các nguồn năng lượng "xanh" vào sản xuất, nhằm đa dạng hóa sản phẩm và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu hydrocacbon.

Thông qua đàm phán, tìm kiếm sự đồng thuận từ các quan chức châu Âu để tính đến "yếu tố rừng" khi xác định gánh nặng thuế.

Sau đó nếu lượng khí thải vượt quá, các nhà sản xuất trong nước sẽ có thể bù đắp bằng cách trồng rừng mới và phục hồi những khu rừng bị đốt cháy. Đây sẽ là một tín hiệu tích cực cho những cánh rừng taiga của Nga.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-thue-carbon-cua-chau-au-giang-don-nang-vao-nen-kinh-te-nga-post466769.antd