Thực hiện tốt các chuyên đề giáo dục mầm non

Trong những năm học qua, các trường mầm non tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chuyên đề nghiệp vụ, trong đó trọng tâm là các chuyên đề: xây dựng môi trường và các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục dinh dưỡng lồng ghép phát triển vận động trong trường mầm non; hỗ trợ trẻ 5 tuổi sẵn sàng học lớp 1... Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung giáo dục tích hợp trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Trong những năm học qua, các trường mầm non tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chuyên đề nghiệp vụ, trong đó trọng tâm là các chuyên đề: xây dựng môi trường và các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục dinh dưỡng lồng ghép phát triển vận động trong trường mầm non; hỗ trợ trẻ 5 tuổi sẵn sàng học lớp 1... Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung giáo dục tích hợp trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Ở các nhà trường, quá trình thực hiện các chuyên đề trọng tâm có sự phân công trách nhiệm rõ ràng nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thương Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Lý (Lý Nhân): Nhờ có sự phân công nhiệm vụ phù hợp, việc thực hiện các chuyên đề giáo dục của nhà trường có nền nếp ngay từ đầu mỗi năm học. Trong đó, cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn thực hiện kiểm soát kế hoạch chương trình, nội dung, phương pháp dạy học phù hợp chủ đề của giáo viên; tổ chức xây dựng chuyên đề mẫu, chọn lớp điểm thực hiện chuyên đề, góp ý xây dựng chuyên đề, kiểm tra, dự giờ đánh giá xếp loại việc thực hiện các chuyên đề của giáo viên, qua đó đánh giá việc triển khai thực hiện chuyên đề của tổ, của trường. Giáo viên các nhóm lớp chủ động, sáng tạo về xây dựng kế hoạch bài dạy, đổi mới phương pháp giáo dục, hạn chế sự nhàm chán, lối mòn trong quá trình thực hiện các chuyên đề trong thực tế.

Được biết, qua nhiều năm triển khai thực hiện các chuyên đề, 100% các nhà trường, nhóm lớp và giáo viên đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện tốt chuyên đề trên các nội dung của những năm học trước phát triển và đa dạng phong phú hơn; làm tốt công tác tuyên truyền phối hợp, tạo sự thống nhất giữa nhà trường, gia đình và xã hội; thực hiện có hiệu quả các hội thi, tạo môi trường cho trẻ hoạt động và tạo môi trường sư phạm “Xanh-an toàn-thân thiện”.

Giáo viên Trường Mầm non Đức Lý (Lý Nhân) hỗ trợ trẻ làm quen với chữ và số, sẵn sàng vào học lớp 1.
Ảnh: Trần Thanh

Tham quan thực tế ở các trường mầm non cho thấy, trong các nhóm lớp đã bảo đảm có nhiều đồ dùng đồ chơi tự làm, có nhiều góc sáng tạo có thể thay đổi linh hoạt vị trí góc chơi phù hợp với chủ đề, với đặc điểm của lớp và thuận tiện cho trẻ hoạt động; nhóm nhà trẻ chú ý nội dung góc chơi hoạt động với đồ vật đan xen nội dung thực hành cuộc sống, góc bé chơi với hình và màu. Ngoài ra, với sự đồng thuận, ủng hộ của cha mẹ trẻ, các nhà trường còn duy trì tổ chức tốt các ngày hội trải nghiệm cho trẻ; hỗ trợ cha mẹ trẻ chăm sóc giáo dục trẻ và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chuyên đề Nâng cao chất lượng giáo dục vận động được triển khai thực hiện đã mang đến sự mở rộng, phong phú và đa dạng hơn về nội dung, trẻ các độ tuổi đã được tiếp xúc và làm quen với nhiều hoạt động mới mẻ, phù hợp, được vận động trong điều kiện cơ sở vật chất hoàn thiện hơn. Tại các lớp học, đã có sự sắp xếp các góc chơi hợp lý, tạo khoảng không gian rộng rãi, an toàn cho trẻ tự do vận động, được bổ sung các loại đồ chơi tự tạo phong phú về chủng loại, chất liệu hỗ trợ phát triển các nhóm cơ nhỏ cho trẻ. Nhiều trường đã được đầu tư xây dựng phòng giáo dục phát triển thể chất, có đầy đủ các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ phát triển vận động. Hệ thống thiết bị, đồ chơi ngoài trời và trong các nhóm lớp cũng được tăng cường. Đến nay, 100% các nhóm, lớp xây dựng góc vận động cho trẻ, trang trí góc, làm đồ dùng đồ chơi phục vụ cho chuyên đề và cho trẻ vận động; 100% các nhóm lớp tổ chức các hoạt động thể dục vận động lồng ghép giáo dục dinh dưỡng, như: thể dục sáng, trò chơi vận động, trò chơi dân gian; tổ chức “Ngày hội dinh dưỡng”, “Ngày hội thể thao của bé”, múa hát tập thể phù hợp với độ tuổi nhằm giúp trẻ năng động, mạnh dạn, tự tin, góp phần nâng cao thể lực cho trẻ và giảm tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì.

Trong chuyên đề xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm, do được triển khai thực hiện khá sớm nên đến nay các mục tiêu xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục, hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, các điều kiện cho thực hiện chuyên đề đã được ngành và các nhà trường tập trung đầu tư, đáp ứng tương đối tốt yêu cầu thực tế. Tại các trường được chọn làm điểm, ngoài việc xây dựng môi trường bảo đảm an toàn về mặt tâm lý cho trẻ, trẻ được thường xuyên giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện… còn có được môi trường trong và ngoài lớp học tích cực, giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học.

Cô giáo Trần Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (TP Phủ Lý), cho biết: Để chuyên đề được triển khai hiệu quả, nhà trường đã chủ động tạo ra môi trường giáo dục có tính sáng tạo cao cho cả giáo viên và học sinh, trẻ có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động giáo dục, được trải nghiệm và khám phá mọi lúc, mọi nơi. 100% nhóm lớp xây dựng kế hoạch giáo dục căn cứ vào khả năng, nhu cầu học tập, kinh nghiệm sống của trẻ để xác định mục tiêu, nội dung cụ thể. Nhà trường duy trì tổ chức các hoạt động và đặt trẻ vào trung tâm của quá trình giáo dục, tạo mọi cơ hội để trẻ tham gia vào các hoạt động và động viên, khích lệ phát huy tối đa khả năng của trẻ tham gia vào trong các hoạt động giáo dục. Qua đó, giúp hình thành một số kỹ năng, phát triển năng khiếu của trẻ thông qua các hoạt động.

Ở chuyên đề này, các nhà trường khác đều xác định rõ tầm quan trọng của chuyên đề đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục nên đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cho giáo viên tham dự các lớp tập huấn kiến thức, phương pháp, vận dụng quan điểm lấy trẻ làm trung tâm vào việc thực hiện chương trình. Nhiều giáo viên đã thể hiện tốt năng lực khi biết tự thiết kế kế hoạch giảng dạy, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giảng dạy và làm đồ dùng, đồ chơi mang tính giáo dục, thẩm mĩ cao. Trong các lớp học, đã có sự tìm tòi tạo nên những môi trường lớp học với nhiều màu sắc sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ. Hơn thế, với sự đổi mới tích cực về phương pháp, hình thức giáo dục đã giúp khuyến khích, hỗ trợ trẻ sáng tạo và có khả năng làm thay đổi đối với những trẻ thiếu hụt về thể chất, tư duy hoặc trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh các chuyên đề trọng tâm, các trường mầm non còn linh hoạt thực hiện nhiều chuyên đề khác, như: xây dựng môi trường giáo dục phát triển ngôn ngữ trong trường mầm non; tổ chức các hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với chữ và số; xây dựng môi trường giáo dục Steam trong trường mầm non theo hướng tổ chức các hoạt động học cho trẻ khám phá khoa học, tạo hình…; chuyên đề Vệ sinh - Giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm không để tình trạng ngộ độc thức ăn xảy ra trong nhà trường; lồng ghép giáo dục nội dung an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tai nạn thương tích, kĩ năng sống cùng một số chuyên đề phát triển năng khiếu về tạo hình, âm nhạc cho trẻ vào trong các hoạt động học.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thuc-hien-tot-cac-chuyen-de-giao-duc-mam-non-101159.html